Không chọn con đường phu vàng, ông Phan Như Phi (thôn Đàn Thượng, xã Tam Lãnh, huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam) quyết tâm đeo đuổi mô hình nuôi heo đen bản địa và đã thành công bước đầu khi xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, phát triển lên quy mô hàng hóa, ổn định thị trường đầu ra.
Ăn ngủ với… heo rừng
Mười năm về trước, khi ngành nông nghiệp, Hội Nông dân huyện khuyến khích hỗ trợ các mô hình nuôi heo rừng, nhiều người dân không mấy mặn mà, nhưng ông Phan Như Phi xem đó như một cơ may. Vợ chồng ông đã gật đầu ngay khi địa phương đề nghị làm mô hình điểm.
Nông dân Phan Như Phi – người nuôi thành công heo rừng đầu tiên ở đất thủ phủ vàng xứ Quảng. Ảnh: H.Đ
“Vợ kêu tôi có khùng mới đi nuôi heo rừng. Để thuyết phục bả, tôi liền nhờ ngành nông nghiệp xin thêm 1 suất đi tham quan trang trại heo rừng ở gần Bà Nà (Đà Nẵng). Ra đó, thấy trang trại hiệu quả nên vợ tôi ham thích liền, đồng ý cùng tôi gầy dựng mô hình. Hai vợ chồng bán cả đàn heo trắng mua được đúng 1 con heo rừng giống và ngành khuyến nông hỗ trợ thêm tiền mua con giống nữa. Thế là chúng tôi khởi sự” – ông Phan Như Phi kể lại.
Sau thời gian mày mò, vừa nuôi vừa rút kinh nghiệm, ông Phi tăng đàn lên 8 con và mở rộng chuồng trại quy mô hơn. Chuyện nuôi heo rừng chẳng đơn giản như nuôi heo nhà, Phan Như Phi dành hết thời gian trong ngày “ngắm” heo nhằm tìm hiểu tập tính ăn uống, phát triển loài gia súc này.
“Hồi đó, phải để ý thật kỹ xem heo có dấu hiệu bệnh gì không, rồi chúng thích loại cây cỏ nào… Mỗi khi thấy heo có bệnh là mình tham khảo ý kiến từ phía trại giống, chọn thuốc, vắc xin nhằm giúp đàn heo giống có sức miễn dịch tốt” – ông Phi nói.
Thấy hiệu quả, ông mở rộng quy mô gồm 2 chuồng trại với tổng đàn hơn 200 con, trong đó có 20 heo nái. Phan Như Phi hạn chế nuôi heo bằng bột cám chế biến sẵn mà chọn các loại lá rừng, cỏ… phù hợp với heo rừng. Đồng thời, mô hình nuôi bán hoang dã theo phương pháp thả rông heo ở vườn đồi giúp heo có môi trường sống gần giống như tự nhiên, phát triển tốt.
“Nhờ chất lượng thịt heo ngon nên đều đặn hằng tuần tôi bán được 1 con heo thương phẩm với giá khoảng 250 – 300 nghìn đồng/kg thịt. Khách hàng là các nhà hàng, quán nhậu và người dân các địa phương lân cận đều đặt hàng hết. Nên giờ con heo rừng đã đem lại nguồn thu nhập khấm khá cho gia đình tôi” – ông Phi chia sẻ.
Xây dựng chuỗi liên kết sản xuất
Sau 1 thập niên “ăn ngủ” cùng heo rừng, nông dân Phan Như Phi nắm giữ bí quyết về kỹ thuật nuôi, thuần chủng giống heo có nguồn gốc hoang dã này nên ông thành lập Hợp tác xã (HTX) Tâm Đức Phú Quảng Nam để đặt nền móng phát triển thương hiệu heo đen ở xã Tam Lãnh vươn ra các thị trường ngoài tỉnh. Ngoài 2 trại heo của gia đình, ông xây dựng vệ tinh cho HTX bằng cách chia sẻ mô hình nuôi heo rừng cho người dân địa phương.
Từ năm 2018 đến nay, 34 hộ dân khác ở xã Tam Lãnh đã được Phan Như Phi chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi, xây dựng chuồng trại và cùng cấp heo giống. Đồng thời, HTX của ông sẽ đảm nhận khâu thú y, bao tiêu sản phẩm đầu ra.
Đều đặn 5 năm nay, ông Lê Văn Long (thôn Đàn Thượng) mỗi ngày 2 lần lên rừng cắt cỏ, lá rừng về cho đàn heo rừng thuần chủng của mình. Mô hình nuôi heo được Phan Như Phi chia sẻ nên ông Long mạnh dạn đầu tư giống heo đen bản địa.
“Trước tôi làm ở mỏ vàng Bồng Miêu, khi mỏ vàng đóng cửa tôi thất nghiệp và thêm chuyện vợ chồng đau ốm liên miên nên thời gian đó gia đình bế tắc. Giữa lúc chẳng biết làm gì cho có cái ăn thì Phi bảo tôi nuôi heo. Lúc đầu lo lắm nhưng anh Phi cầm tay chỉ việc, nay thì thuần thục rồi và gia đình tôi thoát cảnh nghèo khó” – ông Long bộc bạch.
Từ 4 con giống của Phan Như Phi cung cấp, ông Long lấy lãi xoay vòng vào việc đầu tư, gầy dựng qua từng năm để nâng đàn, xây chuồng trại. Hiện trang trại ông Long có tổng cộng 13 chuồng, với 135 con heo, trong đó đàn nái gồm 3 heo rừng thuần chủng, 5 nái F1. “Nếu tính từ 2018 đến nay thì tôi xuất bán được hơn 300 con heo rồi. Nhờ heo rừng mà gia định tôi thoát nghèo” – ông Lê Văn Long hồ hởi.
Thấy sự đầu tư hiệu quả của HTX Tâm Đức Phú Quảng Nam, năm 2020, Hội Nông dân huyện Phú Ninh đề nghị hỗ trợ, xây dựng chuỗi liên kết sản xuất “Heo đen bản địa Tam Lãnh”. HTX đã xây dựng đề án với sự tham gia của 39 hộ với 318 con giống để được Nhà nước hỗ trợ 614 triệu đồng. Chuỗi liên kết này sẽ tập trung cho việc nuôi bán heo giống và heo thịt thương phẩm.
Từ 318 con heo, đến nay, chuỗi liên kết sản xuất “Heo đen bản địa Tam Lãnh” phát triển lên 3.000 con và ngoài 39 hội viên còn có thêm 40 hộ dân khác tự đầu tư mua nuôi.
“Bình quân mỗi hội viên thu nhập 100 triệu đồng/năm là điều chúng tôi vui mừng nhất. HTX sẽ tìm kiếm thêm các khách hàng, mở rộng quy mô thị trường để bao tiêu sản phẩm cho các hội viên nên rất mong các cơ quan hữu quan tiếp tục hỗ trợ cho chúng tôi để chuỗi liên kết này phát triển, góp phần thoát nghèo cho người dân địa phương” – ông Phi nói.
Hoàng Đạo
Nguồn: Báo Quảng Nam