(Người Chăn Nuôi) – Cả nước hiện vẫn còn rất nhiều cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, gây ô nhiễm môi trường và khó khăn trong việc kiểm soát chất lượng sản phẩm chăn nuôi. Ðây được coi là bài toán khó với các nhà quản lý khi đến nay vẫn chưa tìm ra được lời giải phù hợp.
Tồn tại nhiều bất cập
Số liệu của ngành nông nghiệp cho thấy, 6 tháng đầu năm nay, ngành chăn nuôi tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng cao, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng GDP của cả nước. Đồng thời, ngành hàng này cũng mang về 240 triệu USD tổng kim ngạch xuất khẩu, tăng 3,8% so với cùng kỳ năm trước.
Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện tại, ngành hàng này vẫn chưa giải quyết dứt điểm những tồn tại cố hữu, mà trong đó, vấn đề kiểm soát cơ sở giết mổ nhỏ lẻ luôn cấp bách.
Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT tại Hội nghị Kiểm soát giết mổ động vật được tổ chức tại tỉnh Long An mới đây cho thấy, cả nước hiện có 440 cơ sở giết mổ tập trung, trong đó: 23 cơ sở giết mổ trâu/bò; 207 cơ sở giết mổ heo; 76 cơ sở giết mổ gia cầm… Bên cạnh đó, cả nước có 24.858 cơ sở giết mổ động vật nhỏ lẻ; trong đó, có 1.629 cơ sở giết mổ trâu/bò; 17.736 cơ sở giết mổ heo; 4.721 cơ sở giết mổ gia cầm… Điều đáng nói là hiện tại các cơ quan quản lý mới kiểm soát được khoảng 18,6% số cơ sở giết mổ nhỏ lẻ trên địa bàn. Trong khi số lượng cơ sở giết mổ nhiều nhưng chưa được kiểm soát, số cơ sở giết mổ tập trung, công nghiệp bảo đảm các điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm thì ngừng hoạt động hoặc cầm chừng.
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến nhấn mạnh, giết mổ nhỏ lẻ rất khó đảm bảo nguồn thực phẩm an toàn cho người tiêu dùng. Hơn nữa, chăn nuôi hiện đại, quy mô công nghiệp không thể phát triển nếu vẫn duy trì tình trạng giết mổ nhỏ lẻ quá lớn như hiện nay.
Các địa phương đang tăng công tác kiểm soát giết mổ gia súc, gia cầm. Ảnh: ST
Thách thức trong kiểm soát
Trước những bất cập về quản lý cơ sở giết mổ động vật, Cục trưởng Cục Thú y Nguyễn Văn Long nhận định, công tác kiểm soát giết mổ còn gặp nhiều khó khăn, bất cập do có quá nhiều cơ sở giết mổ nhỏ lẻ. Đáng lo ngại là hiện cả nước có 14 tỉnh không tổ chức kiểm soát bất kỳ cơ sở giết mổ nhỏ lẻ nào. Trong đó, 7 tỉnh Điện Biên, Ninh Bình, Sơn La, Yên Bái, Bắc Kạn, Cao Bằng và Quảng Ngãi không có cơ sở giết mổ tập trung, không có thú y thực hiện kiểm soát giết mổ tại các cơ sở nhỏ lẻ…
Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cho rằng, với con số 440 cơ sở giết mổ tập trung và 24.858 cơ sở giết mổ nhỏ, lẻ đã cho thấy tỷ lệ tiêu thụ thịt động vật hàng ngày trên cả nước dường như đang tỷ lệ nghịch với số lượng gia súc, gia cầm được kiểm soát giết mổ.
Đây là thách thức không hề nhỏ của ngành chăn nuôi bởi số lượng cơ sở giết mổ nhỏ lẻ quá lớn, chỉ có 27% có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, 4.328 cơ sở (chiếm 64,1%) có nhân viên thú y thực hiện kiểm soát giết mổ. Với lực lượng như hiện nay, ngành thú y chỉ kiểm soát được 17% tổng số cơ sở giết mổ nhỏ lẻ. Số lượng không có giấy phép chứng nhận kinh doanh và không được chính quyền cho phép hoạt động là 18.102 cơ sở (chiếm 73%).
Cần thay đổi cách tiếp cận
Để khắc phục những bất cập nêu trên, một số địa phương đã đề xuất việc xây dựng mạng lưới cơ sở giết mổ, sơ chế, chế biến sản phẩm động vật theo hướng công nghiệp gắn với vùng chăn nuôi tập trung, an toàn dịch bệnh động vật. Còn đại diện một số doanh nghiệp kiến nghị Bộ NN&PTNT, cùng các sở, ban, ngành, địa phương tạo điều kiện để được tiếp cận những chính sách ưu đãi.
Phát biểu tại Hội nghị Kiểm soát giết mổ động vật diễn ra tại tỉnh Long An ngày 26/6 vừa qua, ông Nguyễn Thanh Sơn, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Gia cầm Việt Nam (VIPA), cho rằng: Lâu nay cách quản lý nhà nước về giết mổ động vật tại các địa phương thể hiện duy ý chí, nặng về mệnh lệnh, nên không hiệu quả. Đã đến lúc phải thay đổi tư duy và cách tiếp cận quản lý bởi lĩnh vực giết mổ chịu tác động nhiều yếu tố: Kinh tế, xã hội, văn hóa, thể chế chính sách. Vì vậy, các giải pháp quản lý phải tổng hợp và tác động đến tất cả các yếu tố đó. “Muốn làm tốt kiểm soát giết mổ cần phải thay đổi cách tiếp cận quản lý. Đối với các tỉnh, thành phố lớn như Hà Nội, Hồ Chí Minh, Hải Phòng… cần có cách quản lý khác so với các tỉnh ở vùng sâu, vùng xa”, ông Sơn nhấn mạnh.
Cụ thể, ông Sơn đề xuất 6 nhóm giải pháp về kiểm soát giết mổ động vật, bao gồm: Thay đổi tư duy và phương pháp tiếp cận về quản lý giết mổ động vật. Sửa đổi 2 khái niệm về giết mổ tập trung và giết mổ nhỏ lẻ (theo quy định tại Luật Thú y) vì không phù hợp thực tiễn, từ đó thay đổi cách quản lý. Theo đó, phân loại các loại hình giết mổ như sau: Giết mổ công nghiệp; Giết mổ bán công nghiệp quy mô vừa và nhỏ; Giết mổ hộ gia đình. Bỏ chủ trương tập trung giết mổ vì không bảo đảm vệ sinh thú y và an toàn vệ sinh thực phẩm.
Đồng thời, Chủ tịch VIPA cũng kiến nghị Bộ NN&PTNT và các địa phương cần xây dựng lộ trình về chuyển đổi sang phương thức giết mổ công nghiệp đối với từng địa phương tùy theo đặc điểm của từng tỉnh, thành phố. Không thể yêu cầu tất cả các tỉnh cùng lúc xây dựng đồng loạt các nhà máy giết mổ công nghiệp. Cũng theo ông Sơn, cần có cơ chế, chính sách ưu đãi đối với các cơ sở giết mổ công nghiệp như đất đai, thuế thu nhập doanh nghiệp, VAT, tín dụng, phí kiểm dịch… Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác truyền thông, tăng cường công tác giám sát vệ sinh an toàn thực phẩm.
Dưới góc nhìn của nhà quản lý, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến nhấn mạnh: Con số 24.858 cơ sở giết mổ động vật nhỏ trên cả nước hiện nay rất đáng phải suy nghĩ. Do vậy, đề nghị các tỉnh, thành phố cần sớm có cơ chế, chính sách để thu hút nhà đầu tư vào cơ sở giết mổ tập trung. Tăng cường nguồn ngân sách cho quản lý, đặc biệt là hệ thống thú y các cấp; giám sát 100% các cơ sở giết mổ, góp phần bảo đảm an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và đẩy mạnh xuất khẩu.
Nam Linh