Quả đậu bắp cải thiện chất lượng thịt gà công nghiệp

(Người Chăn Nuôi) – Quả đậu bắp đã được chứng minh công dụng nâng cao chất lượng thịt của gà công nghiệp. ngoài ra, phụ gia này còn cải thiện tình trạng sức khỏe của vật nuôi, kháng khuẩn, trị giun sán và chống ôxy hóa.

Đậu bắp – một loại rau có giá trị kinh tế được trồng chủ yếu tại các vùng khí hậu nhiệt đới và cận nhiệt đới. Canh tác cây đậu bắp tương đối dễ so với hầu hết các loại rau khác, vì chúng có thể phát triển tốt trên nhiều loại đất khác nhau. Các nhà nghiên cứu tại Đại học zagazig, Ai Cập gần đây đã công bố những phát hiện thú vị về những tác động tích cực của bột quả đậu bắp khô đối với tăng trưởng, hệ thống miễn dịch, thân và chất lượng thịt của gà lông trắng. Nhóm nghiên cứu đã thực hiện các nghiệm thức sau: 1) Đối chứng (thức ăn cơ bản); 2) 3 khẩu phần chứa quả đậu bắp với tỷ lệ bổ sung khác nhau (1 g/kg thức ăn; 2 g/kg thức ăn; 3 g/kg thức ăn). Gà con được ăn thức ăn nghiền nhỏ từ 1 đến 5 tuần tuổi.

 

Năng suất và chất lượng thịt

Theo quan sát của các nhà nghiên cứu, trọng lượng thân thịt của gia cầm ở tất cả các nghiệm thức đều tương tự nhau. Tuy nhiên, nhóm gà được ăn bổ sung 2 g đậu bắp/kg thức ăn đạt kết quả sản lượng thịt ức tốt nhất. Ngoài ra, những con gà ăn bổ sung đậu bắp ở bất cứ tỷ lệ bổ sung nào cũng đều có mỡ bụng thấp hơn 15% so với nhóm đối chứng – kết quả ghi nhận lúc gà con 5 tuần tuổi. Đây là cơ sở để khẳng định đặc tính kháng ôxy hóa của quả đậu bắp. Đặc tính này đã làm giảm hoạt tính của enzyme malic dịch nội bào, từ đó ngăn chặn sự tích tụ mỡ ở phần bụng gia cầm.

Màu sắc thịt là một yếu tố quan trọng để đánh giá chất lượng thịt; đồng thời cũng là một trong những tiêu chí quan trọng nhất ảnh hưởng đến quyết định mua hàng của người tiêu dùng. Những sự thay đổi không mong muốn về màu sắc và các đặc tính cảm quan của thịt suốt quá trình bảo quản được tạo ra bởi những hợp chất sản sinh suốt quá trình ôxy hóa của chất béo và giảm khả năng giữ nước của sản phẩm. Tình trạng giảm sắc tố và khả năng giữ nước sau 3 tháng bảo quản thấp nhất ở nhóm gia cầm bổ sung đậu bắp cao nhất (3 g/kg thức ăn). Ngoài ra, chất lượng vi sinh vật của thịt gia cầm được đánh giá qua tổng số lượng vi khuẩn, vi khuẩn chịu hàn psychrophilic, men, nấm mốc. Theo quan sát ở khẩu phần đối chứng, mẫu thịt được xử lý bằng các hàm lượng đậu bắp khác nhau cho thấy sự giảm dần về tổng số lượng vi khuẩn theo thời gian; tuy nhiên, tỷ lệ tăng vi khuẩn ở nhóm thịt này  thấp hơn đáng kể so với mẫu thịt đối chứng.

 

Chống ôxy hóa

Nhân tố chính ảnh hưởng đến những đặc tính cảm quan của thịt đó là ô xy hóa suốt quá trình bảo quản. Thử nghiệm TBA, một trong những phương pháp phổ biến nhất hiện nay để đánh giá mức độ ôxy hóa gây tình trạng ôi thiu ở thực phẩm đã được sử dụng trong nghiên cứu này. Như dự đoán, giá trị TBA đã tăng lên ở tất cả các mẫu thịt suốt quá trình bảo quản đông lạnh (thời gian bảo quản tới 3 tháng). Tuy nhiên, tình trạng ôi thiu ở thịt do ôxy hóa lại xảy ra rất chậm ở những mẫu thịt thuộc nhóm gia cầm được ăn bổ sung đậu bắp – trái ngược với nhóm đối chứng suốt giai đoạn bảo quản. Các nhà nghiên cứu đã cho rằng, sự xuất hiện của phenolic và flavonoid trong đậu bắp đã tạo ra hiệu lực kháng ôxy hóa. Ngoài ra, quả đậu bắp rất giàu Vitamin E và carotenoid đã cung cấp thêm lớp màng chắn để chống lại tình trạng kích ứng ôxy hóa. Lớp màng này cũng có vai trò chủ đạo trong việc ổn định và kéo dài thời hạn bảo quản của sản phẩm thịt.

 

Cải thiện tăng trưởng, miễn dịch

Một phát hiện thú vị, phụ gia quả đậu bắp có công dụng cải thiện hệ miễn dịch của gia cầm. Điều này được ghi nhận khi giá trị enzyme kháng khuẩn (lysozymes) và Immunoglobulin M (IgM) trong nhóm gia cầm được bổ sung đậu bắp cao hơn hẳn nhóm đối chứng (Bảng 1). Sự cải thiện rõ rệt về tốc độ tăng trưởng cũng được ghi nhận ở nhóm gia cầm ăn bổ sung đậu bắp theo tỷ lệ 3 g/kg thức ăn. Phụ gia quả đậu bắp đã cải thiện tăng trưởng của gia cầm nhờ các thành phần hoạt tính sinh học có tác dụng cải thiện khả năng tận dụng thức ăn; thành phần hoạt tính sinh học làm biến đổi đặc tính thẩm thấu và hoạt động của lớp màng mạnh mẽ hơn và biến đổi khả năng tổng hợp protein liên quan đến chức năng của bộ khung tế bào, từ đó làm tăng diện tích bề mặt hấp thụ của ruột non.

Nói cách khác, hiệu lực của phụ gia quả đậu bắp lên FCR không đáng kể. Tuy nhiên, những khẩu phần được bổ sung quả đậu bắp ở tỷ lệ 1 g/kg thức ăn lại cải thiện FCR suốt 3 – 5 tuần tuổi và toàn bộ giai đoạn thử nghiệm (1 – 5 tuần). Ngoài ra, phụ gia thực vật có thể cải thiện lượng ăn của gia cầm, kích thích sự bài tiết enzyme tiêu hóa và biến đổi thức ăn; tuy nhiên, công dụng này lại không rõ ràng ở quả đậu bắp. Lượng ăn cao nhất ở nhóm gà được ăn bổ sung đậu bắp theo tỷ lệ 1 g/kg thức ăn, trong khi lượng ăn thấp nhất được ghi nhận ở nhóm đối chứng.

 

Sắc tố tự nhiên

Màu sắc của sản phẩm thịt là yếu tố quan trọng để thu hút người mua hàng tại nhiều quốc gia trên thế giới. Trong một nghiên cứu tương tự, các nhà nghiên cứu đã tiến hành đánh giá sắc tố tự nhiên (từ quả đậu bắp) và sắc tố tổng hợp trong các khẩu phần ăn của gia cầm. Màu sắc của da gà và mỡ bụng được cải thiện đáng kể khi vật nuôi được ăn bổ sung 4 – 5% đậu bắp. Sắc tố đạt mức độ mỹ mãn sau 4 tuần cho ăn đậu bắp. Từ đó kết luận, bột đậu bắp giàu xanthophyll có thể được sử dụng như nguồn sắc tố tự nhiên trong thức ăn gia cầm và góp phần giảm chi phí thức ăn liên quan đến sắc tố tổng hợp đắt tiền.

Với một lượng bổ sung thích hợp, quả đậu bắp có thể được sử dụng như chất phụ gia tự nhiên trong khẩu phần ăn của gia cầm nhằm cải thiện chất lượng thịt và hệ thống miễn dịch. Ngoài ra, phụ gia này cũng là cách thức an toàn và tiết kiệm chi phí để cải thiện sắc tố thịt, thời hạn bảo quản của sản phẩm suốt quá trình bảo quản đông lạnh.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *