(Người Chăn Nuôi) – Sáng nay (11/10), Tập đoàn Olmix đã khai mạc thành công Hội nghị “Tương lai và sự phát triển bền vững của ngành nông nghiệp”. Tham dự chương trình có sự góp mặt của ông Dương Tất Thắng – Cục trưởng cục chăn nuôi (Bộ NN&PTNT), bà Emmanuelle Pavillon-Grosser, Tổng lãnh sự Quán Pháp.
Phát biểu tại Hội nghị, Cục trưởng Dương Tất Thắng cho biết: “Cục Chăn nuôi với tư duy, coi chăn nuôi là một ngành kinh tế – kỹ thuật, việc nghiên cứu đổi mới công nghệ, đảm bảo an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường phúc lợi động vật phát triển chuỗi và tích hợp đa giá trị nhằm hướng tới phát triển mạnh chăn nuôi theo mô hình kinh tế tuần hoàn, an toàn sinh học, bảo vệ môi trưởng, phát triển bền vững”.
Ông cũng bày tỏ hy vọng ngày càng có nhiều doanh nghiệp trong nước và Quốc tế đầu tư, nghiên cứu và tạo ra sản phẩm, quy trình thực sự tốt để ứng dụng vào sản xuất, chế biến sản phẩm, giúp ngành chăn nuôi Việt Nam tăng tính cạnh tranh và phát triển bền vững.
Ông Dương Tất Thắng – Cục trưởng Cục Chăn nuôi phát biểu tại Hội nghị.
Ông nhận định Hội nghị lần này sẽ có những nghiên cứu chuyên sâu được trình bày và thảo luận về kiểm soát môi trường, phòng chống dịch bệnh, kháng kháng sinh, phúc lợi động vât. Đây cũng là dịp để kết nối các nhà khoa học trong và ngoài nước, các doanh nghiệp và hiệp hội ngành nghề để thúc đầy hợp tác và phát triển ngành chăn nuôi theo hướng hiệu quả, bền vững.
Bà Emmanuelle Pavillon-Grosser, Tổng lãnh sự Quán Pháp, cho biết: “Ở Pháp cũng như ở Việt Nam, chăn nuôi phải đối mặt với 3 thách thức lớn: Đầu tiên, thu nhập của người chăn nuôi và đặc biệt là sự gia tăng lợi ích. Thứ hai là sử dụng kháng sinh hợp lý. Kháng kháng sinh hiện được công nhận là mối đe dọa lớn đối với sức khỏe con người. Kể từ năm 2012, Pháp đã triển khai chiến lược điều chỉnh việc kê đơn thuốc kháng sinh, do đó giảm 58% doanh số bán thuốc kháng sinh cho thú y trong giai đoạn 2010 – 2020. Việc sử dụng kháng sinh một cách hợp lý cũng là một yếu tố thúc đẩy xuất khẩu phát triển trong khuôn khổ các hiệp định thương mại tự do. Và cuối cùng, tính bền vững và giảm thiểu tác động của môi trường. Các chuỗi giá trị ngắn và kết hợp cây trồng – vật nuôi nên được ưu tiên. Trong bối cảnh chống biến đổi khí hậu, chăn nuôi gia súc chiếm một vị trí quan trọng, các mô hình thâm canh trở thành nguồn thải carbon ròng”.
Các chuyên gia giải đáp các thắc mắc về giảm khí thải carbon trong sản xuất nông nghiệp.
Theo bà, nước thải chăn nuôi cho phép bón phân hữu cơ cho đất, làm giảm tiêu thụ phân khoáng, việc sản xuất và sử dụng chúng cũng tạo ra một lượng khí nhà kính đáng kể. Hội nghị của Olmix sẽ là cơ hội để các chuyên gia ngồi lại và cùng tìm giải pháp thích hợp.
Các đại biểu tham dự chụp hình lưu niệm tại Hội nghị.
Hội nghị sẽ diễn ra trong 2 ngày (11 và 12/10) với 22 chuyên đề chuyên biệt nhằm nâng cao nhận thức về sự cần thiết của quá trình chuyển đổi sinh thái nông nghiệp và sự thích ứng trong thực tiễn. Chương trình cũng tiếp đón hơn 150 khách hàng đến từ 14 quốc gia của châu Á và châu Âu, bao gồm các nhà sản xuất thức ăn chăn nuôi, người nông dân, các nhà khoa học từ các trường đại học, đại diện của các hiệp hội sản xuất thức ăn chăn nuôi.
>> Tập đoàn Olmix chuyên về chăm sóc sức khỏe cây trồng và vật nuôi với 700 nhân viên trên toàn thế giới, trong đó 240 nhân viên ở châu Á. Hiện tại, doanh thu của Tập đoàn là 150 triệu EUR với 50 triệu EUR đến từ hơn 600 khách hàng và nhà phân phối được cung cấp bởi nhà máy Olmix tại Bình Dương, Việt Nam.
HL