“Nghĩ lớn” nhưng chưa thể “làm lớn”
Trước đây, anh Vũ Mạnh Hiểu, xã Đoan Hùng, huyện Hưng Hà (Thái Bình) chủ yếu nuôi bò theo phương thức truyền thống với số lượng ít. Tuy nhiên, với hệ thống chuồng trại và kỹ thuật chăn nuôi cũ nên hiệu quả kinh tế mang lại không cao. Sau khi tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm từ các hội nhóm trên mạng xã hội, anh Hiểu quyết định chuyển sang nuôi bò 3B thương phẩm theo hướng hiện đại. Anh cho biết: Khi triển khai mô hình, tôi được Hội Nông dân xã hỗ trợ về vốn, chuyển giao khoa học kỹ thuật nên mô hình duy trì khá ổn. Trên diện tích gần 4ha với chuồng trại đạt tiêu chuẩn, tôi nuôi 100 con bò giống, bò thương phẩm và trồng thêm cỏ ngọt để chủ động nguồn thức ăn. Trung bình mỗi năm tôi xuất bán khoảng 30 tấn bò thương phẩm, thu lãi khoảng 500 triệu đồng.
Anh Vũ Mạnh Hiểu, xã Đoan Hùng (Hưng Hà) mong muốn mở rộng quy mô nuôi bò 3B thương phẩm.
Nhưng với khát khao làm giàu, anh Hiểu nghĩ đến việc mở rộng diện tích, xây dựng kho chứa và thành lập HTX. Cách đây 4 năm anh đã được tuyên truyền, hướng dẫn về tích tụ ruộng đất để sản xuất nông nghiệp quy mô lớn theo hướng hàng hóa. Nhưng khi bắt tay vào làm thì không hề dễ dàng bởi nguồn vốn vay từ quỹ hội nông dân hạn chế nên việc mở rộng mô hình khá khó khăn.
“Tôi nhận thấy tại các tỉnh khác, nhiều hộ đã liên kết với nhau thành lập HTX. Điều này vừa giúp việc kinh doanh trở nên thuận lợi, ổn định vừa giúp cho việc mua bán con giống đầu vào giá tốt hơn. Điều băn khoăn nhất hiện tại là chúng tôi chưa nắm rõ được thủ tục, quy định cụ thể của pháp luật trong tích tụ ruộng đất. Tôi mong muốn có văn bản hướng dẫn cụ thể để nắm được những điều kiện, quy trình thành lập HTX. Bên cạnh đó, để mở rộng quy mô chăn nuôi theo hướng chuyên nghiệp, ứng dụng công nghệ hiện đại đòi hỏi nguồn vốn đầu tư rất lớn. Chúng tôi cũng mong sẽ được sự đồng hành, hỗ trợ của các cấp hội nông dân và các cơ quan liên quan. Hy vọng thời gian tới sẽ có nhiều chương trình hội thảo, tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật phù hợp với quy mô sản xuất lớn để chúng tôi bổ sung kiến thức, kinh nghiệm” – anh Hiểu chia sẻ.
Cũng có tư duy “nghĩ lớn, làm lớn” như anh Hiểu, anh Đào Văn Vạn, xã An Thanh (Quỳnh Phụ) gặp khó khi mở rộng trang trại. Theo anh Vạn, từ năm 2003, gia đình đã chuyển đổi khoảng 2 mẫu ruộng để xây dựng trang trại nuôi lợn, thủy sản. Từ khi triển khai mô hình, anh Vạn đã mong muốn nuôi số lượng lớn nhưng không thể thực hiện.
Mô hình sản xuất phân trùn quế của hội viên nông dân Phạm Phú Diệp, xã Thụy Việt, huyện Thái Thụy.
“Diện tích không thể mở rộng cùng với những ảnh hưởng từ dịch bệnh, giá cả khiến chúng tôi không thể đầu tư làm lớn hơn. Hiện tại tôi chỉ có thể duy trì nuôi hơn 100 con lợn thịt và lợn nái, mỗi năm xuất bán khoảng 4 tấn lợn thịt. Giá thức ăn chăn nuôi, vật tư nông nghiệp tăng thì lãi không còn nhiều” – anh Vạn chia sẻ.
Ông Đào Văn Luật, Chủ tịch Hội Nông dân xã An Thanh cho biết: Hiện nay, khu chuyển đổi của xã có khoảng 35 – 40 hộ tham gia phát triển các mô hình chăn nuôi tổng hợp với tổng diện tích khoảng 37ha. Tuy nhiên, các mô hình vẫn còn nhỏ lẻ do khó khăn về vốn, kinh phí đầu tư và diện tích hẹp. Hy vọng trong thời gian tới Hội Nông dân tỉnh, Hội Nông dân huyện sẽ tiếp tục hỗ trợ, tạo điều kiện để hội viên được tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi, mở rộng quy mô, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất.
Đồng hành cùng nông dân
Ông Lê Hồng Sơn, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Thái Bình cho biết: Nhiều nông dân Thái Bình hiện nay có tư duy rất hiện đại, nhạy bén với thời cuộc. Cùng với sự chăm chỉ, chịu khó, dám nghĩ, dám làm, nhiều nông dân đã mạnh dạn đưa mô hình mới về, mang lại hiệu quả cao. Từ đó tạo nên một thế hệ nông dân mới có tri thức, năng động, sáng tạo. Tuy nhiên, trong quá trình vươn lên làm giàu từ nông nghiệp, nông dân sẽ khó tránh khỏi những rủi ro, khó khăn trước nhiều yếu tố tác động như thiếu vốn sản xuất, thiếu kinh nghiệm và kiến thức khoa học kỹ thuật, không có diện tích đất để đầu tư trên quy mô lớn, sản phẩm làm ra chịu cảnh “được mùa mất giá”, “được giá mất mùa”… Vì vậy, hội nông dân các cấp sẽ luôn đồng hành, tạo mọi điều kiện để hội viên phát triển sản xuất, chăn nuôi hiệu quả thông qua các hoạt động tín chấp cho vay vốn, chuyển giao khoa học kỹ thuật… Nghị quyết Đại hội đại biểu Hội Nông dân tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2023 – 2028 đã đề ra rất nhiều mục tiêu cụ thể nhằm mang lại lợi ích cho nông dân, chú trọng đến phát triển kinh tế tập thể. Trong đó, hội nông dân các cấp sẽ phối hợp đào tạo, bồi dưỡng nghề cho 15.000 hội viên trở lên; hỗ trợ ít nhất 5.000 hộ nông dân có tài khoản trên sàn thương mại điện tử; hỗ trợ thành lập mới 50 tổ hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp và 10 HTX nông nghiệp; phấn đấu hội nông dân mỗi huyện, thành phố sẽ thành lập được 1 CLB nông dân xuất sắc. Những mục tiêu đã đề ra sẽ tạo đòn bẩy giúp nông dân vươn lên phát triển mô hình quy mô lớn, hiệu quả kinh tế cao hơn. Bên cạnh đó, thời gian qua, Hội Nông dân tỉnh cũng đã tổ chức ra mắt CLB nông dân xuất sắc tỉnh Thái Bình nhằm tạo diễn đàn cho hội viên, nông dân có điều kiện trao đổi, học hỏi và tiếp thu tiến bộ khoa học kỹ thuật, kinh nghiệm, cách làm hay, sáng tạo trong sản xuất, kinh doanh, chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Thông qua hoạt động của CLB sẽ thúc đẩy phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, kinh tế gia trại, trang trại, kinh tế hợp tác, xây dựng thương hiệu sản phẩm. Tuy nhiên, để nông dân thành công khi “nghĩ lớn, làm lớn”, ngoài sự hỗ trợ của tổ chức hội, sự vươn lên của chính bản thân người nông dân, rất cần sự hỗ trợ của các cấp, các ngành tháo gỡ khó khăn giúp hội viên, nông dân hiện thực hóa khát vọng làm giàu, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh.
Nguyễn Triệu
Nguồn: Báo Thái Bình