Quản lý giết mổ gia súc, gia cầm tại Thanh Hóa: Vẫn còn nhiều cái khó

Quản lý hoạt động giết mổ gia súc, gia cầm (GSGC) là khâu quan trọng trước khi đưa thực phẩm tươi sống đến với người tiêu dùng. Tuy nhiên, hiện nay công tác quản lý trong lĩnh vực này vẫn còn gặp khó khăn, nhiều cơ sở giết mổ GSGC nhỏ lẻ vẫn hoạt động tự do, thiếu sự giám sát.

Để quản lý các cơ sở giết mổ GSGC, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 124/KH-UBND, ngày 25-5-2021 về quản lý vận chuyển, giết mổ, kinh doanh thịt GSGC trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2021-2025; ngày 16-6-2021, Chủ tịch UBND tỉnh tiếp tục ban hành Kế hoạch số 145/KH-UBND nhằm quản lý chặt chẽ các hoạt động vận chuyển, giết mổ, kinh doanh thịt GSGC trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa năm 2021. Đồng thời, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố củng cố kiện toàn ban chỉ đạo (BCĐ) quản lý vận chuyển, giết mổ, kinh doanh thịt GSGC các cấp. Bên cạnh đó, làm rõ trách nhiệm của các thành viên trong BCĐ trong việc để xảy ra các vụ việc vi phạm pháp luật liên quan đến công tác thú y, an toàn thực phẩm (ATTP) trên địa bàn quản lý; công khai danh sách, địa chỉ các cơ sở giết mổ, chế biến, kinh doanh vi phạm trên các phương tiện thông tin để người tiêu dùng biết và tránh mua phải thịt từ động vật chết, mắc bệnh.

giết mổ gia cầm thanh hóa

Một cơ sở giết mổ gia cầm tại phường An Hưng (TP Thanh Hóa).

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng ban hành các văn bản chỉ đạo, triển khai thực hiện; thành lập đội kiểm tra lưu động quản lý vận chuyển, giết mổ, kinh doanh thịt GSGC; tăng cường công tác kiểm soát giết mổ, yêu cầu các cơ sở giết mổ ký cam kết bảo đảm vệ sinh ATTP… UBND các huyện, thị xã, thành phố tuyên truyền sâu rộng đến các tổ chức, cá nhân không được giết mổ động vật bị chết, bị bệnh để chế biến làm thực phẩm hoặc liên kết với người buôn bán thịt GSGC để gian lận thương mại, biến động vật chết mắc bệnh thành thực phẩm, đặc sản… Qua đó, hoạt động vận chuyển, giết mổ, kinh doanh thịt GSGC bảo đảm ATTP trên địa bàn tỉnh đã có những chuyển biến tích cực.

Tại cơ sở giết mổ gia súc tập trung của gia đình anh Nguyễn Thế Tâm, phố 7, phường Quảng Hưng (TP Thanh Hóa) bình quân mỗi ngày giết mổ từ 15 đến 20 con lợn. Nguồn lợn được gia đình nhập từ các cơ sở, trang trại chăn nuôi lớn, có kiểm soát và xuất xứ rõ ràng. Quy trình giết mổ của cơ sở chịu sự giám sát của cán bộ thú y địa phương và Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp TP Thanh Hóa. Việc vệ sinh khu vực giết mổ cũng được gia đình thực hiện nghiêm theo quy định để ngăn ngừa mầm bệnh.

Anh Nguyễn Thế Tâm cho biết: Cơ sở giết mổ gia súc của gia đình được kết nối với các công ty chăn nuôi theo quy trình VietGAP. Khi lợn bắt về tại cơ sở, có cơ quan thú y trực tiếp đến kiểm tra, nếu như lợn từ ngoài tỉnh về được cơ quan thú y trực tiếp mở kẹp chì và kiểm tra lâm sàng từng con và đưa lợn vào khu chuồng chờ, nhốt 12 tiếng sau mới đưa lợn đến quy trình giết mổ. Sau giết mổ, cán bộ thú y kiểm tra thành phẩm thịt và lăn dấu, xuất biên lai thu phí kiểm soát giết mổ cho tiểu thương trước khi thịt được đưa ra tiêu thụ tại chợ. Đồng thời, hướng dẫn cơ sở vệ sinh sạch sẽ, tiến hành phun tiêu độc, khử trùng loại mạnh 2 – 3 lần/tuần để thực hiện phòng, chống dịch bệnh.

Theo thống kê của Chi cục Chăn nuôi và Thú y Thanh Hóa, toàn tỉnh hiện có 1.422 cơ sở giết mổ GSGC ( trong đó có 7 cơ sở giết mổ tập trung, chiếm 0,5%, 1.415 cơ sở giết mổ nhỏ lẻ, chiếm 99,5%), 100% số cơ sở giết mổ thực hiện ký cam kết bảo đảm ATTP; 72% số cơ sở giết mổ được thực hiện kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y.

Qua tìm hiểu thực tế, bên cạnh những cơ sở bảo đảm yêu cầu về vệ sinh thú y, ATTP, vẫn còn tình trạng giết mổ GSGC chưa kiểm soát. Thậm chí có lúc, có nơi còn buông lỏng công tác quản lý. Tại một số chợ trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố, hoạt động giết mổ được thực hiện ngay tại chỗ. Không khó để bắt gặp các cơ sở giết mổ gia cầm dùng chung một chậu nước sôi để nhúng hàng chục con gà, vịt vào đó. Cùng đó, nước thải được đổ trực tiếp ra các cống, rãnh ven đường. Điều này không chỉ gây mất an toàn vệ sinh thực phẩm mà còn ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường xung quanh. 9 tháng năm 2022, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Thanh Hóa thực hiện lấy 780 mẫu gộp (tương đương 1.650 mẫu đơn) giám sát vệ sinh ATTP tại 40 cơ sở giết mổ và 20 chợ kinh doanh thịt GSGC tại các huyện Quảng Xương, Thọ Xuân, Yên Định, Nông Cống, thị xã Nghi Sơn, thị xã Bỉm Sơn, TP Thanh Hóa, TP Sầm Sơn. Kết quả xét nghiệm 100% mẫu nước không có chứa Salmonella; 10% mẫu thịt lợn nhiễm khuẩn Salmonella, 35% mẫu vượt chỉ tiêu Ecoli; 13% mẫu thịt gia cầm nhiễm khuẩn Salmonella, 42% mẫu vượt chỉ tiêu Ecoli; 60% mẫu dụng cụ vượt chỉ tiêu Enterobacteriaceae; 67% mẫu phương tiện vận chuyển thịt GSGC vượt chỉ tiêu Enterobacteriaceae. Phối hợp với Cục Quản lý thị trường tỉnh và Phòng Cảnh sát môi trường (Công an tỉnh) thực hiện xử lý 4 vụ vi phạm trong hoạt động vận chuyển sản phẩm động vật, xử phạt 13.000.000 đồng, nộp kho bạc Nhà nước…

Ông Tống Văn Giáp, Phó chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Thanh Hóa, cho biết, việc kiểm soát các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ còn gặp những khó khăn nhất định. Trong đó, nguyên nhân chính là do hầu hết các cơ sở giết mổ GSGC này đều nằm trong khu dân cư, điều kiện vệ sinh môi trường, ATTP còn nhiều hạn chế nên nguy cơ phát sinh, lây lan dịch bệnh trên đàn vật nuôi rất cao. Hiện ngành nông nghiệp đang phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố tập trung thực hiện các giải pháp xóa bỏ các điểm giết mổ nhỏ lẻ, như: rà soát, thống kê, quản lý chặt chẽ số lượng các cơ sở thu gom lợn trên địa bàn. Đồng thời, yêu cầu, nhắc nhở các cơ sở thu gom làm đơn đề nghị cấp hoặc cấp lại giấy chứng nhận điều kiện vệ sinh thú y theo quy định. Bên cạnh đó, xây dựng các mô hình giết mổ GSGC bảo đảm ATTP; tổ chức cho các cơ sở giết mổ nhỏ, lẻ ký cam kết bảo đảm ATTP trong sản xuất. Các huyện, thị xã, thành phố cũng đã phân công trách nhiệm cho UBND các xã, phường, thị trấn thực hiện kiểm tra, rà soát chặt chẽ và kiên quyết đóng cửa các điểm, cơ sở giết mổ GSGC không bảo đảm điều kiện về ATTP. Đồng thời, đẩy mạnh kiểm tra, kiên quyết xử lý đối với các điểm giết mổ GSGC không đảm bảo vệ sinh, đặc biệt là các điểm giết mổ không có giấy phép, vi phạm quy định về vệ sinh thú y, bảo đảm vệ sinh ATTP, bảo đảm sức khỏe cho người tiêu dùng và đặc biệt góp phần thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh động vật trên địa bàn.

Bài và ảnh: Tô Hà

Nguồn: Báo Thanh Hóa

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *