Phòng bệnh nhiệt thán ở trâu, bò

(Người Chăn Nuôi) – Bệnh nhiệt thán hay còn gọi là bệnh than, là bệnh truyền nhiễm cấp tính chung cho nhiều loài gia súc và người với đặc điểm sốt cao, tổ chức liên kết và phủ tạng thường bị thấm máu tím sẫm, lách sưng to và mềm nhũn như bùn.

Nguyên nhân

Bệnh do trực khuẩn Gram dương Bacillus Anthracis gây ra. Là vi khuẩn có giáp mô (vỏ bọc), hình thành nha bào khi ra khỏi cơ thể vật chủ. Vi khuẩn có sức đề kháng yếu với điều kiện môi trường (nhiệt độ, ánh sáng…) cũng như với các chất sát trùng. Song khi ở dạng nha bào nó có sức đề kháng rất cao với điều kiện môi trường tự nhiên và chỉ bị tiêu diệt khi đun sôi 1000C từ 10 – 12 phút, chết khi hấp ướp 1200C trong 20 phút, hấp khô 1400C trong 3 giờ, có thể sống tới 28 năm trong lòng đất.

Vi khuẩn xâm nhập chủ yếu qua đường tiêu hóa, gia súc ăn thức ăn và uống nước có chứa nha bào nhiệt thán.

Người mắc bệnh nhiệt thán chủ yếu là do ăn thịt gia súc bị bệnh nhiệt thán, ngoài ra vi khuẩn còn có thể xâm nhập qua những vết thương xây xát trên da trong khi mổ, giết thịt gia súc bệnh.

Bệnh có thể phát sinh quanh năm nhưng thường xảy ra phổ biến vào các tháng nóng, ẩm, mưa nhiều (tháng 7,8,9).  Lúc này các loại động vật như giun đất, côn trùng hoạt động mạnh là điều kiện đưa nha bào nhiệt thán phát tán, xâm nhiễm và gây bệnh.

Ở miền núi, bệnh này còn xảy ra vào mùa khô hanh, khi nước ở suối, ao tù bị cạn tập trung nhiều nha bào nhiệt thán, đồng thời cỏ hiếm nên trâu, bò thường phải gặm sát đất. Do đó trâu, bò dễ ăn thức ăn, uống nước có chứa nha bào nhiệt thán.

 

Triệu chứng

Ban đầu trâu bò ủ rũ, lông dựng, tim đập nhanh, mắt lờ đờ, sốt cao, bỏ ăn, mắt đỏ sẫm pha lẫn vết đen tím, con vật ỉa ra phân có lẫn máu, đái ra máu. Các lỗ tự nhiên như mũi, hậu môn, âm hộ thường có màu đỏ sẫm hoặc tím, hầu ngực bụng sung nóng và đau đớn, tỷ lệ chết rất cao. Trâu, bò ở thể quá cấp tính bệnh tiến triển nhanh, con vật sốt cao (41 – 420C), đi run rẩy, thở gấp, bỏ ăn, hai má sưng, vã mồ hôi, các niêm mạc đỏ tím, đầu gục xuống, lưỡi thè ra, mắt đỏ ngầu. Sau đó con vật mất thăng bằng, quay cuồng, lảo đảo, đứng không vững. Cuối cùng vật ngã quỵ rồi chết. Khi chết dạ cỏ lên men sinh hơi rất nhanh, ở miệng, hậu môn, âm hộ thường có máu màu tím hay đỏ sẫm chảy ra và máu không đông.

Bệnh có thể lây sang người do tiếp xúc với trâu, bò bị bệnh khi giết mổ hoặc do ăn thịt súc vật bị bệnh. Người bệnh sốt cao 40 – 420C, chóng mặt buồn nôn, khó thở, tức ngực ho khan, ù tai, kiệt sức, bụng chướng to. Sau bị nhiễm do các vết thương hoặc xây xát, chỗ da bị sưng đỏ lên, ngứa ngáy khó chịu, sau đó chuyển thành màu đỏ sẫm đau đớn và rất ngứa.

 

Bệnh tích

Trâu, bò sau khi chết bụng chướng to, lòi dom, lè lưỡi, các lỗ tự nhiên như mồm, mũi, hậu môn, âm hộ chảy dịch nhầy lẫn máu đen sẫm.

Xác gia súc bị chết mau chóng bị thối rữa; có hiện tượng xuất huyết máu đen trên khắp cơ thể, nhất là ở vùng phổi và màng bụng, máu không đông khi cắt mạch máu; niêm dạ múi khế, ruột non và ruột già bị viêm rất nặng; Lá lách sưng to màu đen mềm và dễ bị vỡ, nhu mô lá lách gần như lỏng ra và đen sẫm.

 

Phòng bệnh

Khi gia súc mắc bệnh nhiệt thán ở thể nặng hầu như không có cách chữa trị cho con vật khỏi bệnh, do vậy cần phải chú ý thực hiện tốt các biện pháp phòng bệnh.

Khi phát hiện gia súc trong có dấu hiệu ốm, bệnh thì cần báo ngay cho nhân viên thú y để kiểm tra, chẩn đoán bệnh. Khi xác định gia súc bị mắc bệnh nhiệt thán thì cần tuân thủ hướng dẫn phòng chống dịch bệnh, thực hiện kiểm soát dịch bệnh chặt chẽ, cách ly những con gia súc bị bệnh với gia súc khỏe; nghiêm cấm mổ thịt và vận chuyển con vật qua nơi khác để tiêu thụ.

Để phòng bệnh hiệu quả cần phải tiêu độc khử trùng chuồng trại bằng 1 trong các loại thuốc sát trùng đặc trị, có thể dùng: NoVACIDE, NoVASEPT, NoVADINE…

Những chuồng gia súc của bị nhiễm bệnh cần phải đốt hết rơm, phân gia súc và tiêu độc chuồng trại thật kỹ, nạo sạch lớp đất trên cùng đem chôn tiêu độc kỹ. Xác gia súc chết phải đem thiêu, chôn hủy, thực hiện “đào sâu, chôn chặt” và có cắm biển báo nơi chôn gia súc bị mắc bệnh nhiệt thán. Tuyệt đối không được mổ khám xác gia súc bị bệnh để tránh tình trạng bệnh lây lan.

Bệnh nhiệt thán có thể lây lan sang cả con người nên những người không có trách nhiệm không được tiếp xúc với chuồng nuôi bị nhiễm bệnh, không được ăn thịt súc vật bị bệnh… nếu người đã tiếp xúc với gia súc bị bệnh phải sát trùng thật kỹ để tránh mang mầm bệnh ra bên ngoài.

Dùng vaccine để phòng bệnh cho gia súc, tiêm phòng định kỳ hàng năm ở những vùng đã có dịch và những vùng có nguy cơ bị nhiễm dịch bệnh.

Dùng vaccine nha bào nhiệt thán Pasteur để tiêm cho gia súc, sau thời gian 15 ngày, vaccine này sẽ giúp cho gia súc có khả năng miễn dịch và thời gian hiệu lực kéo dài hơn 1 năm.

Dùng vaccine nhược độc nha bào nhiệt thán để tiêm cho gia súc ở những vùng có dịch bệnh thường xuyên xảy ra. Khi sử dụng, cần lưu ý các vấn đề sau:

• Tiêm vaccine cũng có nhiều trường hợp khiến cho gia súc bị dị ứng, nếu như gia súc bị dị ứng nặng thì nên can thiệp bằng cách tiêm thêm kháng huyết thanh hoặc thuốc kháng sinh;

• Khi sử dụng vaccine nên tránh tình trạng bị rơi vãi, nếu lọ vaccine sử dụng không hết phải đem đi tiêu hủy;

• Vaccine chỉ tiêm khi những con gia súc trong chuồng nuôi khỏe mạnh, đối với những con gia súc đang bị sốt hay có dấu hiệu mắc bệnh không được tiêm vaccine cho chúng;

• Điều trị gia súc mắc bệnh bằng huyết thanh và kháng sinh, việc điều trị chỉ đạt hiệu quả tốt khi mới phát hiện bệnh;

• Đối với những con gia súc mắc bệnh, phải cách ly chúng ra khỏi đàn càng sớm càng tốt;

• Tiến hành tiêu độc và tiêu hủy những con gia súc bị bệnh nặng;

• Vệ sinh phòng bệnh chặt chẽ theo hướng dẫn của cơ quan thú y để tránh mầm bệnh lây lan.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *