Không nhiều đất canh tác, anh Võ Hữu Nhân (xã Phú Xuân, huyện Phú Tân, tỉnh An Giang) lựa chọn mô hình nuôi dê nhốt chuồng để nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống. Trong quá trình chăn nuôi, anh Nhân còn sử dụng thêm chế phẩm sinh học EM (EM tỏi), giúp bổ sung hệ vi sinh có lợi, ức chế và tiêu diệt các vi khuẩn gây hại, giúp dê tiêu hóa và hấp thụ thức ăn tốt hơn, hạn chế các loại dịch bệnh; dê khỏe mạnh, lớn nhanh… cho năng suất và chất lượng cao.
Tăng thu nhập
Triển khai mô hình nuôi dê cách đây 5 năm. Từ vài con ban đầu, anh Nhân mở rộng diện tích chuồng trại, phát triển số lượng dê lên khoảng 100 con. Ít ai biết được rằng, con đường thành công của anh Nhân cũng khá chông gai.
Anh Nhân cho biết, thời gian đầu, do mua con giống kém chất lượng dẫn đến tình trạng thua lỗ. Không nản chí, anh Nhân tiếp tục mày mò, tìm hiểu nguyên nhân, các biện pháp chăn nuôi. Được sự giới thiệu, hỗ trợ của người quen, anh Nhân thay giống dê hiện tại sang dê Boer, với nhiều ưu điểm nổi bật đã giúp việc chăn nuôi của gia đình anh Nhân cải thiện đáng kể.
Anh Võ Hữu Nhân – người đi đầu nuôi de Boer ở xã Phú Xuân
Anh Nhân cho biết, giống dê lai Boer có sức đề kháng cao, ít bệnh và tầm vóc cao hơn rất nhiều so giống dê cỏ địa phương. Lựa chọn giống dê để vỗ béo nên chọn những con có ngoại hình khỏe mạnh, vạm vỡ, 4 chân vững, nhanh nhẹn, có bộ lông bóng mượt.
Đặc biệt, nuôi dê Boer chi phí đầu tư không nhiều, dê lớn nhanh, cho sản lượng thịt lớn, năng suất cao nên người nuôi nhanh thu hồi được vốn. Dê Boer cũng khá mắn đẻ, giá cao, đầu ra ổn định, thị trường tiêu thụ mạnh. Sau khi lai tạo giống, đàn dê Boer của gia đình có lợi nhuận cao hơn so với chăn nuôi các giống dê thông thường.
Một trong những ưu điểm khác của giống dê Boer là chúng ăn tạp, dễ nuôi, khả năng kháng bệnh cao, sinh sản nhanh. Bên cạnh đặc tính dễ ăn thì chúng còn dễ nhân đàn. Thức ăn cho dê Boer rất đa dạng gồm các loại cây bụi, cỏ trồng, cỏ mọc tự nhiên… Dù dễ nuôi, nhưng loại động vật này cũng xuất hiện các loại bệnh, như: Tiêu chảy, chướng bụng đầy hơi, bệnh viêm vú… Nếu không phát hiện và điều trị kịp thời, có thể ảnh hưởng đến số lượng đàn vật nuôi.
Dê nhanh lớn, sau 7 tháng có thể đạt trọng lượng khoảng 40 kg/con. Giá bán dê thịt dao động từ 115.000 – 120.000 đồng/kg, dê vỗ béo (2,5 tháng trở lên) từ 150.000 – 160.000 đồng/kg (15 – 16 kg/con), trọng lượng từ 32 – 35 kg/con. Mỗi năm, anh Nhân bán được 100 con dê thịt và dê giống các loại, qua đó mang lại thu nhập khả quan cho gia đình.
Ứng dụng men sinh học
Nhằm giúp người chăn nuôi tiếp cận với tiến bộ kỹ thuật mới về giống dê thịt và ứng dụng quy trình kỹ thuật nuôi dê thịt an toàn sinh học. Trung tâm Khuyến nông phối hợp Trạm Khuyến nông huyện Phú Tân hỗ trợ, trình diễn mô hình nuôi dê sử dụng chế phẩm sinh học EM (EM tỏi) trên đàn dê của anh Võ Hữu Nhân. Qua trình diễn mô hình đã giúp người chăn nuôi tiếp cận với các tiến bộ kỹ thuật trong chăn nuôi dê thịt, như: Con giống, quy trình chăm sóc, nuôi dưỡng, ứng dụng chế phẩm sinh học…
Kỹ thuật nuôi ứng dụng chế phẩm sinh học EM (EM tỏi) bổ sung trong khẩu phần ăn nhằm giúp tăng cao sức đề kháng, hỗ trợ tiêu hóa, giúp dê hấp thu thức ăn tốt. Từ đó, giúp người nuôi giảm chi phí điều trị bệnh cho dê và nâng cao hiệu quả sử dụng thức ăn, giảm hệ số thức ăn FCR. Sử dụng chế phẩm sinh học phòng bệnh sẽ đảm bảo sản phẩm thịt an toàn, không có tồn dư lượng kháng sinh, hóa chất. Dê sử dụng chế phẩm sinh học giúp giảm mùi hôi của phân, góp phần đảm bảo môi trường chăn nuôi thân thiện, hướng tới chăn nuôi bền vững, phù hợp với quá trình xây dựng nông thôn mới tại địa phương.
Mô hình giúp người chăn nuôi tiếp cận tiến bộ kỹ thuật mới về giống dê thịt và ứng dụng quy trình kỹ thuật nuôi dê thịt an toàn sinh học. Anh Nhân được hướng dẫn quy trình kỹ thuật làm chuồng trại sạch, khô ráo, trang bị mùng chống muỗi. Thức ăn cho dê chủ yếu là thức ăn xanh từ cỏ voi, rau muống. Đồng thời, sử dụng chế phẩm sinh học EM gốc để ủ EM tỏi bổ sung vào thức ăn, giúp tăng sức đề kháng, hỗ trợ tiêu hóa, giảm chi phí điều trị bệnh…
Cùng với sử dụng chế phẩm sinh học trong chăn nuôi, Trạm Khuyến nông huyện Phú Tân còn kết hợp nuôi trình diễn 3 con dê giống Boer lai. Kết quả, sau 154 ngày, dê tăng trọng hơn 36 kg/con. Mô hình được đánh giá hiệu quả khi sử dụng chế phẩm sinh học phòng bệnh, đảm bảo sản phẩm thịt an toàn, không có tồn dư lượng kháng sinh, hóa chất. Qua đó, khuyến khích người chăn nuôi mạnh dạn áp dụng những tiến bộ kỹ thuật mới.
Nhờ chịu khó tìm tòi, đến nay, anh Nhân đã nắm được nhiều bí quyết nuôi dê và trở thành người tiên phong phát triển mô hình nuôi dê lai Boer vỗ béo ở địa phương. Hiện, nhiều hộ nông dân trên địa bàn xã Phú Xuân tiến hành xây dựng chuồng trại và nuôi dê Boer. Anh Nhân cho biết, anh sẵn sàng hướng dẫn kỹ thuật cho người muốn khởi nghiệp từ mô hình nuôi dê Boer.
Đức Toàn
Nguồn: Báo An Giang