Thời gian qua, người nuôi trâu, bò trên địa bàn huyện Tánh Linh (Bình Thuận) tăng thu nhập không chỉ nhờ nuôi trâu, bò bán thịt mà còn biết tận dụng phân bán cho các nhà vườn mang lại nhiều lợi ích và có giá trị kinh tế cao.
Chị Thị Thu, dân tộc K’ ho, thôn 4, xã Đức Bình, huyện Tánh Linh cho biết: Với 2 sào ruộng và 4 sào rẫy trồng điều cũng chỉ đắp đổi qua ngày chứ không có để tích lũy. Thời gian gần đây nhận thấy nhu cầu mua phân trâu, bò của các nhà vườn nhiều nên gia đình chị mạnh dạn vay vốn ngân hàng mua trâu về nuôi vừa tạo công ăn việc làm, vừa tăng thu nhập. Từ 1 con trâu mẹ đến nay đã tăng lên 4 con. Mỗi đợt chị phơi khô gom được từ 10 – 20 bao phân khô, mỗi bao thương lái thu mua với giá 20.000 đồng, nhờ đó chị có thêm nguồn thu để trang trải trong sinh hoạt, ăn uống hàng ngày.
Người nuôi tận dụng phân trâu, bò để bán tăng thu nhập.
Còn chị Thị An, thôn Đồng Me, xã Đức Thuận chia sẻ, gia đình không có đất sản xuất, 2 đứa con nhỏ đi học, chị thì đau ốm liên miên, kinh tế gia đình phụ thuộc chủ yếu vào tiền công đi làm thuê của chồng. Từ chương trình hỗ trợ phát triển chăn nuôi vùng đồng bào dân tộc thiểu số, gia đình chị được hỗ trợ một con trâu. Thấy bà con trong thôn sử dụng phân trâu, bò phơi khô đem bán, 2 năm nay gia đình chị cũng gom lại phơi và đem bán. Một con trâu, mỗi tháng chị bán được 2 đợt phân, mỗi đợt 8 bao, mỗi bao bán với giá 20.000 đồng. Với nguồn thu này chị có thêm kinh phí để chi tiền cho con ăn sáng, mua thức ăn hàng ngày, mua thuốc chữa bệnh… Không chỉ chị Thu, chị An mà hầu hết bà con đồng bào dân tộc thiểu số ở các địa phương trên địa bàn huyện Tánh Linh nhiều năm nay đã biết tận dụng phân trâu, bò để bán lấy tiền. Họ cho biết: Trước đây nỗi lo lớn nhất của người nuôi bò là giải quyết vấn đề ô nhiễm từ chất thải của vật nuôi. Do lượng phân lớn, tràn lan đã làm ảnh hưởng đến vệ sinh môi trường. Nhưng kể từ khi phân trâu, bò được tận dụng làm phân hữu cơ bón cho các loại cây trồng như thanh long, cao su, rồi trồng rau xanh, hoa, cây cảnh… người nuôi rất yên tâm vì nguồn phân sau khi xử lý phơi khô lúc nào cũng hút hàng. Do nguồn thu nhập từ việc bán phân trâu, bò kha khá nên người nuôi bây giờ cũng hạn chế chăn thả mà chủ yếu nuôi nhốt và mua rơm, cắt cỏ về cho ăn. Ngoài bán cho những người ở nơi khác đến thì những năm gần đây một số hộ dân còn mạnh dạn đứng ra thu mua cho bà con và xuất đi các nơi kiếm thêm thu nhập, bà con phấn khởi.
Là huyện nông nghiệp, diện tích đất rộng, địa hình thuận lợi, điều kiện tự nhiên phù hợp cho phát triển chăn nuôi gia súc lớn. Những năm qua, huyện Tánh Linh đã chú trọng phát triển ngành chăn nuôi, trong đó có các chính sách hỗ trợ phát triển đàn trâu, bò nhằm xóa đói, giảm nghèo cho bà con đồng bào dân tộc thiểu số. Nhờ vậy đàn trâu, bò của huyện luôn được duy trì và phát triển. Hiện nay toàn huyện có trên 10.000 con trâu, bò.
Có thể nói ngoài nuôi trâu, bò sinh sản, bán thịt thì bán phân đang là nguồn thu khá giúp bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây có thêm nguồn thu, ổn định cuộc sống. Bên cạnh đó, việc làm này còn góp phần thiết thực vào việc cải thiện môi trường sống, hạn chế ô nhiễm môi trường từ nguồn thải chăn nuôi.
Ngọc Khánh
Nguồn: Báo Bình Thuận