Tam Dương phát triển chăn nuôi gắn với bảo vệ môi trường

Bên cạnh những hiệu quả kinh tế mang lại, sự phát triển của các trang trại, gia trại chăn nuôi đã tạo ra sức ép lớn đối với công tác bảo vệ môi trường ở nhiều xã, thị trấn trên địa bàn huyện Tam Dương (Vĩnh Phúc). Trước thực trạng đó, huyện đã triển khai nhiều hoạt động cụ thể, thiết thực nhằm giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường từ nước thải, chất thải phát sinh.

Quy hoạch vùng chăn nuôi tập trung

Tam Dương được đánh giá là địa phương có nền chăn nuôi phát triển tương đối mạnh của tỉnh. Theo thống kê, đến nay, toàn huyện có hơn 200 trang trại và hàng nghìn gia trại, hộ chăn nuôi, với tổng số hơn 13.000 con trâu, bò; hơn 85.000 con lợn và gần 3,8 triệu con gia cầm.

Chăn nuôi phát triển đã tạo thêm thu nhập, cải thiện đời sống cho bà con; góp phần không nhỏ vào sự phát triển kinh tế, giảm nghèo của địa phương. Tuy nhiên, bên cạnh những hiệu quả kinh tế mang lại, việc phát triển chăn nuôi cũng tạo sức ép lớn đối với công tác bảo vệ môi trường ở nhiều xã, thị trấn trên địa bàn.

Nguyên nhân do chăn nuôi của huyện vẫn chủ yếu là nhỏ lẻ, nằm trong khu dân cư, quỹ đất nhỏ hẹp không đảm bảo khoảng cách vệ sinh thú y theo quy định. Kinh phí xây dựng các công trình xử lý nước thải, chất thải chăn nuôi lớn nên nhiều hộ chăn nuôi quy mô nhỏ không có đủ điều kiện để thực hiện…

chăn nuôi tam dương

Áp dụng phương pháp nuôi gà trên nền đệm lót sinh học giúp gia đình ông Nguyễn Xuân Lượng, xã Thanh Vân (Tam Dương) tiết kiệm chi phí, giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi. Ảnh: Trường Khanh

Điều này khiến lượng nước thải, chất thải từ gia súc, gia cầm chưa được xử lý thải trực tiếp ra hệ thống rãnh thoát nước thải, ao, hồ, kênh, mương, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến đời sống, sức khỏe của người dân, tiềm ẩn nguy cơ làm phát sinh dịch bệnh.

Để khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi, huyện Tam Dương chỉ đạo các xã, thị trấn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao kiến thức cho người chăn nuôi về các biện pháp giảm thiểu ô nhiễm môi trường; yêu cầu các trang trại, gia trại, hộ chăn nuôi ký cam kết bảo vệ môi trường.

Đồng thời, chú trọng quy hoạch vùng chăn nuôi tập trung, xa khu dân cư để vừa tạo điều kiện cho các hộ có nhu cầu mở rộng diện tích trang trại, vừa tiện cho quy hoạch hệ thống xử lý nước thải trong chăn nuôi.

Tính đến nay, trên địa bàn huyện Tam Dương có 3 khu chăn nuôi tập trung đang hoạt động có hiệu quả với tổng diện tích gần 51 ha. Trong đó, khu Đồi Mé (xã Thanh Vân) diện tích 36 ha có hơn 30 hộ tham gia, với quy mô chăn nuôi hơn 150 nghìn con gia súc, gia cầm; khu đồi Dộc Sỹ (xã Hoàng Hoa) diện tích hơn 7 ha, có 10 hộ dân tham gia, với quy mô chăn nuôi gần 30 nghìn con gia súc, gia cầm; khu đồi Cây Da (xã Hoàng Lâu) có diện tích gần 8 ha có hơn 10 hộ tham gia, với quy mô gần 20 nghìn con.

Cùng với việc đẩy mạnh tuyên truyền, quy hoạch khu chăn nuôi tập trung, huyện tích cực hướng dẫn người dân xây dựng chuồng trại ra xa khu dân cư và chủ động thu gom, xử lý các loại chất thải chăn nuôi nhằm giảm ô nhiễm môi trường; nhân rộng các mô hình chăn nuôi đảm bảo an toàn sinh học và thân thiện với môi trường; khuyến khích người dân tự đầu tư xây dựng hầm biogas, bể lắng, lọc, sục khí….

Phổ biến rộng rãi hiệu quả của việc sử dụng các loại chế phẩm sinh học để xử lý chất thải chăn nuôi; tích cực hỗ trợ cho các hộ chăn nuôi áp dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất, vệ sinh môi trường theo chương trình của tỉnh.

Theo Phòng NN&PTNT huyện Tam Dương, giai đoạn 2016 – 2020, huyện đã hỗ trợ xây dựng được hơn 1.700 hầm biogas, cung ứng hàng nghìn tấm đệm lót sinh học cho trên 2.300 hộ theo Nghị quyết số 201 của HĐND tỉnh.

 

Nâng cao ý thức trách nhiệm của người dân

Nhờ triển khai nhiều hoạt động thiết thực, cụ thể, công tác bảo vệ môi trường trong chăn nuôi của huyện Tam Dương đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Đến nay, hầu hết các xã trên địa bàn huyện đều đạt tiêu chí môi trường và ATTP trong xây dựng NTM. Đáng nói, ý thức, trách nhiệm của người dân đối với công tác bảo vệ môi trường trong chăn nuôi được nâng lên rõ rệt.

Gắn bó với chăn nuôi gần 10 năm, đến nay, gia đình anh Dương Văn Tuấn trở thành một trong những hộ chăn nuôi lợn quy mô lớn của xã Hoàng Lâu. Gia trại của gia đình anh được đầu tư xây dựng quy mô khép kín và luôn duy trì từ 30 – 35 con lợn thịt, 5 con lợn nái.

Xác định chăn nuôi theo hướng bền vững phải gắn với bảo vệ môi trường, ngay từ khi xây dựng chuồng trại, gia đình anh đã quan tâm đến việc đầu tư xây dựng các công trình xử lý chất thải, nước thải chăn nuôi.

Chất thải của vật nuôi được gia đình phân loại để xử lý, trong đó, phân lợn được thu gom, xử lý bằng men vi sinh để bán lại cho các hộ nông dân tận dụng bón cây. Nước thải, nước rửa chuồng của vật nuôi được đưa về bể biogas xử lý, bảo đảm không ảnh hưởng đến môi trường xung quanh.

Anh Tuấn cho biết: Việc xây dựng hệ thống chuồng trại khép kín, tuân thủ đúng kỹ thuật từ khâu chọn thức ăn chăn nuôi, vệ sinh chuồng trại đến xử lý chất thải chăn nuôi đã giúp đàn lợn của gia đình anh phát triển khỏe mạnh, hạn chế được dịch bệnh.

Để phát triển chăn nuôi theo hướng bền vững, phát huy tối đa hiệu quả kinh tế, kiểm soát tốt dịch bệnh, huyện Tam Dương tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao kiến thức cho người chăn nuôi về các biện pháp giảm thiểu ô nhiễm môi trường; vận động các trang trại, gia trại, hộ chăn nuôi đầu tư đồng bộ các công trình xử lý nước thải, chất thải.

Đồng thời, khuyến khích các xã, thị trấn đầu tư xây dựng các khu chăn nuôi tập trung, chủ động trong công tác phòng, chống dịch bệnh, phát triển chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học; xử lý nghiêm đối với các trang trại, gia trại không bảo đảm các biện pháp bảo vệ môi trường.

Thanh Huyền

Nguồn: Báo Vĩnh Phúc

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *