Quảng Nam: Kỳ vọng giảm nghèo với mô hình nuôi dê

Địa hình thích hợp cùng nguồn thức ăn tự nhiên dồi dào, những đàn dê tại các trại chăn nuôi tập trung trên địa bàn xã Trà Nam (Nam Trà My, Quảng Nam) đang trở thành kỳ vọng thoát nghèo cho đồng bào Xê Đăng nơi đây.

Triển khai từ đầu năm 2020, đến nay mô hình “Chăn nuôi dê sinh sản có chuồng trại và khu chăn nuôi tập trung” của Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) huyện Nam Trà My đã mang lại kết quả đáng ghi nhận, tạo nên hiệu ứng mạnh mẽ và khơi dậy động lực thoát nghèo cho hàng trăm hộ dân.

nuôi dê

Mô hình “Chăn nuôi dê sinh sản có chuồng trại và khu chăn nuôi tập trung” của Hội LHPN huyện Nam Trà My được kỳ vọng góp phần giảm nghèo hiệu quả. Ảnh: P.T

Bà Vũ Thị Như Thuyên – Chủ tịch Hội LHPN huyện Nam Trà My cho biết, trên cơ sở khảo sát các hộ nuôi dê tại thôn 3 và thôn 2 cho thấy, tại xã Trà Nam có nhiều hộ gia đình chăn nuôi dê sinh sản phát triển tốt, có hộ lên tới 20 con, thu nhập hàng năm gần 300 triệu đồng. Từ thực tế đó, Hội LHPN huyện đã quyết định xây dựng đề án và triển khai mô hình tại địa phương này.

“Để đảm bảo thực hiện đề án hiệu quả, hội phối hợp với xã tổ chức tuyên truyền, phổ biến dự án hỗ trợ phát triển sản xuất giảm nghèo năm 2020 về việc nuôi dê cho người dân thông qua các buổi sinh hoạt chi, tổ hội, đồng thời lấy ý kiến bà con về nội dung dự án, lựa chọn đối tượng tham gia phù hợp và chọn vị trí nuôi đê có hiệu quả nhất” – bà Thuyên thông tin.

Nhờ tuyên truyền sớm, xây dựng kế hoạch chi tiết, bài bản cùng chính sách hỗ trợ đảm bảo, mô hình của Hội LHPN huyện thu hút 22 hộ lao động nữ là chủ hộ nghèo hoặc là lao động thuộc hộ nghèo đăng ký thoát nghèo tham gia.

Theo bà Võ Thị Ngân – Chủ tịch Hội LHPN xã Trà Nam, mặc dù mới được triển khai, song đến nay 22 hộ phụ nữ thuộc diện nghèo đã có trong tay tổng đàn dê hơn 150 con. Từ ngày thực hiện mô hình, các hộ tham gia có thêm động lực để phấn đấu sản xuất làm ăn, gia tăng thu nhập.

“Với những hiệu quả tích cực ban đầu, Hội LHPN nữ xã tổ chức các buổi họp nhóm và phân công nhiệm vụ cho từng thành viên để cùng chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ, giúp đỡ nhau phát triển sản xuất, chăn nuôi” – bà Ngân cho hay.

Ông Nguyễn Thành Phương – Chủ tịch UBND xã Trà Nam nhìn nhận: “Mô hình chăn nuôi dê sinh sản giúp giải quyết việc làm và tăng thu nhập, từ đó tạo điều kiện cho hộ phụ nữ nghèo vươn lên thoát nghèo bền vững.

Tuy mới triển khai nhưng bước đầu các hộ nghèo tham gia mô hình đã tăng thu nhập mỗi tháng bình quân 8 – 10 triệu đồng. Chúng tôi kỳ vọng mô hình này  khi được nhân rộng sẽ góp phần hiệu quả vào nhiệm vụ giảm nghèo của địa phương trong thời gian đến”.

Phú Thiện

Nguồn: Báo Quảng Nam
Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *