Thời điểm này, người chăn nuôi Hà Tĩnh đang tập trung chăm sóc đàn bò để xuất bán đúng dịp cuối năm, mang về nguồn thu lớn cho gia đình.
Anh Nguyễn Duy Cảnh (xã Bình An, Lộc Hà) đang chuẩn bị xuất bán 6 con bò lai trọng lượng từ 400 – 550 kg/con cho thương lái. Dự tính, đợt xuất chuồng này sẽ thu về khoảng 250 triệu đồng.
Anh Nguyễn Duy Cảnh xuất bán 6 con bò lai trọng lượng từ 400 – 550 kg/con cho thương lái dịp cuối năm.
Anh Cảnh cho hay, trong một năm, với quy trình chăm sóc cơ bản thì bò lai có trọng lượng lớn, vóc dáng đẹp, chất lượng và tỷ lệ thịt tốt hơn bò cỏ, do vậy mà xuất bán khá dễ dàng, được giá nhất là vào dịp cận tết.
Xã Bình An là địa phương có tổng đàn chăn nuôi bò lớn, nhất là bò lai thương phẩm. Vào dịp gần tết là cao điểm tiêu thụ của bà con nông dân.
Ông Đậu Ngọc Tý – Phó Chủ tịch UBND xã Bình An cho biết: “Nhờ áp dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật nên đàn bò trên địa bàn đã cơ bản được lai hóa. Cùng với đó, bà con nông dân cũng chú trọng đầu tư cải tạo chuồng trại, sử dụng thức ăn công nghiệp chất lượng, kỹ thuật nuôi tiên tiến, đáp ứng ngày càng cao nhu cầu của thị trường. Hiện nay, tổng đàn bò của địa phương đạt hơn 1.100 con và dự kiến sẽ xuất bán khoảng 400 – 450 con trong đợt tết năm nay, đem lại nguồn thu nhập lớn cho bà con”.
Mô hình nuôi nhốt để vỗ béo bò với quy mô lớn đang được nhiều địa phương thực hiện đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Trong khi đó, nhiều bà con nông dân ở Can Lộc cũng đang tích cực vỗ béo đàn bò để nhập cho thương lái vào giữa tháng 1 tới đây.
Anh Nguyễn Văn Trạch (xã Thượng Lộc, Can Lộc) cho hay: “Thời gian qua, tôi rất chú trọng đầu tư để phát triển đàn bò có tỷ lệ thịt cao, tăng cân nhanh. Đồng thời, gia đình đã trồng thêm cỏ voi và ngô, thu mua rơm rạ của các hộ trong vùng sau mỗi vụ thu hoạch lúa, tích vào kho dự trữ để làm thức ăn cho đàn bò vào mùa đông. Trong dịp tết Nhâm Dần này, tôi sẽ xuất đi khoảng 10 con với giá bán trung bình từ 15 – 20 triệu đồng/con”.
Đàn bò đạt cân nặng của nhiều hộ dân tại Thượng Lộc đang chờ xuất bán trong thời gian tới.
Anh Phan Công Nhận (xã Thượng Lộc, Can Lộc) cũng phấn khởi vì đàn bò của gia đình đã có thương lái đặt cọc để “giữ” hàng. “Nhờ chủ động tiêm vắc-xin phòng viêm da nổi cục sớm nên đàn bò vượt được “bão” dịch, phát triển khỏe mạnh. Với nông dân như chúng tôi, đây là một nguồn thu lớn, cho một cái tết đủ đầy, ấm cúng”.
Nông dân luôn chủ động thức ăn xanh để đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng cho đàn bò.
Được biết, những năm trở lại đây, tận dụng điều kiện tự nhiên thuận lợi, chăn nuôi bò đang được người dân xã Thượng Lộc quan tâm đầu tư, lựa chọn giống chất lượng cao nên số lượng đàn bò tăng nhanh, đạt gần 2.000 con.
Ông Nguyễn Xuân Diệu – Chủ tịch UBND xã Thượng Lộc cho hay: “Việc lai tạo giống bò 3B với giống bò của địa phương để tạo ra đàn bê lai F1 khỏe mạnh, thích nghi tốt với điều kiện môi trường sống, tăng trọng nhanh, chất lượng thịt tốt. Nhiều mô hình có quy mô lớn từ 30 – 40 con/lứa, mang lại giá trị kinh tế cao cho bà con nông dân, nhất là vào dịp cuối năm. Hiên nay, dịch viêm da nổi cục được kiểm soát tốt nên hoạt động mua bán, vận chuyển, giết mổ bò tại địa phương đang dần sôi động trở lại”.
Theo thông tin từ người chăn nuôi và các thương lái, hiện nay, giá thịt bò hơi đang dao động ở mức 87.000 – 90.000 đồng/kg và sẽ tiếp tục tăng cao từ nay đến tết Nguyên đán do nhu cầu mua bán, giết mổ lớn.
Nhu cầu buôn bán, vận chuyển, giết mổ gia súc dự kiến sẽ tiếp tục tăng cao trong dịp cuối năm.
Ông Phan Quý Dương – Trưởng phòng Quản lý chăn nuôi, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Tĩnh cho biết: “Tổng đàn bò của toàn tỉnh ước đạt gần 169.000 con. Nhờ dịch bệnh được kiểm soát tốt, người dân tăng đàn nên nguồn cung khá dồi dào, đảm bảo cung ứng cho thị trường dịp tết. Trong thời điểm này, người dân cần thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng, chống đói, rét cho đàn gia súc theo hướng dẫn; theo dõi, cập nhật thường xuyên diễn biến thời tiết. Nếu diễn ra rét đậm, rét hại, kèm theo mưa và nhiệt độ dưới 12 độ C thì tuyệt đối không thả rông gia súc, bổ sung thức ăn tinh, tăng cường sưởi ấm.
Thời điểm trước, trong và sau tết Nguyên đán Nhâm Dần, nhu cầu mua bán, vận chuyển gia súc, gia cầm, trong đó có trâu, bò tiếp tục tăng mạnh. Vì thế, khi xuất bán trâu, bò ra ngoại tỉnh, các cơ sở cần báo cho Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh để được kiểm tra và cấp giấy chứng nhận kiểm dịch, tạo điều kiện thuận lợi cho việc lưu thông, tiêu thụ”.
Thái Oanh – Ngọc Loan
Nguồn: Báo Hà Tĩnh