Năm 2015, ông Trần Cao Đệ (62 tuổi, ở thôn Trung Lý, xã Nhơn Phong, TX An Nhơn, tỉnh Bình Định) bắt đầu nuôi gà trên nền đệm lót sinh học. Khi thấy cách thức chăn nuôi này đạt hiệu quả tích cực, ông mở rộng ứng dụng.
Ông Đệ cho biết: Gia trại của tôi rộng 300 m2, thường xuyên nuôi 3.000 con gà thịt/lứa (3 lứa/năm). Để xử lý phân gà, chống ô nhiễm môi trường, tôi sử dụng chế phẩm sinh học trộn trấu làm đệm lót. Cách làm này cho hiệu quả cao, không những đã hạn chế ô nhiễm mà còn thu được một lượng khá lớn phân bón. Từ việc nuôi gà, mỗi năm tôi thu từ 180 – 270 triệu đồng.
Ông Trần Cao Đệ chăm sóc bồ câu Pháp. Ảnh: X. Thức
Cách đây 2 năm, nhận thấy nuôi chim bồ câu Pháp mang lại lợi nhuận khá, ông Đệ mua 40 cặp chim giống, đưa về nuôi trên nền đệm lót sinh học như nuôi gà. Chỉ ít lâu sau đàn bồ câu của ông Đệ phát triển lên đến 300 cặp. Hiện tại mỗi tháng ông xuất bán 150 cặp bồ câu ra ràng (120 nghìn đồng/cặp).
Từ nuôi gà, bồ câu Pháp, ông Đệ lãi từ 300 – 390 triệu đồng/năm. Để chủ động con giống, ông Đệ mua máy ấp, tự sản xuất con giống bồ câu. Ông Đệ cho biết, sang năm 2023 sẽ mở rộng quy mô chuồng trại đủ nuôi 1.000 cặp chim bồ câu Pháp.
Nói về mô hình nuôi gà, bồ câu Pháp trên nền đệm lót sinh học của ông Trần Cao Đệ, ông Trần Đức Thắng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Nhơn Phong, cho biết: Chúng tôi tổ chức cho nhiều hội viên có nhu cầu phát triển kinh tế qua hoạt động chăn nuôi đi tham quan thực tế tại gia trại của ông Đệ bởi đây là một mô hình tốt, được khẳng định trong thực tế. Hội đã phối hợp với ngành chức năng mở 4 lớp đào tạo nghề chăn nuôi cho gần 120 hội viên có nhu cầu. Nhờ đó đến nay, toàn bộ các gia trại chăn nuôi trên địa bàn đều áp dụng kỹ thuật sử dụng đệm lót sinh học để hạn chế ô nhiễm môi trường, nâng cao hiệu quả kinh tế.
Xuân Thức
Nguồn: Báo Bình Định