Khó khăn còn kéo dài

(Người Chăn Nuôi) – Nửa đầu năm 2021, ngành chăn nuôi Việt Nam gặp nhiều khó khăn. Giá thức ăn chăn nuôi liên tục tăng, trong khi nhu cầu tiêu thụ giảm vì dịch COVID-19, tình hình dịch bệnh vẫn khó lường… đang là thách thức lớn với ngành chăn nuôi. Không ít ý kiến dự báo, thị trường chăn nuôi phải đến cuối năm mới ổn định.

Lo ngại vì dịch bệnh

Trải qua một năm 2020 tương đối ổn khi Dịch tả heo châu Phi (ASF) được kiểm soát khá tốt, chăn nuôi gia cầm “bùng phát” về số lượng. Những tưởng thuận lợi này sẽ kéo dài, thế nhưng, 6 tháng đầu năm 2021, ngành chăn nuôi lại gặp rất nhiều thách thức khi cả 2 đối tượng nuôi chính là heo và gia cầm đều nhiều bất ổn.

Theo số liệu của Cục Thú y, tính đến hết tháng 6/2021, ASF xảy ra tại 1.152 xã thuộc 225 huyện của 45 tỉnh, thành phố, tổng số heo phải tiêu hủy là 62.188 con. Và tính đến ngày 20/7/2021, ASF còn ở 33 tỉnh, thành phố chưa qua 21 ngày. Theo nhận định của Cục Thú y, thời gian tới nguy cơ ASF tái phát và phát sinh là rất cao, do thời tiết tiếp tục có nhiều diễn biến cực đoan, việc giao thương buôn bán, vận chuyển tăng cao, trong khi đó bệnh chưa có thuốc điều trị và vaccine phòng bệnh.

Ngoài ASF, ngành chăn nuôi phải đối mặt với căn bệnh khác trên đàn đại gia súc, đó là viêm da nổi cục. Tính đến tháng 6, bệnh viêm da nổi cục xảy ra tại 2.252 xã thuộc 252 huyện của 32 tỉnh, thành phố với tổng số 63.714 con gia súc mắc bệnh, 9.170 con chết và tiêu hủy.Với chăn nuôi gia cầm, năm nay, dịch cúm gia cầm cũng bùng phát khá mạnh tại nhiều địa phương trên cả nước, hàng chục nghìn con gia cầm đã buộc phải tiêu hủy, trong đó lớn nhất là đàn gà. Theo báo cáo từ các địa phương, tính đến giữa tháng 3, cả nước xảy ra 40 ổ dịch cúm gia cầm tại 14 tỉnh, thành phố, tiêu hủy trên 100.000 con gia cầm. Chủng virus chủ yếu là H5N1 và H5N6.

Mới đây, chủng virus độc lực cao A/H5N8 đã lần đầu tiên xuất hiện tại Việt Nam. Đánh giá về nguy cơ lây lan dịch bệnh trong thời gian tới, ông Nguyễn Văn Long, Phó Cục trưởng Cục Thú y nhận định, nguy cơ dịch cúm gia cầm A/H5N8 xảy ra trên phạm vi rộng là rất cao do virus cúm gia cầm A/H5N8 lần đầu tiên xuất hiện tại nước ta, hiện vẫn chưa rõ nguồn lây nhiễm. Hơn nữa, virus được phát hiện từ các gia cầm được chăn thả trên khu vực rộng, chợ buôn bán gia cầm sống nên việc truy xuất, tiêu hủy gia cầm mắc bệnh gặp nhiều khó khăn…

chăn nuôi

Ngành chăn nuôi sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn trong thời gian tới

 

Giá thức ăn tăng “phi mã”

Trong tháng 6/2021, giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi (TĂCN) đã có xu hướng giảm so tháng 5/2021. Những ngày đầu tháng 7/2021, giá các nguyên liệu TĂCN chính tiếp tục giữ xu hướng giảm. Tuy nhiên, tính bình quân 6 tháng đầu năm 2021, giá các nguyên liệu TĂCN đều tăng so cùng kỳ 2020. Do giá nguyên liệu TĂCN tăng mạnh, giá TĂCN thành phẩm 6 tháng đầu năm 2021 đều tăng so cùng kỳ 2020. Cụ thể: Thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh cho heo thịt từ 60 kg đến xuất chuồng 10.785,8 đồng/kg (tăng 14,6%); Thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh cho gà thịt lông màu 10.885,4 đồng/kg (tăng 14,4%); Thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh cho gà thịt lông trắng 11.206,9 đồng/kg (tăng 12,1%). Xu hướng sẽ còn tăng khoảng 5% trong tháng 7/2021 vì các doanh nghiệp đều cho rằng, sản xuất TĂCN vẫn đang phải sử dụng nguyên liệu được mua với giá cao từ các tháng trước.

Dự báo giá các nguyên liệu TĂCN chính có thể tăng trong thời gian tới do các thông tin về tồn kho vụ cũ và diện tích trồng ngô, đậu tương vụ mới của Mỹ đều thấp hơn dự kiến, đồng thời do nhu cầu ngô sản xuất ethanol của Mỹ tăng cao dẫn tới hạn chế nguồn cung ngô dùng cho chăn nuôi. Do đó, giá TĂCN thành phẩm trong nước có thể còn tiếp tục tăng trong thời gian tới.

 

Khủng hoảng thị trường

6 tháng đầu năm 2021, giá heo hơi xuất chuồng tại trại theo xu hướng giảm, rõ nét nhất từ tháng 4/2021 sang tháng 5/2021. Tính đến ngày 30/7/2021, giá heo hơi đang dao động 54.000  –  56.000 đồng/kg tại miền Bắc, 53.000 – 56.000 đồng/ kg tại miền Trung và Tây Nguyên; 52.000 – 54.000 đồng/kg tại miền Nam. So với giá bình quân năm 2020, mức giá hiện tại đã giảm mạnh 20.000 – 25.000 đồng/kg. Xu hướng giá heo sẽ tiếp tục giảm nhẹ trong thời gian tới vì tình hình dịch bệnh được khống chế và tốc độ khôi phục, phát triển đàn heo trên cả nước đang tăng lên, không thiếu nguồn cung con giống cho hoạt động sản xuất và nguồn cung heo thịt thương phẩm cho thị trường tiêu thụ. Ngoài ra, do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, khó khăn vận chuyển, nhu cầu tiêu thụ thịt heo giảm (khối khu công nghiệp, trường học, bếp ăn tập thể, khách sạn, nhà hàng…) dẫn đến giảm áp lực đối với nguồn cung sản phẩm.

Riêng với ngành chăn nuôi gia cầm, TS. Nguyễn Thanh Sơn, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Gia cầm Việt Nam cho rằng, ngành đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng chưa từng có, trong đó có một số khó khăn chính như: Thị trường tiêu thụ sản phẩm gia cầm như con giống, thịt, trứng rất khó khăn và luôn đứng ở mức thấp; Một số thủ tục hành chính rườm rà gây khó cho doanh nghiệm (chi phí kiểm dịch, hợp quy TĂCN…) và chi phí logicstic cao gấp 2 – 3 lần so các nước trong khu vực. Doanh nghiệp và hộ chăn nuôi thiếu vốn để duy trì sản xuất kinh doanh, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 như hiện nay…

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến

Để triển khai các mục tiêu của ngành chăn nuôi trong năm 2021, Cục Chăn nuôi cần bám sát vào các chỉ tiêu, từ đó đề ra các kế hoạch triển khai rõ ràng, cụ thể. An toàn sinh học đóng vai trò quyết định, do vậy, cần tập trung để thực hiện tốt công tác này. Ngoài ra, cần nắm chắc diễn biến giá của từng loại sản phẩm chăn nuôi, giá nguyên liệu TĂCN để từ có sự chỉ đạo điều hành chính xác và đưa ra các giải pháp giải quyết được tình hình. Đồng thời, phân tích, dự báo được tình hình diễn biến giá cả để có những giải pháp kịp thời, mang lại hiệu quả cho sản xuất của ngành chăn nuôi.

 

Quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi Dương Tất Thắng

Cục sẽ tập trung chỉ đạo tiếp tục tái đàn, tăng đàn heo theo hướng an toàn sinh học; Ổn định phát triển đàn gia cầm và phát triển một số loại vật nuôi khác, đồng thời, đẩy mạnh phát triển chăn nuôi gia súc ăn cỏ, sản xuất theo chuỗi và truy xuất được nguồn gốc. Ngoài ra, Cục sẽ phối hợp với Cục Thú y, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia tăng cường chỉ đạo triển khai mô hình chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, thực hành chăn nuôi tốt trên các đối tượng vật nuôi, nhất là đối với chăn nuôi heo. Đặc biệt, phối hợp với các đơn vị liên quan nhằm triển khai phòng chống dịch bệnh, nhất là ASF, bệnh lở mồm long móng, cúm gia cầm và bệnh viêm da nổi cục trên trâu bò…

 

Mảng sáng và kỳ vọng

Ông Dương Tất Thắng, Quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2021, toàn ngành chăn nuôi triển khai thực hiện kế hoạch trong điều kiện phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, tác động đến đời sống, kinh tế, xã hội, làm đứt gãy các chuỗi cung ứng toàn cầu và ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất và hoạt động xuất, nhập khẩu, tiêu thụ nông sản. Đồng thời, dịch bệnh trên động vật diễn biến phức tạp; Biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan đã phần nào ảnh hưởng đến hoạt động chăn nuôi. Thị trường tiêu thụ nông sản giảm và chịu tác động từ chiến tranh thương mại giữa các nền kinh tế lớn, các nước gia tăng hàng rào kỹ thuật… đã ảnh hưởng chung đến kết quả sản xuất của chăn nuôi trong nước.

Tuy nhiên, trong 6 tháng đầu năm, ngành chăn nuôi đã đạt được nhiều kết quả nổi bật. Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, tính đến thời điểm cuối tháng 6/2021, tổng đàn bò cả nước tăng 2,5%; Tổng đàn heo tăng 11,6%; Tổng đàn gia cầm tăng 5,4%; Chỉ riêng đàn trâu giảm 3,1% so cùng thời điểm năm 2020. Ước tính 6 tháng đầu năm 2021, tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng ước đạt 3.226,3 nghìn tấn; Sản lượng trứng gia cầm đạt 8,4 tỷ quả, tăng 5%; Sản lượng sữa bò tươi đạt 561,1 nghìn tấn, tăng 11,2%.

chăn nuôi 6 tháng đầu năm 2021

Trong 6 tháng cuối năm 2021, ngành chăn nuôi sẽ còn tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Trong đó, dịch bệnh còn xảy ra ở một số địa phương, do vậy, vẫn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát trên diện rộng. Đặc biệt, chi phí sản xuất, chi phí trung gian và giá thành sản phẩm chăn nuôi trong nước vẫn ở mức cao. Ngoài ra, việc hội nhập sâu rộng của nước ta với thế giới thông qua 15 hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, trong đó khu vực CPTPP và EVFTA đều là những nước có không gian chăn nuôi lớn hơn Việt Nam, điều này sẽ càng gia tăng áp lực về thị trường cho các sản phẩm chăn nuôi trong nước.

>> Trong 6 tháng cuối năm 2021, ngành chăn nuôi phấn đấu đạt được các chỉ tiêu đề ra: Tăng trưởng giá trị sản xuất bình quân năm 2021 đạt khoảng 5 – 6%; Sản lượng thịt các loại đạt khoảng 5,7 triệu tấn. Sản lượng trứng đạt khoảng 15,6 tỷ quả, tăng 7,5%; Sản lượng sữa đạt khoảng 1,21 triệu tấn.

Phan Thảo – Phương Khang

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *