(Người Chăn Nuôi) – Chăn nuôi Việt Nam đang chuyển dần từ quy mô nhỏ lẻ sang nông hộ có kiểm soát và trang trại công nghiệp. Môi trường, dịch bệnh vẫn là mối đe doạ thường xuyên, vì vậy việc dùng thuốc phòng và trị bệnh chưa được kiểm soát, theo đó tồn dư kháng sinh vẫn là vấn đề nan giải.
Nguy hiểm khôn lường
Hiện nay, việc sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi theo 3 hướng: Dùng để phòng bệnh, điều trị dự phòng và điều trị bệnh. Việc lạm dụng kháng sinh trong phòng bệnh và kích thích tăng trưởng để lại hậu quả lớn đối với ngành chăn nuôi. Sử dụng kháng sinh với liều thấp hơn mức trị bệnh làm gia tăng khả năng kháng thuốc của vi khuẩn và vi sinh vật này rất dễ lây sang người thông qua tiếp xúc trực tiếp với con vật hoặc gián tiếp thông qua việc tiêu thụ sản phẩm có nguồn gốc từ động vật hoặc tiếp xúc với vi khuẩn kháng thuốc mà động vật phát tán ra môi trường.
Trong những năm qua, đã có nhiều cuộc khảo sát được thực hiện để xác định tình trạng kháng thuốc của một số vi khuẩn. Qua đó cho thấy, các chủng Campylobacter spp, Echrichia Coli và Salmonella spp phân lập được ở các trang trại chăn nuôi và các mẫu thịt heo, thịt gia cầm từ các chợ bán lẻ đều có tỷ lệ kháng thuốc cao với các loại thuốc kháng sinh đang sử dụng. Điều này cho thấy rằng, sau 90 năm kể từ khi phát hiện ra kháng sinh thì đến nay và trong tương lai, loài người sẽ phải đối mặt với tình trạng không có thuốc kháng sinh điều trị hiệu quả đối với một số bệnh nhiễm khuẩn.
Kháng kháng sinh đang là vấn đề cực kỳ nghiêm trọng. Ảnh: Eufic
Thay thế kháng sinh
Nhận thấy rõ những tác hại khôn lường của việc dùng kháng sinh thiếu kiểm soát và kháng kháng sinh, Chính phủ cùng các cơ quan chức năng đã xây dựng và triển khai nhiều chương trình để hạn chế những rủi ro đó. Ở cấp độ quốc gia, Việt Nam là nước đầu tiên ở khu vực Tây Thái Bình Dương đã thông qua Kế hoạch hành động quốc gia về chống kháng kháng sinh. Chương trình hành động được ban hành theo Quyết định số 2625/QĐ BNN-TY ngày 21/6/2017 của Bộ NN&PTNT.
Ngoài ra, Việt Nam tham gia Chương trình một sức khỏe của thế giới. Khung đối tác một sức khỏe về phòng chống bệnh dịch từ động vật lây sang người giai đoạn 2021 – 2025 được ký kết ngày 23/3/2022 giữa Bộ NN&PTNT, Bộ Y tế, Bộ Tài Nguyên và Môi trường và 29 đối tác phát triển trong nước và quốc tế, với mục đích bảo vệ sức khỏe cộng đồng, kiểm soát bệnh từ động vật lây sang người, an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường.
Đặc biệt, các nhà chăn nuôi và bác sĩ thú y đã cùng nhau tìm ra phương thức chăn nuôi thích hợp mà không cần sử dụng kháng sinh như: Áp dụng hệ thống chăn nuôi cùng vào cùng ra; Tăng cường đều đặn việc giám sát của bác sĩ thú y tại cơ sở chăn nuôi; Lựa chọn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi có chất lượng tốt hơn; Sử dụng các chất thay thế kháng sinh như probiotics, prebiotic, axit hữu cơ, enzyme, chiết xuất thực vật… Bên cạnh đó, áp dụng chăn nuôi an toàn sinh học được thực hiện đồng bộ ở tất cả cơ sở chăn nuôi để đảm bảo vật nuôi không bị nhiễm bệnh.
Cần phải thừa nhận rằng kháng kháng sinh đang là mối quan ngại toàn cầu, do đó, để hướng tới mục tiêu không sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi, ngành chăn nuôi cần phải áp dụng thực hành chăn nuôi tốt, đào tạo những phương thức thực hành này và hạn chế việc sử dụng các vi sinh vật kháng thuốc có khả năng gây ra rủi ro lớn nhất trên toàn cầu. Sử dụng có trách nhiệm các chất kháng khuẩn. Hiểu và kiểm soát tại sao và khi nào cần sử dụng kháng sinh, liều lượng kháng sinh sử dụng. Các thực hành quản lý xung quanh an toàn sinh học, chuồng trại, dinh dưỡng, vệ sinh và việc sử dụng các biện pháp phòng bệnh như vaccine cần được ưu tiên để cung cấp chăm sóc tốt nhất đối với vật nuôi nhằm giảm thiểu nhu cầu sử dụng kháng sinh. Kháng sinh sẽ chỉ được sử dụng theo sự cấp phép của Nhà nước. Các kháng sinh quan trọng trong nhân y chỉ nên được sử dụng cho mục đích điều trị và dưới sự giám sát của bác sĩ thú y chẩn đoán và điều trị…
TS. Phan Văn Lục
Tổng Thư ký Hiệp hội Chăn nuôi Gia cầm Việt Nam