Phú Yên: Nông dân vất vả tìm thức ăn cho bò

Đợt lũ ngày 30/11 và 1/12 vừa qua, nước dâng cao khiến hàng ngàn ngôi nhà bị ngập, nọc rơm dự trữ làm thức ăn cho bò mục nát, nhiều diện tích trồng cỏ tây lai, cỏ voi cũng bị bồi lấp. Sau lũ, nông dân vất vả tìm nguồn thức ăn nuôi “đầu cơ nghiệp”.

Cỏ lấm bùn, rơm mục nát

Ông Nguyễn Văn Tiến ở xã Sơn Hà (huyện Sơn Hòa) nói: Trận lũ vừa rồi nước tràn vào nhà tôi gần đụng máng thượng. Nọc rơm to đùng chất sau hè ngâm nước mục nát hết. Nhà tôi có 5 con bò, sau lũ hai vợ chồng túc trực lo chạy thức ăn cho chúng. Lúc thì lên xã Sơn Nguyên, vào vùng gò đồi dưới chân núi cắt cỏ bờ, cỏ bụi trong ruộng sắn ruộng mía, lúc thì xuống xã Hòa Hội (huyện Phú Hòa) ra ruộng mót lúa chét gánh về nuôi bò.

Còn bà Bùi Thị Lan ở xã Hòa Mỹ Đông (huyện Tây Hòa) thì cho hay: Tôi trồng 1 sào cỏ voi trong ruộng cao gần nhà, đợt lũ vừa qua nước ngập 2 ngày. Nước rút, cỏ chết rục. Chỗ cao thì lấm bùn; cỏ hôi mùi bùn non, bò không ăn. Mấy hôm nay, tôi vô vùng gò đồi xã Hòa Mỹ Tây (huyện Tây Hòa) cắt cỏ. Muốn có giỏ cỏ cho bò ăn phải bỏ công ra ngồi “nạo” cả buổi mới đủ.

Tại huyện Tây Hòa, nhiều diện tích cỏ trồng dọc bờ sông Ba đoạn qua xã Hòa Phú, Hòa Phong đến xã Hòa Bình 1 cũng bị ngập và chết. Không chỉ làm cạn nguồn thức ăn cho bò mà khả năng trồng lại cỏ cũng khó vì ven sông cát bồi lấp nặng.

Theo ông Mai Ne, Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Hòa, đợt lũ vừa qua toàn huyện có 14.989 ngôi nhà bị ngập; 422,7 ha lúa mùa bị nước lũ ngâm nhiều ngày; thức ăn gia súc, gia cầm bị lũ cuốn trôi hơn 62 tấn… Sau lũ, cỏ trồng dọc theo bờ sông, suối bị bồi lấp, bào mòn. Để bù lại nguồn thức ăn bị thiếu hụt, ngành Nông nghiệp huyện khuyến cáo nông dân tận dụng lá mía, lá bắp làm thức ăn cho bò.

cắt cỏ cho bò

Nông dân xã Xuân Quang 2 (huyện Đồng Xuân) cắt cỏ mọc trong bờ bụi về cho bò ăn. Ảnh: Lê Trâm

Sau lũ, nhiều cánh đồng ở xã Hòa Tân Đông, Hòa Xuân Đông (TX Đông Hòa) vẫn còn ngập trong nước. Đồng ruộng chưa thể sản xuất, nguồn thức ăn cho gia súc cũng khan hiếm. Gia đình có một đống rơm to nhưng bị lấm bùn, chua mốc, gia súc không ăn được, nên bà Trần Thị Lan ở xã Hòa Xuân Đông đành chặt chuối cây, xắt mỏng trộn với cám để 2 con trâu ăn qua ngày.

Ông Nguyễn Văn Hồng, Phó Chủ tịch UBND TX Đông Hòa, cho biết: Đợt lũ vừa qua làm cho hoa màu các loại (trong đó có cỏ trồng) bị ngập úng 75,7 ha; trong đó xã Hòa Thành 71,4 ha, phường Hòa Xuân Tây 3,7 ha, Hòa Hiệp Trung 0,62 ha… Toàn thị xã hiện có 1.450 con trâu, 6.550 con bò. Sau lũ, địa phương chỉ đạo các ngành chức năng thành lập tổ công tác kiểm tra, đôn đốc các xã, phường thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm sau mưa lụt và trước tết.

 

Bò ăn cầm chừng

Tương tự, tại xã An Dân (huyện Tuy An), gần nửa tháng nay hai vợ chồng ông Bùi Văn Long túc trực “chạy” thức ăn cho bò. Người thì bứt cỏ bờ, cỏ bụi trong đám sắn, mía, người thì cắt rau muống, rau lang gánh về cho bò ăn. Ông Long cho hay: Tôi trồng 1 sào cỏ voi cạnh bờ sông Ngân Sơn (phần hạ lưu của sông Kỳ Lộ), đợt lũ vừa qua nước ngập, nên bùn đất bám đầy. Mấy hôm nay tôi dùng máy phạt bỏ lớp cỏ muối bùn, chờ nứt lên lứa cỏ sau mới có cho bò ăn.

Không chỉ ở xã An Dân mà dọc bờ sông Kỳ Lộ lên xã Xuân Sơn Bắc, Xuân Quang 2 (huyện Đồng Xuân), nhiều diện tích cỏ trồng ven sông cũng bị bồi lấp, ngập bùn. Ông Lê Đức Hùng ở xã Xuân Quang 2 rầu rĩ: Cỏ trồng nằm dưới bùn đất, nhà tôi phải cắt lá tre, lá duối và nấu cháo cho bò ăn thêm. Bò ăn cầm chừng, chứ không no như lúc đủ cỏ, đủ rơm.

Theo ông Hùng, vùng này nhà nhà nuôi bò, bò là tài sản lớn nhất, là “đầu cơ nghiệp”. Một con bò mua về nuôi giáp năm có giá 30 – 40 triệu đồng mà để mất sức xuống ký, thương lái chỉ mua 20 triệu đồng, không chỉ lỗ công mà còn tốn thêm các khoản chi phí khác. Còn muốn nuôi thêm cho bò lại sức thì kéo dài thời gian…

Ông Huỳnh Tuấn Ân, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Đồng Xuân, cho biết: Đợt lụt vừa qua, toàn huyện có 582 nhà bị ngập, diện tích đất nông nghiệp bị bồi lấp 22,3 ha, lúa vụ mùa bị ngập 40,7 ha… Trên địa bàn huyện có tổng đàn bò 26.220 con. Sau lũ, Phòng NN-PTNT phối hợp với Trạm Chăn nuôi thú y, Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện hướng dẫn nông dân chăm sóc sắn, mía, cây trồng cạn, phun thuốc tiêu độc sát trùng phòng bệnh gia súc, gia cầm. 

Đợt lũ vừa qua làm 2.500 ha lúa, hoa màu bị ngã đổ, ngập úng; 45.000 gia súc, gia cầm bị thiệt hại… Toàn tỉnh có 169.976 con bò, 6.050 con trâu. Sau lũ các địa phương vận động nhân dân tìm nguồn thức ăn cho bò, dùng nguồn thức ăn tinh như cám, đậu, bắp cho bò ăn thêm; chú trọng phun thuốc tiêu độc khử trùng, tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin phòng bệnh để đảm bảo sức khỏe đàn trâu, bò.

Ông Đào Lý Nhĩ, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Phú Yên

Mạnh Lê Trâm

Nguồn: Báo Phú Yên

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *