Phát triển gen vật nuôi bản địa

(Người Chăn Nuôi) – Trước thực trạng nhiều giống vật nuôi có nguồn gốc bản địa chất lượng và giá trị kinh tế cao nhưng bị suy thoái, mai một, thậm chí có nguy cơ biến mất, thời gian qua, các địa phương tại Thanh Hóa đã tập trung triển khai thực hiện các giải pháp lưu giữ nguồn gen gốc, nhân giống và phát triển giống vật nuôi bản địa.

Hồi phục giống vịt bầu Thanh Quân

Vịt bầu Thanh Quân (Như Xuân) là giống thủy cầm đặc sản tại huyện Như Xuân. Đây là giống vịt có tầm vóc trung bình, đầu hình chữ nhật, thân mình dài, cổ ngắn vừa phải, bụng rộng, có sức chống chịu bệnh cao…; trọng lượng khi xuất bán 2,2 – 2,7 kg/con. Nhờ những ưu điểm đó, vịt bầu Thanh Quân đáp ứng tốt thị hiếu của thị trường, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân địa phương và cao gấp 1,5 lần so giống vịt khác. Tuy nhiên, hiện nay, vịt bầu Thanh Quân đang có nguy cơ mất dần nguồn gen do người dân chăn nuôi theo phương thức lạc hậu, lai tạp giống vịt bản địa với giống vịt ngoại. Bên cạnh đó, sự giao phối cận huyết trong đàn đã làm suy giảm đặc tính vốn có của loài; Quy mô chăn nuôi nhỏ, chưa gắn với ấp nở để duy trì và phát triển đàn, đầu ra của sản phẩm chưa ổn định… Hiện nay, số lượng vịt giống trên địa bàn không nhiều, chỉ còn khoảng hơn 1.000 cá thể; Các xã còn duy trì được số lượng đàn tương đối là Thanh Xuân, Thanh Phong.

vịt bầu thanh quân

Vịt bầu Thanh Quân là loài vật nuôi mang lại giá trị kinh tế cao

Để phục hồi nguồn gen vật nuôi quý hiếm này, huyện Như Xuân đã giao nhiệm vụ cho các xã tích cực tuyên truyền cho người dân về tầm quan trọng của việc gìn giữ giống vật nuôi bản địa. Bên cạnh đó, tập trung tuyển chọn đàn vịt bầu giống gốc để tiến hành quản lý, nhân giống và sản xuất trứng, cung ứng cho người chăn nuôi. Các hộ dân được tham gia tập huấn quy trình kỹ thuật chăn nuôi, phòng trừ dịch bệnh; Hướng dẫn về kỹ thuật xây dựng chuồng trại, phù hợp với điều kiện khí hậu cho vật nuôi phát triển; Công tác phòng trừ dịch bệnh được quan tâm thực hiện hàng đầu, hướng dẫn vệ sinh chuồng trại, tiêm phòng các bệnh theo quy trình chăn nuôi… Đồng thời, hỗ trợ người dân, cơ sở chăn nuôi quảng bá sản phẩm đặc sản của địa phương, tạo ra sản phẩm hàng hóa chủ lực, đặc trưng riêng của huyện.

 

Lưu giữ giống bản địa

Thanh Hóa hiện có trên 2,16 triệu con vật nuôi có nguồn gốc bản địa, gồm các loại gà ri, vịt Cổ Lũng, heo mán, vịt bầu cổ xanh, heo lòi, dê… Các địa phương trên địa bàn tỉnh đã chủ động xây dựng và triển khai các dự án, đề án khôi phục và phát triển, có các cơ chế, chính sách hỗ trợ để khuyến khích người dân bảo tồn nhân rộng các vật nuôi có nguồn gốc bản địa.

Đại diện Chi cục Chăn nuôi và Thú y Thanh Hóa cho biết, việc phát triển vật nuôi bản địa đã và đang là giải pháp hữu hiệu góp phần xóa đói, giảm nghèo, nâng cao thu nhập cho người dân, nhất là người dân ở khu vực miền núi. Để gìn giữ giống vật nuôi có nguồn gốc bản địa, các địa phương trên địa bàn tỉnh đã chủ động thực hiện các giải pháp thông qua các dự án, đề án khôi phục và phát triển, từ đó có các cơ chế, chính sách hỗ trợ để khuyến khích người dân nhân rộng mô hình. Cùng đó, tích cực xây dựng những chương trình nghiên cứu tổng thể về nguồn gen, mức độ di truyền, nâng cao chất lượng sản phẩm… Khuyến khích thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã nuôi con bản địa để hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi; Liên kết sản xuất, tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm… Đồng thời, tập trung phát triển các mô hình chăn nuôi bằng thảo dược để tạo ra các sản phẩm sạch, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Các địa phương cần hướng tới xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý cho những sản phẩm có nguồn gốc bản địa để hỗ trợ và thúc đẩy tiêu thụ, nâng cao hiệu quả kinh tế cho đàn vật nuôi…

Ngày 4/12/2020, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Quyết định số 5203/QĐ-UBND về việc phê duyệt Đề án Khung nhiệm vụ khoa học và công nghệ về quỹ gen tỉnh Thanh Hóa trong giai đoạn 2021 – 2025. Theo đó, một số nguồn gen cần được ưu tiên nghiên cứu, bảo tồn, khai thác phát triển trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa trong giai đoạn 2021 – 2025 với lĩnh vực chăn nuôi là: Vịt trặc Nhật là giống vịt quý trên địa bàn huyện Thạch Thành, thịt thơm ngon, trước kia dùng để tiến vua. Các giống vật nuôi bản địa: Vịt Cổ Lũng ở huyện Bá Thước, vịt Cổ xanh, vịt Thanh Quân; Gà H’Mông, gà Tè (gà ri lùn), gà Lôi; Ngan Ré, ngan trâu; Heo ỉ Thanh Hóa; Bò Vàng Thanh Hóa; Trâu ngố, trâu ré; Dê cỏ… Một số nhiệm vụ thực hiện theo quyết định này với lĩnh vực giống chăn nuôi đó là: Phục tráng 3 giống gia cầm: Vịt Thanh Quân, vịt Cổ xanh và gà H’Mông tại tỉnh Thanh Hóa. Phát triển, bảo tồn nguồn gen Gà lôi (Lophura nycthemera) phục vụ phát triển kinh tế địa phương. Bảo tồn, lưu giữ và khai thác 3 nguồn gen: Hươu sao (Cervusnippon), nhím (Hystrix hodgsoni), heo rừng (Sus crofa).

>> Trong Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn 2045 được Chính phủ phê duyệt, cũng đề cập đến việc ngân sách Nhà nước sẽ ưu tiên đầu tư cho phát triển hạ tầng kỹ thuật phục vụ nghiên cứu, đào tạo nguồn nhân lực; Nâng cao năng lực quản lý ngành chăn nuôi, thú y; Kiểm soát dịch bệnh, vệ sinh an toàn thực phẩm; Bảo tồn và phát triển nguồn gen giống vật nuôi bản địa, quý, hiếm; Dự trữ sản phẩm chăn nuôi thiết yếu phù hợp với từng thời kỳ.

Hải Lý

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *