Hiện nay một số bản làng ở miền Tây xứ Nghệ đang gặp khó khăn trong gây dựng lại giống lợn đen bản địa. Nguyên nhân do trải qua nhiều đợt dịch bệnh và thiên tai, đàn lợn bị chết hàng loạt, ảnh hưởng đến nguồn con giống.
Bản “trắng” lợn đen bản địa
Những ngày cuối tháng 6, ở xã Tà Cạ, huyện biên giới Kỳ Sơn nắng nóng khiến đời sống ở nhiều bản làng thêm khó khăn. Ông Hoa Văn Quyết – Trưởng bản Sa Vang, xã Tà Cạ cho biết, bản không chỉ gặp khó về nguồn nước, mà chăn nuôi, trồng trọt cũng thất bát do thời tiết khắc nghiệt.
“Vụ lúa xuân năm nay của bản Sa Vang năng suất kém và giảm cả về diện tích. Song, điều ảnh hưởng nhiều nhất là hiện nay bản đang gần như mất trắng giống lợn đen bản địa” – ông Quyết lo lắng.
Ông Quyết cho hay, giống lợn đen bản địa ở xã Tà Cạ nói riêng, ở huyện Kỳ Sơn nói chung khá nhỏ, nuôi lâu lớn, song chất lượng thịt lại hơn hẳn các giống lợn khác. “Lợn đen bản địa chủ yếu thả rông quanh khu vực sản xuất. Một số hộ nuôi nhốt, nhưng thức ăn chủ yếu vẫn là rau cỏ, các loại hạt, củ như sắn, ngô… nên nuôi cả năm mới có thể bán.
Bà Moong Thị Mun, một hộ trước đây chuyên nuôi lợn đen bản địa cũng bày tỏ, trước đây cả bản Sa Vang nhà nào cũng nuôi lợn, để đến Tết có thực phẩm đón năm mới. Nhưng đã hơn nửa năm nay, kể từ cuối năm 2022, số lợn đen bản địa của bà con bản Sa Vang chỉ còn đếm trên đầu ngón tay.
Hỏi nguyên nhân, bà Mun trả lời: “Do dịch bệnh”. Nói thêm về điều này, trưởng bản Hoa Văn Quyết cho hay, đợt dịch tả lợn châu Phi cuối năm 2022 đã gần như “quét sạch” số lượng lợn đen của bản Sa Vang. Ngoài ra, mấy năm gần đây, thời tiết diễn biến phức tạp, hết nắng nóng đến giá lạnh, lũ quét khiến gia súc chết nhiều. Thêm vào đó, phong tục thả rông trâu, bò, lợn cũng là nguyên nhân dẫn đến suy giảm về số lượng đàn lợn của người dân.
Riêng gia đình ông Quyết có đàn lợn gần 20 con cũng bị chết hết, nay chuồng bỏ không. Nhiều nhà ở bản Sa Vang lâm vào tình trạng tương tự. Ông Quyết nói thêm, cả bản có hơn 80 hộ, trước đây nhà nào cũng nuôi lợn đen bản địa, nhưng bây giờ chỉ còn 2 hộ còn giữ lại được khoảng 5 con lợn đen giống bản địa. Năm 2023 này dịch bệnh trên đàn lợn vẫn xảy ra rải rác, nguy cơ vẫn còn cao. Các hộ này đang ra sức chăm sóc, vừa lo lợn ốm chết, vừa lo lợn không sinh sản được tiếp thì nguồn giống lợn đen bản địa sẽ bị mất hẳn.
Cán bộ Mặt trận Tổ quốc xã Tà Cạ Moong Văn Đào dẫn chúng tôi vòng qua con đường đất nhỏ, men theo triền núi tầm 4km để đến bản Na Nhu.
Anh Đào cho biết, bản Na Nhu cũng đang chịu chung tình cảnh như Sa Vang, đó là đàn lợn đen hầu như bị chết hết sau đợt dịch tả lợn châu Phi của năm trước. Nay người dân bắt đầu tái đàn, nhưng chủ yếu mua giống lợn trắng ở các huyện miền xuôi để nuôi. “Giống lợn đen bản địa ở Tà Cạ đang khan hiếm, mấy bản gần Na Nhu hiện không có ai bán” – anh Moong Văn Đào cho biết.
Nỗ lực giữ nguồn giống vật nuôi bản địa
Tại xã Mỹ Lý, ở một số bản gần trung tâm như Hoà Lý, Xiềng Tắm, Xằng Trên hiện nguồn cung giống lợn đen bản địa cũng đang khan hiếm. Nguyên nhân chủ yếu vẫn là do thiệt hại sau đợt dịch tả lợn châu Phi từ năm 2019, kéo dài rải rác đến nay.
Cán bộ Phòng Nông nghiệp UBND huyện Kỳ Sơn cho biết, các đợt dịch tả lợn châu Phi từ năm 2020 đến nay vẫn còn âm ỉ, nên người dân vẫn đang rất dè dặt tái đàn, nhất là với giống lợn đen bản địa. Đợt dịch bị thiệt hại về đàn lợn ở Kỳ Sơn nhiều nhất là năm 2019, xảy ra hầu như khắp các xã, thị trấn. Trong đó nhiều bản, làng gần như bị xoá sổ đàn lợn, kể cả lợn đen như bản Buộc, bản Huồi Cáng xã Bắc Lý; một số bản ở các xã Mường Ải, Mỹ Lý, Keng Đu, Tà Cạ, Hữu Kiệm, Bảo Nam… Thời điểm dịch tả lợn châu Phi hoành hành mạnh nhất, Kỳ Sơn có khoảng 25 nghìn con lợn.
Hiện nay, đàn lợn nuôi trên địa bàn Kỳ Sơn đạt khoảng 28 nghìn con. Ở một số xã như Tà Cạ, Mỹ Lý, Mường Ải, Mường Típ… tuy khan hiếm giống lợn đen bản địa, song các hộ dân rất dè chừng việc mua giống lợn ở xã khác về nuôi, vì e ngại sẽ lây lan nguồn bệnh.
Đối với các gia đình khó khăn, nguồn giống lợn đen được hỗ trợ từ các đồn biên phòng phối hợp với Hội Nông dân tỉnh nhiều năm nay trở thành nguồn sinh kế giúp nhiều hộ thoát nghèo. Song năm 2023 này, nhiều đồn biên phòng cũng đang gặp khó khăn khi gây dựng nguồn giống lợn đen để hỗ trợ người dân.
Thiếu tá Nguyễn Văn Tâm – Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Mỹ Lý cho biết, do các đợt dịch tả lợn châu Phi, đàn lợn đen giống bản địa mà đơn vị phối hợp với Hội Nông dân tỉnh đầu tư nuôi hiện không còn. Đơn vị đang tìm nguồn giống lợn đen bản địa để gây dựng đàn tiếp tục hỗ trợ người dân.
Một cán bộ UBND xã Tà Cạ cũng cho biết, trên toàn bộ địa bàn xã đang xảy ra tình trạng khan hiếm giống lợn đen bản địa. Vì vậy xã đang tiếp tục chỉ đạo, hỗ trợ bà con phục hồi, tái đàn lợn sau khi bị dịch tả lợn châu Phi; đồng thời thực hiện đầy đủ công tác phòng, chống dịch cho đàn vật nuôi. Trong tháng 5, Tà Cạ đã triển khai xong công tác tiêm vắc-xin phòng bệnh cho đàn gia súc, gia cầm trên toàn bộ các bản.
Đàn lợn của người dân Tà Cạ hiện có hơn 1.000 con, song chủ yếu là giống lợn lông trắng, được mua ở các địa phương khác. Một số hộ vẫn còn một vài con lợn đen bản địa đang cố gắng nhân đàn, UBND xã đã cử cán bộ hỗ trợ người dân các kỹ thuật chăm sóc, phòng bệnh cho vật nuôi, thúc đẩy quá trình sinh sản để nhân giống, giữ nguồn giống vật nuôi bản địa.
Thu – An
Nguồn: Báo Nghệ An