Với số vốn vỏn vẹn 200.000 đồng, dù chỉ mua được một hộp trứng rồi gầy lên, nhưng Võ Duy Khánh đã nuôi ước mơ rất lớn từ ruồi lính đen.
Bài toán bãi thải từ xoài gọt vỏ
Bản thân ruồi lính đen là một vòng tuần hoàn. Con trưởng thành bay lên khoảng 5-7 ngày, tranh thủ giao phối để đẻ trứng. Mỗi con cái đẻ khoảng 500 trứng rồi chết.
Mất hơn 4 năm, từ lúc bắt đầu gầy giống tới lúc có sản phẩm đưa ra thị trường – tháng 7-2022, không biết bao nhiều lần “lên bờ xuống ruộng”; khi làm chủ vòng tuần hoàn này; cũng là lúc giá trứng ruồi lính đen chỉ còn khoảng 4 triệu đồng/kg thay vì 20 triệu đồng/kg như lúc khởi đầu.
Võ Duy Khánh sáng lập Công ty TNHH công nghệ ENDOTA, tự hiểu cái chính là ruồi lính đen giúp giải bài toán lớn hơn như thế nào?
Thứ nhất, giải quyết mâu thuẫn lâu nay là hễ nhà máy tận lực gọt vỏ lấy “phi-lê” xoài chế biến xuất khẩu thì nguy cơ bị phạt do không xử lý triệt để nguồn chất thải (chiếm hơn 30% sản lượng nguyên liệu đầu vào) luôn là lợi bất cập hại.
Ðồng Tháp có hơn 14.200 ha đất trồng xoài, sản lượng trên 130.000 tấn mỗi năm. Tới năm 2025 công suất chế biến xoài và phế phụ phẩm đạt 30.000 tấn/năm, tăng gấp 5 lần so với năm 2020. Chôn lấp là bài toán luôn được nghĩ tới! Liệu có cách nào khác hơn không?
Võ Duy Khánh tìm con đường khác từ chất thải của một nhà máy chế biến xoài, nghiền trộn với bã đậu, cám thành thức ăn đúng sở thích của ruồi lính đen, trùng khớp dòng đời ngắn ngủi 1 tháng – từ trứng, ấu trùng, nhộng, cuối cùng lột xác thành ruồi lính đen trưởng thành.
Võ Duy Khánh và trại nuôi đội quân ruồi lính đen.
Thứ hai, hiểu được ruồi lính đen, nhộng có thể làm thức ăn cho chăn nuôi gia cầm, thủy sản và xác ruồi lính đen được tận dụng làm phân bón cho cây trồng. Dịch thủy phân làm chế phẩm sinh học bổ sung các enzym và acid amin giúp tăng chất lượng thức ăn, tạo mùi hấp dẫn kích thích tôm cá ăn nhiều, chóng lớn, tăng độ kết bám và tạo màng bảo vệ cho các chất bổ sung vào khẩu phần thức ăn thủy sản – một cách lay chuyển nhà nông theo hướng làm ăn bền vững hơn.
Thứ ba, năng lực sản xuất chế phẩm sinh học từ 150 – 300 lít/ngày. Mục tiêu doanh thu khoảng 200 tỉ đồng/năm; lợi nhuận 20-25% doanh thu… là ước mơ có tính dẫn dắt đối với Khánh.
Từ một trại ruồi lính đen rộng 1.000 m2 ở Cao Lãnh tới khi có xưởng rộng gấp 5 lần, vốn trên 2 tỉ đồng – là đất thuê (100 triệu/năm) – Khánh đã vay 1 tỉ đồng – lãi suất 5%/năm, từ nguồn quỹ khởi nghiệp, thế chấp máy móc và dồn cả vốn lẫn lãi vào việc đầu tư vào trại nuôi và dây chuyền sản xuất chế phẩm sinh học – đã trên 3 tỉ đồng nữa.
Ðầu vào là hột xoài, vỏ xoài, trái xoài hư, trung bình 4 – 5 tấn/ngày. Sản phẩm đóng gói dạng chai 1 lít, giá 135.000 đồng cung cấp chế phẩm cho cây ăn trái (sầu riêng, mít, xoài, rau màu), lúa và chăn nuôi (gà vịt, ếch và tôm). Thị trường tiêu thụ mở rộng từ Ðồng Tháp tới Bạc Liêu, Sóc Trăng. “Có anh nông dân trồng đậu bắp mới khoe xài chế phẩm từ ruồi lính đen giảm được 70% phân bón, đỡ được sâu bệnh. Tuy vậy, làng hoa ở đây ít xài”, Khánh nói. Vì vậy, nhóm R&D đang nghiên cứu phát triển thêm sản phẩm tốt cho bộ rễ cây, ra bông… Nông dân sẽ là cộng tác viên thực nghiệm và cùng lực lượng sale của ENDOTA đo lường hiệu quả khi bán hàng.
ENDOTA đã thực hiện được 3 bước “thần kỳ”, nhưng Khánh tự nhận cũng chỉ mới là ngọn đèn thắp sáng hành trình chuyển đổi. Ðiều băn khoăn của Khánh là hiện nay chỉ xử lý chất thải của một nhà máy, chẳng thấm vào đâu so lượng chất thải từ các nhà máy chế biến xoài. Nếu có nguồn vốn lớn, anh sẽ đầu tư và phát triển với quy mô lớn hơn để biến chất thải thành nguồn lợi lớn khi xanh hóa những vườn cây, làng hoa, nông trại chăn nuôi… theo hướng bền vững.
Bùn thải từ nhà máy chế biến thủy sản
Ông Hervé Conan, Giám đốc quốc gia Cơ quan phát triển Pháp tại Việt Nam (AFD), nói rằng khi nhiệt độ tăng 3 độ C sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới hơn 10% GDP toàn cầu. Việt Nam là một trong những quốc gia dễ bị tổn thương do biến đổi khí hậu, nhưng cũng là 1 trong 20 quốc gia phát thải nhiều nhất thế giới với lượng phát thải khí CO2 gấp đôi trong 10 năm qua.
“Với tốc độ tăng trưởng kinh tế 6 – 7% mỗi năm, Việt Nam sẽ là một trong những quốc gia phát thải nhiều nhất thế giới”, ông Hervé Conan nhận định.
Trong một nghiên cứu của Viện Sinh học Nhiệt đới, cứ thu hoạch 1 tấn tôm sú nuôi theo phương thức công nghiệp thì môi trường “lãnh đủ” 347 kg chất ô nhiễm hữu cơ (BOD) và với diện tích nuôi tôm sú hơn 530.000ha ở ÐBSCL, mỗi năm thải ra môi trường 89.917 tấn chất thải hữu cơ. Năm 2010, lượng chất thải hữu cơ ở vùng này lên tới 116.000 tấn. Khi các loại thủy sản nuôi trồng khác thải ra BOD tương tự như tôm thì hằng năm, sông rạch ÐBSCL phải gánh tới 1 triệu tấn BOD.
Tốt nghiệp ngành nuôi trồng thủy sản, Cẩm Cưng làm việc tại Công ty Vĩnh Hoàn trước khi chuyển về Công ty Mai Thiên Thanh – trực tiếp giải bài toán chất thải từ nhà máy chế biến thủy sản.
Lâu nay, nguồn chất thải không hề nhỏ này được đưa về khu Ða Phước để xử lý. Không thể xử lý hết khi các nhà máy gia tăng sản lượng chế biến! Vĩnh Hoàn có nhà máy chế biến collagen, chế biến thức ăn thủy sản tận dụng từ phó sản, nhưng phần bùn thải từ nhà máy thủy sản vẫn là bài toán khó. Nhà máy Mai Thiên Thanh do Vĩnh Hoàn đầu tư dây chuyền 40-50 tỉ đồng, công suất thiết kế 60 tấn/ngày. Hiện nay, xử lý được 60 – 70% khối lượng bùn thải (tương đương 40 – 45 tấn/ngày), thời gian xử lý 60-65 ngày để cung cấp phân bón từ bùn thải, đóng gói 25 kg/bao.
Nông dân tiếp cận nguồn phân bón mới rất dè dặt, thứ nhất, vì không biết chất lượng thế nào. Thứ hai, là có mùi nặng quá nên không xài, nhưng không có mùi thì nghi là phân giả. Nhiều người xài phân cá ở xa khu dân cư, công viên, quán cà phê, 2 ngày mới bớt mùi. Về sau, cây phát triển tốt nên thì họ phải mới xài. Ðó là đặc điểm không “dễ thở” khi lay chuyển thói quen và chuyển đổi theo hướng bền vững. “Chính vì vậy Công ty mẹ – Vĩnh Hoàn – không ấn định doanh số, còn nhà máy chỉ dự kiến lợi nhuận trong năm nay chỉ khoảng 7-8 tỉ đồng. Nông dân chưa hiểu hết và chưa chịu chuyển đổi sang hữu cơ, nhưng tương lai sẽ có nhiều triển vọng”, Cẩm Cưng nói.
Tại Việt Nam, chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn 2050, Việt Nam phấn đấu đưa nền kinh tế xanh từ quy mô 6,7 tỉ USD năm 2020 lên đến 300 tỉ USD đóng góp vào tổng GDP quốc gia vào năm 2050.
Ngân hàng Thế giới (năm 2022) ước tính cần đầu tư thêm khoảng 368 tỉ USD cho đến năm 2040, tương đương 6,8% GDP mỗi năm khi theo đuổi lộ trình phát triển kết hợp khả năng chống chịu và phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 trong khi khu vực công chỉ có thể đáp ứng khoảng 1/3 nguồn lực yêu cầu.
Ðó là quá trình chuyển biến về tư duy, nhận thức trong sản xuất, tiêu dùng và lối sống, trong tư duy hoạch định chính sách, đặc biệt là cần được cụ thể hóa bằng những giải pháp chuyển đổi xanh dựa trên nền tảng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo ở từng lĩnh vực, địa phương. Bến Tre là nơi dựa trên nền tảng năng lượng tái tạo đặt kỳ vọng rất lớn vào hệ sinh thái Hydro sạch – tiềm năng từ Hydro sạch có thể đóng góp 40 – 45 tỉ USD vào GDP hằng năm, tạo ra khoảng 40.000 – 50.000 việc làm. Chuyển dịch 2 ngành điện gió và điện mặt trời, tiềm năng đóng góp vào GDP lên tới 70 – 80 tỉ USD, tạo ra khoảng 90.000 – 105.000 việc làm trực tiếp.
“Phải thay đổi ngay bây giờ, mục tiêu Net Zero vào năm 2050 cần sự chuyển dịch về năng lượng và sự đồng hành của người dân “, ông Hervé Conan nhấn mạnh.
Có vẻ như ENDOTA quá nhỏ bé trong khi guồng máy chuyển đổi kỳ vĩ đang vận hành, nhưng Võ Duy Khánh nuôi dưỡng ý chí đổi mới sáng tạo gắn với bài toán hóc búa đang đặt ra trên quê hương mình. Ruồi lính đen không phải công cụ sinh lợi gói gọn mà là gạch nối trong chuỗi cung ứng cho cây lành – trái sạch (sầu riêng, mít, xoài, rau màu, lúa, hoa), chăn nuôi gà vịt, ếch và tôm. Không to tát nhưng sự chuyển đổi mang ý nghĩa đằm thắm và tinh tế.
Bài, ảnh: Châu Lan
Nguồn: Báo Cần Thơ