Phòng bệnh phó thương hàn ở vịt

Nguyên nhân

Ở vịt con thường bị nhiễm 2 chủng Salmonella pullorum và S.gallinarum. Chủng S.gallinarum thường gây bệnh cho vịt từ 1 – 14 ngày tuổi. Một số chủng khác cũng thường gây bệnh như S.anatum và S. enteritis (chủng S.anatum thường gây chết đột ngột cho vịt con, còn S.enteritis thì thường nhiễm từ gan vào viêm màng tim, màng gan, gây chết từ 20 – 30%).

Phương thức truyền lây

Từ mẹ sang trứng (khi vịt mẹ đã mang mầm bệnh): Mầm bệnh nhiễm từ máu vào buồng trứng. Nếu trứng đem ấp, mầm bệnh nhiễm vào phôi, gây chết phôi (vịt sát), sưng rốn, tiêu chảy ngay trong 1 – 4 ngày tuổi.

Qua vỏ trứng: Do vi khuẩn có sẵn ở môi trường, ở ổ đẻ nhiễm vào vỏ trứng. Từ vỏ trứng vi khuẩn sẽ xâm nhập qua lớp vỏ vào trong trứng (vì vi khuẩn có lông roi và có thể di động được), vi khuẩn phát triển trong phôi gây chết phôi (nếu nhiễm nặng). Hoặc vịt nở ra bị bệnh ngay.

Thức ăn, nước uống: Đặc biệt thức ăn là bột cá, tép khô, khi phơi để nhiễm mầm bệnh từ môi trường đất, bụi cát.

bệnh thương hàn ở vịt

Ảnh: ST

Triệu chứng

Vịt con: Do trứng bị nhiễm vi khuẩn thương hàn nên khi nở ra vịt con yếu, ủ rũ, không ăn, tập trung gần đèn sưởi. Lúc đầu vịt bị tiêu chảy, phân loãng có bọt khí, vịt ít đi lại, đứng riêng khỏi đàn, tụ tập theo từng nhóm riêng, chúng thích đứng chỗ ấm áp. Một vài ngày thấy vịt bị viêm kết mạc mắt. Giai đoạn này vịt bắt đầu chết, trước khi chết có triệu chứng thần kinh: co giật, ngoẹo đầu.

Vịt lớn: Vịt ủ rũ, bỏ ăn, thường đứng riêng lẻ, xã cánh. Toàn thân mỏi mệt, ủ rũ, viêm kết mạc mắt có mủ do đó mắt nửa mở hay nhắm hẳn lại. Cánh xệ xuống, lông khô không mướt. Đi phân loãng hoặc trắng, sau đó phân trắng có lẫn máu hoặc phân loãng màu hơi vàng. Một số trường hợp có triệu chứng viêm khớp, một số con bị viêm phổi kế phát, ho khò khè.

Vịt lớn trên 45 ngày thường bị bệnh ở thể mạn tính, thường thấy đi tiêu chảy đôi khi thấy máu, vịt ốm, lông không bóng mượt. Buồng trứng bị thoái hóa, biến dạng méo mó. Một số trứng có màu xám chì, lục nhạt, nâu, ống dẫn trứng bị vỡ và tích lại.

Chẩn đoán

Dựa trên triệu chứng lâm sàng và bệnh tích.

– Lấy bệnh phẩm xét nghiệm và phân lập vi khuẩn (Lưu ý: Nếu bệnh phẩm lấy từ ruột hay trong các tổ chức đã bị phân hủy thì không đủ cơ sở để chẩn đoán kết luận).

– Phân biệt với một số bệnh có triệu chứng lâm sàng giống Salmonella như:

+ Bệnh E.Coli cũng phân trắng, tiêu chảy và chết nhanh ở vịt con, nhưng có triệu chứng thần kinh rõ (quay quay đầu).

+ Chứng thiếu vitamin đặc biệt là Vitamin A cũng tiêu chảy nhưng chết ít và không sưng lách, gan.

+ Bệnh viêm gan vịt: Bệnh tích chủ yếu ở gan (xuất huyết), không có ở ruột.

Phòng bệnh

Thực hiện tốt quy trình sát trùng chuồng trại bằng các hóa chất sát trùng: Bio-Iodine 70 hoặc Bio – Benkocid.

Xử lý nguồn nước, ao hồ bằng vôi bột.

Sát trùng vỏ trứng trước khi đưa vào ấp bằng Hanmid, định kỳ xông Focmol máy ấp trứng.

Chăm sóc tốt, nâng cao sức đề kháng cho con vật bằng thức ăn đảm bảo chất lượng, nước uống sạch và thường xuyên bổ sung các loại thuốc bổ.

Định kỳ dùng một số kháng sinh cho uống điều trị dự phòng (thuốc đặc trị với Salmonella).

Điều trị

Sử dụng một trong các kháng sinh sau: Florphenicol, Hancotmix, Hamcoli-forte, Genta-costrim…

Tiêm thêm kháng thể Hanvet KTV nhằm phòng bệnh kế phát do virus, kết hợp nâng cao sức đề kháng cho vịt bằng cách bổ sung các loại thuốc bổ như Vit ADE, Bio-Tosal, Bcomplex, Bcomvit, Gluco-KC thảo dược.n

PGS. TS Phạm Ngọc Thạch

Học viện Nông nghiệp Việt Nam

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *