Với mức chi phí đầu tư thấp và tận dụng được các chế phẩm nông nghiệp, anh Hoàng Quốc Huy (33 tuổi, xã Mỹ Đức, huyện Đạ Tẻh, tỉnh Lâm Đồng) “bén duyên” với nghề nuôi thỏ NewZealand trong gần 3 năm qua. Mạnh dạn đầu tư chuồng trại, nhân giống và tích lũy kinh nghiệm chăm sóc, đến nay, mô hình nuôi thỏ trở thành nguồn thu nhập chính trong gia đình.
Dẫn chúng tôi vào tham quan chuồng trại nuôi thỏ Newzealand theo quy mô chăn nuôi khép kín bài bản, anh Hoàng Quốc Huy kể rằng, suốt mấy chục năm bươn chải kiếm sống khắp nơi, với đủ các loại nghề mà cuộc sống gia đình anh vẫn còn nhiều chật vật, lo toan, lúc nào cũng trong cảnh thiếu trước hụt sau. Chính vì lẽ đó, anh luôn suy nghĩ, trăn trở tìm nhiều nghề phù hợp với hy vọng giúp cuộc sống gia đình đỡ khổ cực hơn.
Nhờ mạnh dạn đầu tư và tích lũy kinh nghiệm, mô hình nuôi thỏ của anh Huy mang lại thu nhập cao cho gia đình
Khi biết mô hình nuôi thỏ thương phẩm từ người bạn cùng thôn cho hiệu quả cao, anh Huy bắt đầu “công cuộc” tìm hiểu về cách nuôi, giá thành và nhu cầu thiết yếu của người tiêu dùng… Càng tìm hiểu, anh càng nhận thấy thỏ là con vật không quá khó nuôi, chỉ cần người nuôi chăm sóc kỹ lưỡng, cẩn thận là sẽ đảm bảo sức khỏe cho thỏ phát triển. Cùng với đó, chi phí đầu tư thấp, nguồn thức ăn đơn giản, thỏ sinh trưởng nhanh và thị trường tiêu thụ ổn định nên anh Huy quyết định đầu tư, phát triển nuôi thỏ.
Như dự tính, vào năm 2019, anh tiến hành xây dựng chuồng trại, mua giống và xác định nhân giống ngay từ ban đầu với số lượng vài chục con. Cứ thế mở rộng diện tích, đến nay, trên khuôn viên gần 400 m2, gia đình anh Huy đã làm 2 khu chuồng trại với kết cấu gồm các dãy được phân chia thành các ô vuông để dễ dàng chăm sóc đàn thỏ. Để dễ quản lý và chăm sóc, trên mỗi ô, anh đều đánh dấu theo dõi thời gian sinh trưởng, phát triển của thỏ. Hàng ngày, anh vệ sinh chuồng trại để tạo thông thoáng, sạch sẽ.
Từ vài chục con thỏ bố mẹ ban đầu, đến nay, anh Huy đã nhân đàn thỏ của mình lên đến 1.000 con, trong đó có khoảng 100 con thỏ mẹ sinh sản, số còn lại là thỏ con và thỏ thương phẩm. Qua tìm hiểu, thỏ thuộc loài gặm nhấm nên nuôi dễ thành công nếu nắm vững các kỹ thuật cơ bản. Thỏ ăn không nhiều, thức ăn chủ yếu là cỏ, các loại rau xanh. Người nuôi chỉ cần cho thỏ ăn vào buổi sáng và buổi tối. Nếu cho ăn nhiều, thỏ chỉ nhai rồi bỏ. Lượng cỏ cho mỗi con thỏ bước vào giai đoạn sinh sản mỗi lần ăn khoảng 1 nắm tay. Nếu không có thời gian cắt cỏ cho thỏ ăn, có thể cho chúng ăn thức ăn dùng để nuôi heo. Tuy nhiên, phải đảm bảo cho thỏ uống đủ nước sạch, ăn cỏ sạch. Bên cạnh đó, khu vực nuôi thỏ cần thoáng mát, giữ cho thỏ không bị lạnh và nắng nóng… Đặc biệt, đối với thỏ nuôi nhân giống, nên chú ý không để thỏ phối giống trùng huyết, nếu phối giống trùng huyết thỏ con sẽ chết, hoặc nuôi không đạt yêu cầu. Thỏ đực và thỏ cái phải nuôi riêng trước và sau khi phối giống. Nuôi thỏ nái cần ghi sổ nhật ký để biết ngày cho phối giống, để máng cho thỏ đẻ và ngày cai sữa thỏ con. Việc tiêm vắc xin cho thỏ cũng phải được chú ý hàng đầu, bởi đặc tính của thỏ NewZealand thường không chịu được nóng.
Cũng theo anh Huy, mỗi năm, thỏ mẹ sinh sản 6 – 8 lứa/năm, mỗi lứa trung bình từ 7 – 8 con. Thỏ con được 1 tháng tuổi thì có thể tách mẹ để nuôi thương phẩm. Sau khoảng 3 tháng nuôi, thỏ đạt trọng lượng từ 2 – 2,5 kg là có thể xuất bán. Riêng đầu năm 2021, anh Huy đã xuất bán cho các thương lái, đầu mối nhà hàng và người dân trên địa bàn huyện 400 con với giá 75.000 đồng/kg. Sau khi trừ các chi phí, mỗi tháng anh Huy thu lợi nhuận 20 triệu đồng.
“Hiện nay, nhu cầu tiêu thụ thỏ thương phẩm của các nhà hàng trên địa bàn huyện là khá lớn, trong khi đó, trại của gia đình tôi chỉ đáp ứng một số lượng nhất định, có những lúc không đủ để mình giao cho khách. Tuy nhiên, thời điểm này do bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 nên số lượng hàng đi không được nhiều như đợt trước, nhưng nếu với mô hình này về lâu dài, tôi nghĩ đây sẽ là cách phát triển kinh tế mà bất kể một hộ gia đình nào cũng có thể hướng đến và trở thành nguồn thu nhập kinh tế lâu dài”, anh Huy nói.
Cùng với việc hỗ trợ cho người dân trên địa bàn xã phát triển kinh tế bền vững, thời gian qua, xã Mỹ Đức cũng đã dành nhiều chính sách để người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp. Ông Nguyễn Hữu Tiệp – Chủ tịch Hội Nông dân xã Mỹ Đức cho biết: Hiện nay, nông dân trên địa bàn xã cũng đã có nhiều cách làm và cách chuyển đổi để mang lại thu nhập cao. Trong đó, mô hình nuôi thỏ thương phẩm của gia đình anh Hoàng Quốc Huy được biết đến là mô hình nuôi hoàn toàn mới tại địa phương, qua đó đã góp phần mở ra hướng đi mới cho người chăn nuôi trên địa bàn xã Mỹ Đức. Nhận thấy rõ được hiệu quả phát triển kinh tế từ nuôi thỏ của gia đình anh Huy, địa phương cũng đã khuyến khích bà con tìm đến học tập để có hướng đi mới cho việc chăn nuôi về sau. Tuy nhiên, để bà con trong vùng mạnh dạn đầu tư, chăn nuôi thỏ, cần phải có thời gian để tuyên truyền và hỗ trợ.
Thân Hiền
Nguồn: Báo Lâm Đồng