Tổ chức thực hiện phòng, chống bệnh VDNC theo nguyên tắc tuân thủ và thực hiện những nội dung, giải pháp tại kế hoạch quốc gia và các văn bản của Bộ NN&PTNT, văn bản hướng dẫn kỹ thuật của Cục Thú y.
Theo thông tin của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), năm 2021, bệnh viêm da nổi cục (VDNC) đã xảy ra tại 4.309 xã của 55 tỉnh, thành phố, làm chết trên 29.175 con trâu, bò. Tính đến ngày 31.12.2021, cả nước còn 25 xã của 6 tỉnh, thành phố có dịch chưa qua 21 ngày.
Riêng trên địa bàn tỉnh, bệnh VDNC được phát hiện lần đầu tiên vào ngày 7.7.2021 tại ấp Bến Cừ, xã Ninh Điền, huyện Châu Thành; sau đó lan ra ở một số địa bàn khác trong tỉnh. Có 7.431 hộ chăn nuôi thuộc 92 xã, phường, thị trấn của 9 huyện, thị xã, thành phố phát hiện bệnh VDNC trên trâu, bò; tổng số trâu, bò bệnh là 16.316 con (trong đó, số trâu, bò đã điều trị khỏi bệnh là 14.403 con; số trâu, bò chết và huỷ là 1.913 con, trọng lượng tiêu huỷ 248.817kg). Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, từ đầu tháng 12.2021 đến nay, dịch VDNC trên trâu, bò cơ bản được khống chế, không còn xảy ra ổ dịch mới trên địa bàn toàn tỉnh.
Chăn thả bò trên cánh đồng cỏ. Ảnh minh hoạ
Tuy nhiên, nguy cơ bệnh VDNC tái phát và lây lan diện rộng trong thời gian tới là rất cao, virus VDNC có khả năng tồn tại lâu ngoài môi trường, đường lây truyền rất phức tạp; việc buôn bán, vận chuyển trâu, bò, sản phẩm trâu, bò gia tăng mạnh vào dịp tết nguyên đán; thời tiết thay đổi gây bất lợi cho đàn trâu, bò, tạo điều kiện thuận lợi cho dịch bệnh phát triển.
Ngày 12.1, UBND tỉnh ban hành Công văn số 45/UBND-KT về việc tổ chức triển khai Kế hoạch quốc gia phòng, chống bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò giai đoạn 2022-2030; yêu cầu Sở NN&PTNT xây dựng và thực hiện kế hoạch phòng, chống bệnh VDNC trên trâu, bò năm 2022 từ nguồn kinh phí đã được phân bổ trong năm 2022.
Xây dựng kế hoạch phòng, chống bệnh VDNC trên trâu, bò tại địa bàn tỉnh giai đoạn 2022-2030 trình UBND tỉnh phê duyệt, bảo đảm thống nhất với các nội dung của kế hoạch quốc gia, lưu ý bố trí kinh phí dự phòng để xử lý trong trường hợp gia súc phản ứng, chết sau tiêm phòng.
Tổ chức thực hiện phòng, chống bệnh VDNC theo nguyên tắc tuân thủ và thực hiện những nội dung, giải pháp tại kế hoạch quốc gia và các văn bản của Bộ NN&PTNT, văn bản hướng dẫn kỹ thuật của Cục Thú y.
Sở Tài chính phối hợp với Sở NN&PTNT tham mưu UBND tỉnh bố trí kinh phí xây dựng kế hoạch phòng, chống bệnh VDNC trên trâu, bò tại địa bàn tỉnh giai đoạn 2022-2030.
Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp các đơn vị có liên quan tuyên truyền sâu rộng bằng nhiều hình thức, nội dung phù hợp với từng đối tượng về nguy cơ, tác hại và các biện pháp phòng, chống dịch bệnh VDNC.
Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh phối hợp chặt chẽ với các đơn vị có liên quan trong việc ngăn chặn, xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển trâu, bò, sản phẩm từ trâu, bò, trái phép trên tuyến biên giới, cửa khẩu, đường mòn, lối mở nhập vào địa bàn tỉnh.
Các huyện, thị xã, thành phố tăng cường giám sát dịch bệnh trên đàn trâu, bò- nhất là tại các khu vực đã từng có dịch xuất hiện, khu vực có nguy cơ cao, phát hiện và xử lý dứt điểm khi dịch bệnh còn ở diện hẹp; xử lý nghiêm các trường hợp giấu dịch, không báo cáo, bán chạy trâu, bò bệnh, trâu, bò chết, vứt xác trâu, bò ra môi trường làm lây lan dịch bệnh.
Chú trọng thực hiện công tác tiêm phòng vaccine ngừa bệnh cho đàn trâu, bò; có kế hoạch, bố trí kinh phí, nguồn lực để tổ chức tiêm mới, tiêm nhắc lại cho đàn gia súc đã được tiêm sau gần 1 năm, bảo đảm tỷ lệ tiêm đạt trên 80% tổng đàn tại thời điểm tiêm phòng. Xây dựng và nhân rộng các mô hình cơ sở chăn nuôi để bảo đảm áp dụng có hiệu quả các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh phù hợp với điều kiện và quy mô chăn nuôi.
Nguyên An
Nguồn: Báo Tây Ninh