Tay trắng làm nên mô hình trang trại

Chịu thương, chịu khó, nghị lực vươn lên trong cuộc sống, chị Nguyễn Thị Sương, ở xã Lộc Hòa (Phú Lộc, Thừa Thiên – Huế) đã xây dựng thành công trang trại tổng hợp chăn nuôi và trồng trọt từ hai bàn tay trắng. Chị là tấm gương phụ nữ điển hình trong làm kinh tế giỏi ở địa phương.

Cách đây mấy năm, gia đình chị Nguyễn Thị Sương có hoàn cảnh rất khó khăn, chồng tàn tật không thể bươn chải làm ăn như mọi người. Anh gắn bó với công việc thợ cắt tóc ngày có, ngày không. Cùng với việc nuôi dạy con nhỏ, vợ chồng chị Sương gặp không ít khó khăn trong cuộc sống khi mới ra riêng. Không nản chí và chùn bước trước nghịch cảnh, chị Sương bàn bạc với chồng tìm hướng làm ăn phù hợp. Tận dụng vườn tược rộng rãi, hai vợ chồng chị quyết định thành lập mô hình trồng trọt, chăn nuôi tổng hợp, vừa tránh lãng phí đất đai vừa phù hợp với hoàn cảnh gia đình.

Sau khi lập kế hoạch, quy hoạch vùng sản xuất, chị Sương nhận được sự động viên kịp thời của Hội LHPN xã Lộc Hòa, được tạo điều kiện tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi phát triển sản xuất kinh doanh và tập huấn các quy trình trồng trọt, chăn nuôi… Có nguồn vốn và kiến thức ban đầu, chị mạnh dạn đầu tư vào xây chuồng chăn nuôi lợn, gà, vịt, mấy năm đầu cho thu nhập ổn định. Thấy được tiềm năng sẵn có của vùng đất gò đồi, vợ chồng chị quyết định mở rộng quy mô sản xuất, phát triển đàn lợn, nuôi lợn nái 10 con, lợn thịt 60 con, mỗi năm thu nhập khoảng 200 triệu đồng, trừ chi phí lãi ròng khoảng 80 – 100 triệu đồng/năm.

mô hình trang trại

Chị Nguyễn Thị Sương từ tay trắng làm nên mô hình trang trại cho thu nhập cao

Kết hợp với chăn nuôi, tận dụng diện tích đất đai rộng rãi, chị Sương trồng thêm vườn cây ăn trái với đầy đủ các loại như cam, quýt, ổi… tăng thêm nguồn thu cho gia đình.

Chị Nguyễn Thị Sương chia sẻ, đến bây giờ gia đình chị vẫn không thể ngờ có thể xây dựng thành công mô hình trang trại này. Ra ở riêng, hai vợ chồng chỉ hai bàn tay trắng, bắt tay vào làm kinh tế ban đầu cũng chỉ chăn nuôi, trồng trọt nhỏ lẻ, rồi tích lũy dần để tái đầu tư, đến hôm nay mới phát triển thành trang trại. Tổng thu nhập từ chăn nuôi và trồng trọt mỗi năm đem lại cho gia đình từ 350 – 400 triệu đồng, giúp chị có của ăn, của để…

Với sự nỗ lực phấn đấu không mệt mỏi trong việc xây dựng phát triển kinh tế gia đình, chị Sương còn học hỏi thêm kinh nghiệm làm ăn, tiếp thu khoa học kỹ thuật, mở rộng mô hình sản xuất, tăng số lượng đàn bò, lợn, gà, vịt để nâng cao hiệu quả kinh tế. Chị tích cực vận động và giúp đỡ bà con trong thôn mạnh dạn chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, chú trọng phòng ngừa dịch bệnh, phát triển trồng rừng, xây dựng thêm mô hình trồng tiêu để góp phần tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống.

Chủ tịch Hội LHPN xã Lộc Hòa, bà Huỳnh Thị Hạnh cho biết, hoàn cảnh của chị Sương trước đây rất khó khăn, Hội LHPN xã đã tạo điều kiện về nguồn vốn vay ưu đãi ban đầu 50 triệu đồng cho gia đình chị khởi nghiệp; đồng thời hỗ trợ vốn vay 20 triệu đồng đầu tư hệ thống nước sạch phục vụ sản xuất. Sau khi thành đạt, vươn lên khá giả, chị đã hỗ trợ, giúp đỡ nhiều hoàn cảnh chị em gặp khó khăn trên địa bàn xây dựng mô hình kinh tế như gia đình chị.

Theo chị Nguyễn Thị Sương, qua năm mới, gia đình chị sẽ mở rộng thêm diện tích cây ăn quả và đầu tư kinh doanh dịch vụ cung ứng thức ăn chăn nuôi, cung cấp gà giống, lợn giống… để vừa chủ động phát triển sản xuất, vừa đáp ứng nhu cầu ở địa phương.

Ngoài nỗ lực sản xuất, bản thân chị Sương cùng với chi hội phụ nữ thôn còn đảm nhận tuyến đường phụ nữ tự quản dài hơn 600m, thường xuyên vệ sinh môi trường hàng tháng tạo cảnh quan xanh – sạch – đẹp. Đồng thời, chị tích cực tham gia các phong trào của Hội LHPN xã phát động, nhất là phong trào phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế, vận động xây dựng quỹ hỗ trợ phụ nữ nghèo, phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn…

Bài, ảnh: Bá Trí

Nguồn: Báo Thừa Thiên – Huế

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *