Phòng, trị tụ huyết trùng trên thỏ

(Người Chăn Nuôi) – Thời tiết thay đổi đột ngột khiến bệnh tụ huyết trùng ở thỏ phát triển mạnh. Đây là căn bệnh lây lan nhanh, thường gặp ở thỏ cần được chữa trị kịp thời.

Nguyên nhân

Bệnh do vi khuẩn Pasteurella multocida gây ra. Tỷ lệ nhiễm bệnh cao (có thể trên 90%). Trong niêm mạc đường khí quản của thỏ thường có Pasteurella tiềm sinh.

Bệnh lây lan qua đường tiêu hóa và hô hấp. Lây trực tiếp từ gia súc ốm, chết; Lây gián tiếp qua dụng cụ, thiết bị chăn nuôi, thức ăn, nước uống…

 

Triệu chứng

Khi thỏ mắc bệnh có những biểu hiện như: gầy yếu, kém ăn, sốt cao 41 – 420C, khó thở, kết mạc mắt đỏ, chảy nước mũi có lẫn dịch nhờn. Nhiều khi bệnh ở dạng cấp tính, có thể làm thỏ chết đột xuất, chết nhiều trong thời gian ngắn mà không biểu hiện lâm sàng.

nuôi thỏ

Thực hiện tốt nguyên tắc “3 sạch” để phòng bệnh cho thỏ

 

Trị bệnh

Thuốc đặc hiệu là Streptomycin với liều lượng 0,1 g/kg thể trọng hoặc dùng Kanamycin tiêm với liều lượng 0,05 g/kg thể trọng. Dùng thuốc này để tiêm trong 3 ngày liền. Trong quá trình điều trị nên bổ sung các vitamin, khoáng chất cho thỏ để tăng cường sức đề kháng.

 

Phòng bệnh

Chăn nuôi thỏ với quy mô lớn cần xây dựng chuồng trại. Những ngày trời nắng nóng có thể phun nước lên mái để hạ nhiệt độ; không được để ánh nắng dọi trực tiếp vào lồng nuôi.

Người nuôi thỏ thực hiện tốt phương châm phòng bệnh là chính, thực hiện tốt nguyên tắc “3 sạch”: ở sạch, ăn sạch, uống sạch đảm bảo môi trường chăn nuôi sạch sẽ. Hàng ngày, vệ sinh dụng cụ, thức ăn, nước uống trước khi cho ăn, dọn ổ đẻ cho thỏ sạch sẽ. Định kỳ tẩy uế chuồng trại, nhằm hạn chế sự lây nhiễm của các loại nguồn bệnh cho thỏ, bằng cách phun thuốc sát trùng chuồng thỏ, tối thiểu 1 lần/tháng.

Thức ăn, nước uống phải đảm bảo vệ sinh. Thức ăn thô xanh cho thỏ phải được rửa sạch bằng nước máy hoặc nước giếng khoan. Thức ăn xanh không được dự trữ quá lâu ngày; không dùng cỏ ở những nơi lầy lội và những nơi là bãi chăn thả các loại gia súc khác làm thức ăn cho thỏ.

Nuôi với mật độ phù hợp. Đối với thỏ nuôi thịt mùa nắng nóng cần dãn mật độ nuôi từ 5 – 6 con/ô lồng chuồng.

Trong quá trình chăn nuôi phải thường xuyên quan sát, đánh giá tình trạng sức khỏe của thỏ để có biện pháp can thiệp kịp thời. Thỏ khỏe phản ứng rất linh hoạt, lông bóng mượt, không rụng thành từng mảng; Mũi và mắt khô, không có dịch nhờn, mủ chảy ra; Tiêu hóa bình thường, phân ở dạng viên cứng; niêm mạc hậu môn, cơ quan sinh dục khô, không có vảy, loét, không dính bết dịch thể khác; Hô hấp bình thường, nhịp thở đều đặn, nhẹ nhàng.

Hiện tại chưa có vaccine phòng bệnh tụ huyết trùng cho thỏ, vì vậy, thời tiết giao mùa cần chú ý chăm sóc thỏ tốt hơn để thỏ có sức khỏe và chống chịu được bệnh. Tất cả thỏ bị nhiễm bệnh nên được tiêu hủy, lồng nuôi thỏ bị bệnh phải phun sát trùng để tiêu diệt vi khuẩn còn sót lại.

Tất cả những người đến trại phải được sát trùng trước khi vào trại. Có thể sử dụng thuốc sát trùng chuồng trại Vime Iodine (15 ml pha 4 lít nước) hoặc Vimekon (100 g pha 20 lít nước) để loại bỏ mầm bệnh.Đặc biệt, khi thời tiết hoặc môi trường sống thay đổi cần phải vệ sinh, chăm sóc nuôi dưỡng thật tốt, có thể bổ sung vitamin cho thỏ từ 3 – 5 ngày để tăng sức đề kháng và chống stress.

>> Bệnh tụ huyết trùng là bệnh truyền nhiễm có tính chất thổ nhưỡng, vi khuẩn cư trú ở khắp nơi, gặp điều kiện thuận lợi là phát dịch. Hầu hết các loài gia súc, gia cầm, động vật hoang dại đều mắc bệnh. Thỏ ở mọi lứa tuổi đều có thể mắc bệnh, phổ biến từ 3 – 6 tháng tuổi.

Lê Loan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *