Nhờ chú trọng bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP) từ khâu sản xuất, chế biến nông sản nên nhiều năm liền, trên địa bàn tỉnh Bắc Giang không xảy ra ngộ độc thực phẩm nguy hiểm. Chuẩn bị cho Tết Nguyên đán và mùa lễ hội xuân 2024, ngành Nông nghiệp Bắc Giang chủ động triển khai nhiều giải pháp nhằm hạn chế tối đa các vụ ngộ độc, bệnh truyền qua thực phẩm và dịch bệnh trên đàn vật nuôi.
Rộng thêm vùng sản xuất an toàn
Bắc Giang là địa phương cung cấp nguồn nông sản khá đa dạng, không chỉ phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong tỉnh mà còn xuất bán ra nhiều địa phương trong nước cũng như xuất khẩu. Do đó, vấn đề bảo đảm chất lượng ATTP nông sản luôn được ngành chức năng quan tâm.
Gia đình chị Phạm Thị Oanh ở thôn Ngọc Sơn, xã Quỳnh Sơn (Yên Dũng) hiện canh tác 2,5 nghìn m2 rau an toàn theo quy trình VietGAP trong nhà màng, gồm nhiều loại như: Cải làn, bó xôi, đậu cô ve, cải ngọt, bí tiến vua, dưa bao tử… Các loại rau trên đang chuẩn bị thu hoạch để bán vào dịp Tết tới. Do có sự liên kết sản xuất, tiêu thụ nên các sản phẩm được hệ thống cửa hàng thực phẩm sạch tại nhiều nơi trong tỉnh nhập với giá cao hơn rau thông thường. Năm nay, chị Oanh dự kiến mở rộng thêm diện tích rau an toàn lên hơn 3 nghìn m2.
HTX Nông nghiệp hữu cơ Bình Minh ở xã Danh Thắng (Hiệp Hòa) bảo đảm các điều kiện vệ sinh ATTP.
Được biết, thời gian qua, ngành Nông nghiệp Bắc Giang đã quan tâm tuyên truyền, tập huấn cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh chấp hành tốt điều kiện về ATTP, áp dụng các quy trình kỹ thuật tiên tiến. Đồng thời nâng cao kiến thức tại các vùng trồng trọt, chăn nuôi, hướng dẫn người dân kỹ thuật sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn, hiệu quả.
Riêng năm 2023, tổ chức 33 hội nghị, hội thảo phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật, kiến thức, kinh nghiệm liên quan cho khoảng 1,7 nghìn lượt người là chủ cơ sở, cán bộ quản lý về ATTP trong sản xuất, kinh doanh nông, thủy sản và vật tư nông nghiệp…
Qua đó, việc phát triển sản xuất quy mô lớn, hợp tác liên kết theo chuỗi giá trị và áp dụng quy trình VietGAP, GlobalGAP tiếp tục được nhân rộng. Chất lượng sản phẩm được nâng lên, tạo điều kiện cho sản phẩm xuất khẩu, gia tăng giá trị và nâng cao niềm tin của người tiêu dùng đối với nông sản của tỉnh.
Theo Chi cục Quản lý chất lượng Nông – Lâm sản và Thủy sản (Sở Nông nghiệp và PTNT), Bắc Giang đã hình thành nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP; các vùng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô từ vài chục ha đến vài chục nghìn ha với nhiều loại cây trồng. Trong đó, đã xây dựng được 165 mô hình cánh đồng mẫu sản xuất lúa chất lượng, rau chế biến, rau an toàn, khoai tây. Riêng diện tích rau an toàn đạt 12,8 nghìn ha; liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị đạt hơn 3 nghìn ha.
Đồng thời, đang duy trì 8 chuỗi liên kết gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm, hàng trăm mô hình chăn nuôi gia công cho các công ty và 104 cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh. Toàn tỉnh hiện có 290 sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên…
Quản chặt chất lượng
Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và PTNT, tổng sản lượng rau xanh trên địa bàn tỉnh từ tháng 12/2023 đến hết tháng 2/2024 ước khoảng 200 nghìn tấn. Đàn lợn đang duy trì khoảng 885 nghìn con, đàn gia cầm 20,5 triệu con; đàn trâu, bò 109 nghìn con và đàn dê 33 nghìn con. Sản lượng trên bảo đảm nguồn cung thực phẩm phục vụ trong dịp Tết.
Cán bộ thú y tiêm phòng cúm gia cầm cho đàn gà tại huyện Yên Thế.
Ông Nguyễn Văn Thành, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng Nông – Lâm sản và Thủy sản cho biết: “Bên cạnh công tác hỗ trợ sản xuất, tuyên truyền quy định pháp luật về ATTP, thời gian qua, Chi cục đã tăng cường thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm về ATTP. Trong đó, tập trung vào các sản phẩm tươi sống tiêu dùng hằng ngày”.
Trong năm 2023, các đoàn kiểm tra chuyên ngành, liên ngành của tỉnh đã thẩm định 34 cơ sở sản xuất, kinh doanh nông, thủy sản; lấy 203 mẫu sản phẩm giám sát, hậu kiểm, trong đó 109 mẫu có nguồn gốc thực vật, 80 mẫu có nguồn gốc động vật và 14 mẫu thủy sản gửi đi phân tích chất lượng. Kết quả, một số mẫu rau vi phạm quy định về ATTP, Chi cục đã có văn bản thông báo, xử lý và yêu cầu khắc phục vi phạm.
Mặc dù vậy, việc sản xuất, kinh doanh nông, thủy sản vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất ATTP. Năm qua, lực lượng chức năng phát hiện 30 vụ vi phạm trong hoạt động giết mổ, vận chuyển, thu gom, bảo quản động vật, sản phẩm động vật. Phạt vi phạm hành chính hơn 200 triệu đồng, buộc tiêu hủy gần 9 tấn sản phẩm động vật không bảo đảm chất lượng. Các lỗi vi phạm chủ yếu như: Không có giấy kiểm dịch, vận chuyển gia súc chết ra môi trường, mua bán động vật chết, sản phẩm động vật không rõ nguồn gốc xuất xứ, trang thiết bị dụng cụ không bảo đảm điều kiện vệ sinh thú y trong quá trình giết mổ động vật…
Theo ông Lê Bá Thành, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, nhu cầu sử dụng hàng nông sản, thực phẩm an toàn tăng cao trong dịp Tết và mùa lễ hội 2024. Để hạn chế tối đa các vụ ngộ độc thực phẩm, Sở đẩy mạnh triển khai công tác bảo đảm ATTP trong dịp này. Hiện đơn vị đã thành lập các đoàn kiểm tra đối với những cơ sở sản xuất, giết mổ, sơ chế, chế biến, vận chuyển, kinh doanh nông, thủy sản làm thực phẩm như: Rau, củ, quả, thủy sản, trứng, thịt gia súc, gia cầm và các sản phẩm chế biến từ thịt. Đồng thời, tăng cường kiểm tra hoạt động vận chuyển động vật, sản phẩm động vật dùng làm thực phẩm.
Một trong những nội dung trọng tâm là lấy mẫu giám sát, hậu kiểm đối với sản phẩm tại các cơ sở trên. Ngoài ra, lực lượng chức năng sẽ tập trung kiểm soát dịch bệnh trên đàn vật nuôi, cây trồng, tránh nguy cơ gây mất ATTP và lây truyền bệnh sang người. Giám sát chặt chẽ cơ sở sản xuất, kinh doanh nông, thủy sản, đặc biệt các cơ sở sơ chế, chế biến, thu gom, giết mổ nhỏ lẻ. Kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm các vi phạm.
Bên cạnh đó, ngành Nông nghiệp cũng chủ động tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm và thay đổi hành vi của người sản xuất, kinh doanh, cũng như người tiêu dùng về ATTP. Tích cực hướng dẫn tổ chức, cá nhân thực hiện quy trình sản xuất, kinh doanh bảo đảm ATTP; thông báo công khai những cơ sở sản xuất, chế biến sản phẩm nông, thủy sản an toàn để người tiêu dùng lựa chọn…
Bài, ảnh: Nguyễn Hưởng
Nguồn: Báo Bắc Giang