Phòng bệnh thương hàn trên trâu, bò

(Người Chăn Nuôi) – Là bệnh truyền nhiễm đường tiêu hóa do vi khuẩn gây ra, gây tỷ lệ chết cao ở bê, nghé non.

Nguyên nhân

Bệnh do vi khuẩn Salmonella gây ra. Vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể chủ yếu qua đường tiêu hóa, do ăn phải thức ăn, nước uống có vi khuẩn. Sau khi vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể, 3 – 5 ngày sau thì phát bệnh. Vi khuẩn sinh sản nhanh trong ruột, vào máu gây nhiễm trùng máu.

 

Triệu chứng

Thể cấp tính: Trâu, bò sốt cao 40 – 410C, kéo dài 3 – 4 ngày, con vật run rẩy giống như sốt rét, chảy nước mắt, niêm mạc mắt đỏ sẫm, mũi khô. Trâu, bò bỏ nhai lại, nằm một chỗ, thích uống nước lạnh, phân táo trong thời gian sốt, sau đó tiêu chảy dữ dội. Đầu tiên phân còn sền sệt, mùi tanh, màu vàng xám. Tiếp sau vài ngày, súc vật bệnh tiêu chảy vọt cần câu. Phân chỉ có nước xám vàng, mùi tanh khắm, có lẫn niêm mạc ruột lầy nhầy, đôi khi tróc niêm mạc từng mảng, có lẫn máu màu đỏ sẫm. Vài ngày cuối trước khi chết, gia súc bệnh bị mất nước: mắt trũng sâu, niêm mạc nhợt nhạt, toàn thân gầy rộc, không đứng lên được, thở gấp, tim đập nhanh và yếu. Cuối cùng, súc vật chết trong trạng thái kiệt sức. Bệnh tiến triển trong thời gian 6 – 10 ngày.

Thể mãn tính: Thường thấy ở trâu, bò, dê trưởng thành. Các triệu chứng cũng giống như ở thể cấp tính nhưng nhẹ hơn và tiến triển chậm. Thời gian lành bệnh từ 1 – 2 tuần. Sau thời gian sốt cao, ỉa chảy dai dẳng, con vật vẫn ăn nhưng ăn ít. Nếu không được điều trị kịp thời vật bệnh sẽ chết do kiệt sức.

 

Bệnh tích

Hạch ruột sưng thủy thủng có tụ máu. Ruột non có những vệt xuất huyết chạy dài theo chiều dọc, càng gần ruột già thì hiện tượng này càng rõ, nhiều chỗ niêm mạc ruột bị tróc ra, làm cho thành ruột bị mỏng ra và chảy máu. Ruột già bị xuất huyết và tróc niêm mạc nhiều hơn. Đặc biệt van hồi manh tràng và xung quanh có những vết loét bằng hạt đậu, phủ bựa vàng xám, các nốt loét còn thấy rải rác ở ruột già. Lá lách khô cứng có lấm tấm tụ huyết, hoặc sưng nhẹ và có màu đỏ sẫm. Dạ múi khế khô cứng, lấm tấm tụ huyết.

 

Phòng bệnh

Hiện nay ở nước ta chưa sử dụng vaccine phòng bệnh thương hàn cho gia súc nhai lại. Biện pháp phòng bệnh chủ yếu là tăng cường vệ sinh ăn uống, chống ô nhiễm chuồng trại, bãi chăn và nguồn nước uống như biện pháp phòng ngừa các bệnh truyền nhiễm khác.

Khi phát hiện bệnh, người nuôi có thể điều trị theo phác đồ của Công ty CP SXKD vật tư và thuốc Thú y (VEMEDIM).

Kháng sinh: Vime-Sone (1 ml/10 kg thể trọng) hoặc Vimefloro FDP (Trâu bò: 1 ml/20 – 30 kg thể trọng).

Kết hợp thuốc trị triệu chứng:

Vitamin K (1 ml/10 – 15 kg thể trọng)

Urotropin: Khi con vật không tiêu chảy (1 ml/10 kg thể trọng)

Atropin: Khi con vật tiêu chảy (1 ml/7 – 10 kg thể trọng)

Bcomplex fortified (1 ml/15 kg thể trọng)

Bồi dưỡng: Vimekat (20 – 30 ml/con) hoặc Vime Canlamin (20 – 50 ml/con).

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *