Trong khẩu phần ăn của vịt thịt cần sử dụng hợp lý các loại thức ăn để đảm bảo chế độ dinh dưỡng phù hợp khi nuôi.
Nhu cầu dinh dưỡng của vịt
Nhu cầu dinh dưỡng cần thiết của vịt là các loại thức ăn thô (thóc, ngô, kê…), có nhiều chất xơ. Được chia làm các giai đoạn: Giai đoạn vịt con 1 – 14 ngày tuổi, protein thô chiếm 22%, năng lượng trao đổi 3.000 Kcal/kg. Giai đoạn 21 – 56 ngày, protein thô chiếm 17%, năng lượng trao đổi đảm bảo 3.100 Kcal/kg.
Cho vịt ăn với lượng thức ăn theo nhu cầu để đảm bảo tốc độ tăng trưởng nhanh nhất, thường lượng thức ăn trong khoảng 5 – 10% trọng lượng thân. Trong khẩu phần thức ăn, khối lượng thức ăn năng lượng cho vịt chiếm khoảng 70%, thức ăn protein chiếm không quá 30%. Ngoài ra, cần bổ sung thêm khoáng chất, vitamin… trong khẩu phần ăn hàng ngày.
Thành phần dinh dưỡng các loại thức ăn
Thức ăn năng lượng
Còn gọi là thức ăn carohydrat, gồm các loại ngũ cốc và sản xuất phụ phẩm của chúng như thóc, ngô, cao lương, cám, tấm. Loại thức ăn này có hàm lượng protein dưới 20%, trung bình khoảng 12% và hàm lượng xơ thô dưới 18%. 75 – 80% lượng protein của nhóm thức ăn này chất lượng không cao vì thiếu lizin, metionin và triptophan. Hàm lượng chất béo trung bình 2 – 5%. Thức ăn loại này giàu photpho, nhưng nghèo canxi, khả năng tiêu hóa khoảng 95%. Cụ thể:
Thóc có năng lượng trao đổi là 2.630 – 2.860 Kcal/kg. Tỷ lệ protein trung bình 7,8 – 8,7%; mỡ 1,2 – 3,5%; chất xơ 10 – 12%. Hàm lượng lizin, acginin, tryptophan cao hơn ngô. Hàm lượng các nguyên tố khoáng thấp.
Ngô có năng lượng trao đổi là 3.100 – 3.200 Kcal/kg. Hàm lượng protein 8 – 12%, trung bình là 9%. Hàm lượng xơ thô rất thấp, 4 – 6%. Ngô rất nghèo khoáng như canxi (0,45%), mangan (7,3%/kg).
Kê có giá trị nuôi dưỡng bằng khoảng 95% ngô, ptotein thô 10 – 11%; mỡ 2,3 – 2,7%; xơ 2,2 – 13,1%. Năng lượng trao đổi 2.667 – 3.192 Kcal/kg. Trong khẩu phần, vịt con có thể dùng tới 44%…
Cho vịt ăn với lượng thức ăn theo nhu cầu – Ảnh: Phan Thanh Cường
Thức ăn protein
Protein thực vật: Gồm các loại cây họ đậu và khô dầu: Đỗ tương, đỗ xanh, lạc, khô dầu đỗ tương, khô dầu lạc. Loại thức ăn này giàu protein và các axit amin không thay thế. Protein đậu đỗ dễ hòa tan trong nước và giàu lizin nên dễ tiêu hóa, hấp thu. Hàm lượng canxi, magie, mangan, đồng trong đỗ cũng cao hơn các loại thức ăn giàu năng lượng, nhưng nghèo photpho. Hàm lượng protein trong đỗ tương chiếm 38 – 43%, mỡ 16 – 18%, năng lượng trao đổi 3.600 – 3.700 Kcal/kg. Giá trị sinh học protein của đỗ tương cao, tương đương protein động vật, giàu axit amin nhất là lizin và triptophan.
Lạc nhiều dầu mỡ, chiếm 38 – 40% trong lạc và vỏ, 48 – 50% trong lạc nhân. Phụ phẩm của lạc sau khi ép dầu là dầu khô. Dầu lạc được sử dụng như là một nguồn thức ăn protein trong chăn nuôi, đặc biệt là chăn nuôi gia cầm. Hàm lượng protein 30 – 32% trong khô dầu cả vỏ, 45 – 50% trong khô dầu lạc nhân. Trong chế biến thức ăn cho vịt, thành phần khô dầu lạc chiếm 1%.
Protein động vật: Gồm các sản phẩm chế biến từ động vật: Bột cá, bột tôm, bột thịt… đây là nguồn thức ăn giàu protein, có đủ axit amin không thay thế, các nguyên tố khoáng và nhiều vitamin quý. Bột cá là nguồn thức ăn protein chứa đầy đủ tất cả axit amin cần thiết, đặc biệt là lizin và metionin. Hệ số tiêu hóa bột cá 85 – 90%. Bột đầu tôm có 33 – 34% protein, trong đó có 4 – 5% lizin; 2,7% metionin, giàu canxi, photpho, các khoáng vi lượng và chất màu.
Thức ăn bổ sung vitamin
Việc bổ sung các loại vitamin và hỗn hợp thức ăn được sử dụng dưới dạng premix vitamin và hỗn hợp đồng nhất các loại Vitamin A, D, E, K, B1, B2, B12, PP kháng sinh phòng bệnh và chất chống ôxy hóa.
Bổ sung chất khoáng
Khoáng đa lượng: Một số chất khoáng đa lượng thường dùng để bổ sung vào thức ăn cho các loài thủy cầm như: Canxi cacbonat, đá vôi, bột sò, vỏ trứng, bột xương, natri, kali và nhiều nguyên tố đa lượng khác.
Khoáng vi lượng: Một số khoáng vi lượng thường được bổ sung vào thức ăn như: Mangan sunfat, Mangan cacbonat dùng bổ sung Mangan cho thủy cầm. Sử dụng Coban clorua, dùng bổ sung Coban vào khẩu phần gia cầm, có thể thay Coban Clorua bằng Coban cacbonat hay Coban axetat.
Phối trộn thức ăn
Tùy vào điều kiện cụ thể của từng địa phương mà các nguyên liệu sử dụng trong phối trộn làm thức ăn cho vịt khác nhau nhưng cần đảm bảo đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng. Thành phần của thức ăn năng lượng thường chiếm 60 – 70% trong khẩu phần ăn của vịt. Khi sử dụng loại thức ăn này thường được ngâm hoặc nấu chín, để nguội, sau đó phối trộn với thức ăn protein động vật và protein thực vật. Hàm lượng thức ăn protein động vật không quá 10%. Hàm lượng protein thực vật thường 20 – 25%. Nguồn thức ăn protein thực vật thường dùng là đỗ tương, khi sử dụng thường được rang chín, nghiền nhỏ. Ngoài ra, cần bổ sung khoáng chất, vitamin vào khẩu phần ăn cho vịt hàng ngày, thành phần này chiếm khoảng 1%.
>> Phối trộn thức ăn đảm bảo chế độ dinh dưỡng, giúp giảm chi phí nuôi vịt thương phẩm 15 – 20% so sử dụng thức ăn công nghiệp. Đây là hình thức chăn nuôi rất hiệu quả, giúp hạ giá thành, nâng cao khả năng cạnh tranh sản phẩm.
Tuyết Phương