(Người Chăn Nuôi) – Pháp, nước xuất khẩu gia cầm lớn tiên phong tiêm phòng cúm gia cầm độc lực cao, đang đạt được tiến bộ trong tiêm phòng đàn vịt nhưng phải hứng chịu phản ứng dữ dội trên thị trường quốc tế.
Chi 100 triệu Euro
Pháp đang thực hiện một phần chiến dịch tiêm phòng cúm gia cầm độc lực cao (HPAI) H5N1, trong đó sẽ có 64 triệu con vịt được tiêm phòng trong suốt một năm với chi phí lên đến 100 triệu Euro (108,9 triệu USD). Được biết, mục tiêu của chiến dịch tiêm chủng cúm gia cầm đợt này là giống vịt Muscovy Mulard và Pekin.
Pháp đã phải hứng chịu liên tiếp 5 cuộc khủng hoảng HPAI từ năm 2015 đến 2022 và luôn dẫn đầu châu Âu về quy mô các đợt bùng phát. Trong khoảng thời gian 2021 – 2022, Pháp ghi nhận 1.400 đợt bùng phát HPAI và tiêu hủy hơn 22 triệu gia cầm. Theo thống kê, dịch cúm tác động nghiêm trọng đến ngành chăn nuôi gia cầm của cả nước, gây tổn thất lớn đến thương mại và kinh tế, kéo theo tâm lý hoang mang lo sợ bao trùm người nông dân.
Các nhà sản xuất gia cầm, chủ yếu là các tổ chức thành viên của họ, đang chịu 15% chi phí ứng phó dịch bệnh, phần còn lại do chính phủ chi trả. Đặc biệt, giới chức ngành nông nghiệp Pháp đang hỗ trợ tài chính cho chiến dịch quản lý liều vaccine HPAI lần 2, gồm các chi phí liên quan đến hậu cần và nhân lực tiêm vaccine.
Giới chức nông nghiệp Pháp nhấn mạnh: Nếu trại nuôi không tuân thủ chương trình tiêm chủng sẽ bị xử phạt hành chính hoặc hình sự.
Thay đổi cách tiếp cận
Các đợt bùng phát HPAI đã xảy ra ở quy mô chưa từng có trên phạm vi toàn cầu. Trong tháng 5/2023, các đại biểu tham dự phiên họp chung của Tổ chức Thú y thế giới đã nhận định rằng các biện pháp kiểm soát thông thường, chẳng hạn như an toàn sinh học, tiêu hủy hàng loạt và hạn chế vận chuyển, không còn phát huy tác dụng ngăn chặn thành công sự lây lan của virus HPAI như trước đây.
Pháp thay đổi lập trường và cách tiếp cận quản lý dịch bệnh HPAI chỉ một năm sau khi Hội đồng châu Âu (EC) thông qua các quyết sách về phát triển chiến lược tiêm chủng như một công cụ bổ sung để kiểm soát và phòng ngừa HPAI.
Pháp đang thực hiện chiến dịch tiêm phòng trên toàn quốc, trừ đảo Corsica nằm ở phía Tây Địa Trung Hải. Giới chức ngành nông nghiệp đặc biệt chú ý đến các khu vực có nguy cơ lây lan dịch bệnh hoặc nguy cơ xuất hiện các đợt dịch mới.
Tất cả những trại nuôi vịt hoặc ngỗng để lấy thịt hay gan béo với quy mô trên 250 con bắt buộc phải tiêm vaccine phòng ngừa dịch bệnh. Nếu trại nuôi không tuân thủ chương trình tiêm chủng sẽ bị xử phạt hành chính hoặc hình sự.
Những trại nuôi vịt ấp trứng hoặc sản xuất vịt/gà con một ngày tuổi cho thị trường nội địa Pháp sẽ tham gia chiến dịch tiêm phòng tự nguyện. Gia cầm được xuất khẩu sang châu Âu hoặc nước thứ 3 không được tiêm phòng. Gia cầm đã tiêm phòng, sau khi giết mổ, có thể bán cho người tiêu dùng.
Hai loại vaccine đã được cấp phép tạm thời trong chiến dịch tiêm phòng HPAI gồm Volvac B.E.S.T. AI + ND do Công ty Boehringer Ingelheim Animal Health France sản xuất và vaccine CEVA Response AI H5 do Ceva Sante Animal sản xuất.
Giám sát và truy xuất nguồn gốc
Chương trình tiêm phòng luôn đi kèm giám sát thụ động và chủ động sau tiêm ngay tại trang trại nhằm phát hiện sớm các trường hợp tiêm phòng không thành công, hoặc các trường hợp nhiễm chủng HPAI mới có khả năng vô hiệu hóa vaccine.
Các hộ chăn nuôi gia cầm được khuyến nghị cảnh giác với với sự xuất hiện của các triệu chứng bệnh hoặc xác chim hoang dã hoặc gia cầm, đồng thời phải khai báo với bác sĩ thú y. Tương tự, bất kỳ hành vi bất thường của gia cầm cũng phải được thông báo kịp thời. Cùng với giám sát thụ động, giám sát chủ động cũng được thực hiện nhằm phát hiện sự lây lan virus ở bất kỳ mức độ nào. Đi cùng chiến lược giám sát sau tiêm vaccine là kế hoạch truy xuất nguồn gốc của gia cầm được tiêm phòng.
Gia cầm đã được tiêm phòng có thể vận chuyển trong phạm vi nước Pháp nếu kết quả giám sát thụ động và chủ động đều âm tính. Theo thống kê mới nhất, trong 19 ngày đầu tháng 10/2023, Pháp đã tiêm liều vacicne đầu tiên cho 7 triệu con vịt và 3,5 triệu con đã được tiêm liều thứ 2. Tuy nhiên, chính phủ vẫn tuyên truyền các chiến dịch tiêm phòng không thay thế các biện pháp phòng chống dịch cúm gia cầm, mà chỉ là biện pháp bổ sung để ngăn chặn dịch bệnh lây lan.
Mặc dù không tiêm chủng cho những con gia cầm xuất khẩu, những nỗ lực bổ sung vaccine để ngăn chặn HPAI của Pháp vẫn chưa được các nước khác hoan nghênh. Mỹ ngay lập tức ban hành lệnh hạn chế đối với nhập khảu gia cầm từ Pháp gồm vịt sống, trứng vịt và sản phẩm làm từ thịt vịt chưa qua xử lý từ Khu vực Thương mại gia cầm châu Âu (thành viên của châu Âu và Bắc Ireland), cũng như Iceland, Thụy Sĩ, Liechtenstein và Na Uy. Canada và Nhật Bản cũng có lập trường tương tự đối với hàng xuất khẩu của Pháp.
Tuấn Minh
Tổng hợp