Phòng và điều trị bệnh viêm mũi ở thỏ

(Người Chăn Nuôi) – Thời tiết giao mùa là lúc tạo điều kiện cho các vi khuẩn gây bệnh phát triển. Đặc biệt với thỏ là loại gia súc yếu, rất nhạy cảm với ngoại cảnh, sức đề kháng kém, dễ nhiễm các mầm bệnh về đường hô hấp và phát triển thành dịch bệnh do các yếu tố của môi trường ngoại cảnh gây nên.

Nguyên nhân

Thỏ là vật nuôi rất nhạy cảm với các bệnh đường hô hấp. Trong niêm mạc đường khí quản của thỏ thường có vi trùng Pasteurella và Bordetella tiềm sinh. Do thời tiết thay đổi đột ngột, môi trường chăn nuôi quá chật chội, ẩm ướt hoặc chuồng nuôi bị gió lùa vào ban đêm. Khi sức đề kháng của cơ thể giảm sút (do môi trường ngoại cảnh tác động như gió lùa, thay đổi thời tiết đột ngột, dinh dưỡng kém hoặc viêm mũi kéo dài…) thì vi trùng này sẽ tấn công và gây bệnh ở nhiều dạng khác nhau như: viêm phổi, viêm kết mạc, phế mạc, viêm màng ngoài tim, viêm não…

Bệnh lây lan nhanh qua đường hô hấp do hít thở phải vi trùng ô nhiễm trong phân, bụi không khí. Bệnh có thể xảy ra trên mọi lứa tuổi của thỏ.

 

Triệu chứng

Thường thấy nhất là bị sổ mũi, con vật hắt hơi, chảy nước mũi có bọt sau đó có lẫn dịch nhờn bít kín lỗ mũi làm thú thở khò khè. Thỏ bị ngứa mũi, thường dùng chân trước dụi vào mũi làm trầy xướt. Thỏ thường lấy hai chân trước dụi mũi, nên lông phía trong hai bàn chân trước rối dính bết lại. Thỏ bị hắt hơi, chảy nước mũi, kém ăn, lông xù, phản ứng chậm chạp; nếu không điều trị tích cực thường dẫn đến thỏ bị viêm mũi. Sau đó thể chuyển sang bệnh viêm phế quản và phổi. Thỏ bỏ ăn, sốt cao 41 – 42oC, khó thở, gầy yếu nhanh rồi chết. Bệnh ở dạng cấp tính, có thể làm thỏ chết đột ngột, chết nhiều trong thời gian ngắn mà không kịp thấy triệu chứng.

Xoang mũi thỏ có rất nhiều vách ngăn phức tạp trong đó thường chứa đọng các vi khuẩn tiềm sinh và bụi bặm. Nếu bị tác động của môi trường không khí ngột ngạt, thay đổi thời tiết đột ngột, gió lùa mạnh, ẩm thấp, vận chuyển đường dài thỏ mệt nhọc… thì bệnh viêm mũi phát ra, đôi khi kết hợp với bệnh khác như tụ huyết trùng, tụ cầu trùng… thì bệnh trở nên nặng và phức tạp hơn. Nếu bệnh trở thành thể mãn tính và mang trùng thì đó là các ổ bệnh rất nguy hiểm.

 

Phòng bệnh

Thỏ là loại gia súc yếu, rất nhạy cảm với ngoại cảnh, sức đề kháng của cơ thể kém, dễ nhiễm các mầm bệnh và phát triển thành dịch do các yếu tố của môi trường ngoại cảnh gây nên. Khi mắc bệnh thỏ dễ chết, có khi chết hàng loạt, gây thiệt hại lớn về kinh tế. Cho nên phải nuôi thỏ đúng yêu cầu kỹ thuật, chú ý nhất là khâu vệ sinh phòng bệnh và chăm sóc nuôi dưỡng. Bệnh lây chủ yếu qua đường hô hấp nên phải đề phòng bằng cách nuôi dưỡng chăm sóc tốt, đảm bảo môi trường hợp vệ sinh, không nên nhốt thỏ trên chuồng gà, chuồng heo, vừa ngột ngạt, vừa có nguy cơ lây lan mầm bệnh từ vật nuôi khác sang thỏ. Tạo môi trường phù hợp, vệ sinh sạch sẽ, đặc biệt là khi vận chuyển đi xa cần tránh mưa nắng, gió lùa mạnh, lồng vận chuyển phải có vách ngăn, có đồ lót khô, sạch, không nhốt quá chật để thỏ đè lên nhau.

Biện pháp phòng bệnh chủ yếu là với phương châm phòng bệnh là chính, thực hiện tốt nguyên tắc “3 sạch”: ăn sạch, ở sạch, uống sạch đảm bảo môi trường chăn nuôi sạch sẽ. Định kỳ sát trùng chuồng trại 10 ngày/lần. Có thể bổ sung vitamin cho thỏ 3 – 5 ngày để tăng sức đề kháng và chống stress. Phòng bệnh tích cực bằng cách sử dụng vaccine. Thường xuyên theo dõi đàn thỏ để phát hiện và điều trị bệnh kịp thời.

 

Điều trị

Khi thỏ mới có biểu hiện chảy nuớc mũi, hắt hơi cần phải thay đổi môi truờng vệ sinh và nhỏ thuốc Natriclohidric, tiêm thuốc đặc trị viêm mũi cho thỏ 1 ml/2,5 kg trở lên. Bổ sung B-complex: 3 – 5 cc/con. Nếu bị nặng thì cần tiêm thêm streptomycin liều 0,1 g/kg thể trọng hoặc tiêm Kanamycin với liều 0,05 g/kg thể trọng trong 3 – 5 ngày liên tục.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *