Ninh Thuận nâng cao chất lượng cừu giống

(Người Chăn Nuôi) – Mặc dù nhiều địa phương trong cả nước có nuôi cừu, tuy nhiên cừu Ninh Thuận được xem là giống cừu đặc trưng duy nhất ở Việt Nam hiện nay. Sản phẩm thịt cừu Ninh Thuận còn được đánh giá là có chất lượng ngon, sạch, đáp ứng yêu cầu thị trường về bổ dưỡng và an toàn vệ sinh thực phẩm.

Cừu Phan Rang

Theo các nhà khoa học, giống cừu Phan Rang được hình thành hơn 100 năm nay, trải qua điều kiện khí hậu nắng nóng gần như quanh năm, dưới sự tác động của chọn lọc tự nhiên và nhân tạo, giống cừu Phan Rang đã thích nghi cao với môi trường sinh thái của tỉnh Ninh Thuận.

Cừu Phan Rang có nguồn gốc từ Ấn Độ, đã du nhập và tồn tại ở Ninh Thuận hơn 100 năm nay, do cộng đồng người Chăm ở địa phương nuôi cừu với mục đích để cúng tế, lễ hội. Từ cuối những năm 1980 đến nay, cừu được nuôi theo hướng hàng hóa, nhiều người đã trở thành tỷ phú nhờ nuôi cừu, không ít người trước đây từ chăn giữ cừu thuê, vươn lên trở thành triệu phú, chủ trang trại chăn nuôi cừu 500 – 1.000 con. Điển hình như nông dân Đạo Thanh Thích, người dân tộc Chăm ở xã Xuân Hải được Hội Nông dân Việt Nam tặng Danh hiệu Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2019. Đàn gia súc của gia đình anh Thích hiện có 200 con cừu nái giống và 50 con bò nái sinh sản. Cơ sở chăn nuôi của anh cung cấp con giống cho thị trường nuôi cừu vỗ béo trên địa bàn huyện Ninh Hải với giá bán cừu giống tại chuồng 120.000 – 140.000 đồng/kg. Theo anh Thích, nuôi cừu có lợi nhuận hơn so một số con vật khác. Bình quân mỗi con cừu cái sẽ sinh sản 1 – 3 con, cứ 2 năm nếu chăm sóc tốt sẽ đẻ được 3 đợt. Sau 6 – 8 tháng nuôi đạt trọng lượng 20 – 30 kg thịt, giá bán dao động 70.000 – 80.000 đồng/kg loại thịt và 85.000 – 100.000 đồng/kg loại cừu vỗ béo, mỗi con trừ chi phí lãi trên 1,5 triệu đồng.

cừu phan rang

Cừu Phan Rang là vật nuôi đã có mặt ở Ninh Thuận từ khá lâu – Ảnh: IE

Tại Ninh Thuận, cừu được nuôi tập trung chủ yếu tại các huyện Bác Ái, Ninh Hải, Thuận Nam, Thuận Bắc. Theo các hộ nuôi cừu ở địa phương, so với bò, dê, cừu là vật nuôi phù hợp nhất ở vùng bán sa mạc nhờ đặc tính chịu đựng được khí hậu khô nóng và thích nghi với nhiều loại thức ăn. Nuôi cừu chi phí đầu tư thấp, dễ nuôi, thời gian nuôi ngắn, giá cừu trong những năm gần đây khá ổn định, thường dao động 90.000 – 130.000 đồng/kg hơi (tùy trọng lượng, cừu đực hay cái).

 

Cải thiện chất lượng con giống

Để nâng cao chất lượng đàn cừu địa phương, tránh tình trạng đồng huyết, từ năm 2003, Trung tâm Khuyến nông Khuyến ngư Ninh Thuận đã nhập 30 con cừu Australia giống Dorper và White Suffolk nhằm mục đích nuôi khảo nghiệm giống mới, chọn lọc lai tạo với cừu Phan Rang, đa dạng hóa nguồn gen. Riêng từ 2020 đến nay, tiếp tục thực hiện mô hình nuôi cừu sinh sản, được Trung tâm Khuyến nông Quốc gia hỗ trợ 144 cừu cái và 4 cừu đực giống, các hộ nuôi đã cho ra đời 85 con cừu lai có sức sống khỏe, ngoại hình đẹp, có thể hình cao hơn hẳn giống cừu địa phương. Trong khuôn khổ dự án, Trung tâm Khuyến nông Khuyến ngư Ninh Thuận đã tổ chức tập huấn kỹ thuật chăn nuôi cừu lai cho 60 hộ nông dân và nhân rộng mô hình cho 120 hộ nông dân khác. Như vậy, giống cừu thuần Phan Rang sau hơn 100 năm in dấu trên xứ nắng đang bước vào giai đoạn lai tạo để phát triển mới, theo quy hoạch đến năm 2020, cừu lai đạt tỷ lệ 60 – 65% tổng đàn.

Theo ông Trương Khắc Trí, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Ninh Thuận, nhằm giúp người chăn nuôi thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao hiệu quả kinh tế, giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030, Ninh Thuận tập trung đẩy mạnh tái cơ cấu ngành chăn nuôi theo hướng tăng các trang trại chăn nuôi tập trung, quy mô lớn gắn với quy hoạch đồng cỏ với mục tiêu phát triển chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với công nghiệp chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Ngành ưu tiên ứng dụng kỹ thuật, công nghệ cao vào chăn nuôi để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm đối với các loại vật nuôi có lợi thế so sánh như cừu, dê, bò. Cụ thể, đối với đối tượng vật nuôi thế mạnh là cừu, đơn vị phối hợp các địa phương tập trung tuyên truyền, chuyển giao ứng dụng khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi, hướng dẫn các hộ chăn nuôi cải tạo đàn bằng phương pháp hoán đổi cừu đực giống giữa các hộ chăn nuôi, giữa các địa phương với nhau nhằm tránh nguy cơ đồng huyết. Đồng thời cho lai tạo giống cừu ngoại như cừu Dorper, cừu White Suffolk để đa dạng hóa nguồn gen, góp phần nâng cao chất lượng đàn cừu của địa phương.

>> Hiện, ở Ninh Thuận có 2 giống cừu chính, gồm: Cừu bản địa Phan Rang có đặc điểm đáng chú ý là đuôi không bao giờ vượt quá khuỷu chân, lông không nhiều và ngắn, thích nghi với điều kiện nắng nóng, khô hạn; Cừu lai là giống lai giữa cừu bản địa với cừu nhập từ Australia, bao gồm 2 giống là Dorper và White Suffolk.

Vân Anh

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *