Tháo gỡ khó khăn để về đích

Trong 9 tháng, ngành chăn nuôi đã vượt qua nhiều khó khăn như dịch bệnh, áp lực từ thị trường để đạt được sự tăng trưởng đáng ghi nhận. Tuy nhiên, để hoàn thành mục tiêu của năm 2023, theo Bộ NN&PTNT, ngành chăn nuôi cần nỗ lực, tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp.

Tăng trưởng nhưng chưa bền vững

Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, trong 3 quý, cả nước kiểm soát tốt dịch bệnh trên gia súc, gia cầm. Tổng đàn vật nuôi và sản lượng thịt đều tăng: Sản lượng thịt trâu hơi xuất chuồng đạt 90,6 nghìn tấn, tăng 0,1%; thịt bò hơi xuất chuồng đạt 373,4 nghìn tấn, tăng 2,4%; sữa bò tươi đạt 892,5 triệu lít, tăng 3,4%; đàn lợn tăng 4,2%, sản lượng thịt lợn hơi ước đạt 3.632,9 nghìn tấn, tăng 6,8%; đàn gia cầm, tăng 3,5%; sản lượng thịt ước đạt 1.737,2 nghìn tấn, tăng 6,0%; trứng ước đạt 14,2 tỷ quả, tăng 5,6%. 

Bên cạnh các kết quả đã đạt được, thời gian qua ngành chăn nuôi vẫn còn gặp một số khó khăn cần khắc phục như tình trạng nhập lậu các sản phẩm gia cầm, chưa chủ động được nguồn nguyên liệu đầu vào đặc biệt là nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, con giống có năng suất chất lượng cao. Liên kết tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị thiếu đồng bộ, hiệu quả. Kiểm soát an toàn sinh học, dịch bệnh, an toàn thực phẩm và quản lý môi trường chăn nuôi vẫn không đáp ứng yêu cầu. Cùng đó, thiên tai xảy ra đã khiến cho 25.895 con gia súc, gia cầm bị chết. 

Ngành chăn nuôi triển khai nhiều giải pháp để về đích. Ảnh: ST

Bên cạnh đó, mặc dù tốc độ phát triển của ngành chăn nuôi thời gian qua tương đối nhanh nhưng lại thiếu bền vững, chưa đảm bảo công bằng về lợi ích giữa các bên tham gia vào chuỗi giá trị chăn nuôi, đặc biệt là lợi nhuận giữa người chăn nuôi và lợi ích người tiêu dùng. Một số công tác triển khai còn chậm như xây dựng và ban hành văn bản hướng dẫn quản lý ngành, xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn, cập nhật số liệu, thông tin từ địa phương… Do đó, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn và tiến trình hội nhập quốc tế, cần tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện đồng bộ ở các cấp trong thời gian tới. 

Giải pháp cho giai đoạn nước rút

Trong các tháng cuối năm, Bộ NN&PTNT giao các đơn vị trong khối chăn nuôi căn cứ chức năng, nhiệm vụ cần đẩy mạnh việc phối hợp với các đơn vị liên quan và các địa phương thực hiện đồng bộ, tích cực trách nhiệm và hiệu quả. Đặc biệt, Cục Chăn nuôi ưu tiên tập trung nguồn lực đề hoàn thiện trình Bộ NN&PTNT xem xét, ban hành Thông tư sửa đổi bổ sung một số điều của Thông tư số 23/2019/TT-BNNPTNT hướng dẫn một số điều của Luật Chăn nuôi về hoạt động chăn nuôi, Thông tư ban hành Danh mục hóa chất, chế phẩm sinh học, vi sinh vật được phép sử dụng trong sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi; Chiến lược phát triển ngành ong; Hướng dẫn tạm thời về đăng ký và cấp mã số cơ sở nuôi chim yến… Bên cạnh đó, Cục Chăn nuôi chủ trì, phối hợp với các địa phương, hiệp hội, hội, doanh nghiệp và căn cứ tình hình thực tiễn đề xuất, xây dựng kế hoạch tổ chức các hội nghị, hội thảo nhằm kết nối doanh nghiệp, người chăn nuôi trong công tác phổ biến văn bản pháp luật, chuyển giao công nghệ, thị trường cung cầu nguyên liệu và sản phẩm chăn nuôi…

Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường phối hợp với Cục Chăn nuôi cập nhật và phân tích thị trường vật tư chăn nuôi, sản phẩm chăn nuôi, tình hình phát triển đàn vật nuôi của cả nước và từng địa phương để xây dựng kế hoạch sản xuất chăn nuôi phù hợp với từng địa phương và nhu cầu thị trường.

Đề cập các giải pháp mà Bộ NN&PTNT sẽ thực hiện trong quý 4, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết Bộ sẽ tăng cường chỉ đạo, kiểm tra tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển chăn nuôi, đảm bảo nguồn cung thực phẩm; tăng cường chỉ đạo nhân rộng mô hình chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, triển khai các mô hình VietGAP, chăn nuôi theo hướng hữu cơ, kinh tế tuần hoàn… trên các đối tượng vật nuôi.

Thùy Khánh

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *