Nuôi heo rừng lai mang lại thu nhập ổn định

Nhằm tìm kiếm hướng đi mới phát triển kinh tế gia đình, một số hộ chăn nuôi trên địa bàn huyện Tân Hưng, tỉnh Long An mạnh dạn thử nghiệm mô hình nuôi heo rừng lai. Qua thời gian cho thấy mô hình chăn nuôi này ít rủi ro, các hộ nuôi có thể tận dụng nguồn phụ phẩm dễ tìm, sẵn có để làm thức ăn cho heo, nhờ đó, giảm được chi phí chăn nuôi, bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế khá cao.

Cách đây hơn 3 năm, chị Ngô Thị Thanh Kim Huệ (ấp 5, xã Vĩnh Bửu, huyện Tân Hưng) nuôi cá nhưng thua lỗ khiến gia đình gặp khó khăn. Song, với bản tính cần cù, chịu khó, chị Kim Huệ trăn trở tìm kiếm các mô hình chăn nuôi khác nhau với mong muốn vực dậy kinh tế gia đình. Sau thời gian tìm hiểu, chị quyết định nuôi heo rừng lai.

nuôi heo rừng lai

Chị Ngô Thị Thanh Kim Huệ chăm sóc đàn heo rừng lai

Năm 2020, thấy người dân trong xã nuôi heo rừng lai hiệu quả nên chị Kim Huệ đã mua 1 cặp heo giống với giá 3 triệu đồng về nuôi. 6 tháng sau, heo sinh sản lứa đầu tiên được 6 con. Sau 6 tháng nuôi, chị bán được 4 con heo thịt, với giá bán 100.000 đồng/kg, chị Huệ thu lợi nhuận 8 triệu đồng và giữ 2 con heo nái tiếp tục nuôi sinh sản.

Chị Kim Huệ cho biết: “Việc nuôi heo rừng lai khá đơn giản, không tốn nhiều thời gian chăm sóc, nguồn thức ăn lại sẵn có, dễ tìm như nguồn phụ phẩm nông nghiệp là trái cây, rau xanh, cỏ,… vừa giảm chi phí đầu tư, lại giúp thịt heo săn chắc, nhiều nạc, ít mỡ, thơm ngon, được khách hàng ưa chuộng. Heo nuôi từ 4 – 6 tháng thì sẽ đạt trọng lượng từ 15 – 20 kg là có thể xuất bán. Tuy nhiên, người nuôi phải thường xuyên vệ sinh sạch sẽ chuồng trại”.

Nhận thấy mô hình bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế khả quan, năm 2022, chị Kim Huệ quyết định vay 50 triệu đồng từ Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Tân Hưng để mở rộng quy mô chăn nuôi. Cách đây gần 3 tháng, chị xuất bán được 15 con heo thịt, thu lợi nhuận 30 triệu đồng. Hiện tại, chị còn 11 con heo giống và 28 heo con.

Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam xã Vĩnh Bửu – Trần Thị Phượng cho biết: “Nhờ chăn nuôi hiệu quả mà giờ đây, cuộc sống gia đình chị Ngô Thị Thanh Kim Huệ cũng đã ổn định hơn trước. Hàng ngày, ngoài việc chăm sóc đàn heo, thời gian rảnh rỗi, chị đi làm thuê để kiếm thêm thu nhập. Chị Kim Huệ là một trong những tấm gương phụ nữ dám nghĩ, dám làm và vượt khó vươn lên, thoát nghèo bền vững trên địa bàn xã. Thời gian tới, Hội sẽ tuyên truyền, nhân rộng mô hình này cho nhiều hội viên phụ nữ tham gia thực hiện để có thêm thu nhập”.

Hiện tại, ngày càng có nhiều gia đình đầu tư nuôi heo rừng lai. Trong bối cảnh chăn nuôi heo thịt truyền thống đang gặp khó khăn vì dịch bệnh dễ bùng phát, giá thức ăn chăn nuôi tăng trong khi giá bán thấp thì việc nuôi heo rừng lai đang mở ra hướng đi mới mang lại hiệu quả, ổn định thu nhập của người chăn nuôi. Tuy nhiên, để bảo đảm an toàn và tránh rủi ro, nông dân phải tuân thủ tuyệt đối những quy định về thú y và áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học./.

Văn Sách – Duy Phước

Nguồn: Báo Long An

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *