(Người Chăn Nuôi) – Mặc dù có thêm một số sản phẩm chăn nuôi được xuất khẩu, thế nhưng, 2023 vẫn được đánh giá là năm không thực sự thành công của ngành chăn nuôi Việt Nam. Phát biểu trong một hội nghị, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Sơn, Chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi Gia cầm Việt Nam, nhận định bức tranh toàn cảnh ngành chăn nuôi nước ta năm 2023 có “4 mảng sáng và 3 mảng tối”. Với riêng ngành gia cầm sẽ được đánh giá như thế nào? Nhân dịp đầu xuân, Tạp chí Thế giới Gia cầm đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Nguyễn Thanh Sơn xung quanh vấn đề này.
Một năm nhiều điểm sáng
Thưa Tiến sĩ Nguyễn Thanh Sơn, nhìn lại một năm 2023 vừa qua, ông có đánh giá như thế nào đối với ngành chăn nuôi nước ta?
Nhìn lại một năm qua, có thể thấy có “4 mảng sáng và 3 mảng tối” trong bức tranh toàn cảnh của ngành chăn nuôi nước ta. Mảng sáng đầu tiên đó là ngành chăn nuôi vẫn duy trì được đà tăng trưởng dương về đầu con, sản lượng thịt, trứng, sữa đáp ứng đủ nhu cầu trong nước. Theo số liệu thống kê, năm 2023, tổng đàn heo đạt 30,3 triệu con, tăng 4,2%; đàn bò 6,4 triệu con tăng 1,0%; đàn trâu 2,2 triệu con, giảm 1,0%; đàn gia cầm 558,6 triệu con, tăng 2,6% so với cùng kỳ năm 2022. Ước tính tổng sản lượng thịt hơi các loại đạt trên 7,6 triệu tấn, tăng 3,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, thịt heo hơi 4,68 triệu tấn; thịt gia cầm 2,24 triệu tấn; thịt trâu, bò 0,63 triệu tấn và khoảng 50.000 tấn thịt dê, cừu các loại. Sản lượng trứng ước đạt 18,98 tỷ quả, tăng 3,9% và sản lượng sữa tươi ước đạt trên 1,2 triệu tấn, tăng 7,2% so với năm 2022.
Mảng sáng thứ hai đó là phương thức chăn nuôi heo và gia cầm quy mô lớn với công nghệ cao, hiện đại có xu hướng ngày càng phát triển. Thứ ba, mặc dù sản lượng và kim ngạch xuất khẩu chưa lớn so với một số ngành hàng nông nghiệp khác, nhưng xuất khẩu một số sản phẩm chăn nuôi đã ghi nhận có xu thế tăng cao, như sản phẩm gia cầm, tổ yến. Và điểm sáng cuối cùng là, ngành chăn nuôi cũng đã kiểm soát tốt dịch bệnh trong năm 2023.
Đan xen với các mảng sáng nêu trên, bức tranh tổng thể ngành chăn nuôi năm 2023 vẫn còn “3 mảng tối”. Cụ thể, mảng tối thứ nhất là dù tăng trưởng đầu con và sản lượng vẫn được duy trì, nhưng giá trị sản xuất, đặc biệt là giá trị gia tăng của một số ngành hàng chăn nuôi đạt thấp, thậm chí tăng trưởng âm. Thứ hai, tình trạng nhập siêu thịt gia súc, gia cầm chính ngạch, kể cả nhập lậu qua biên giới vẫn có xu hướng gia tăng, như thịt heo nhập tăng 85% so với cùng kỳ năm trước, thịt trâu, bò tăng 56%, thịt gia cầm đông lạnh trên 240.000 tấn (tương đương cùng kỳ năm ngoái). Và mảng tối thứ ba là các doanh nghiệp nội quy mô vừa và nhỏ, các hộ gia đình chăn nuôi đang bị lấn lướt bởi các doanh nghiệp lớn, đặc biệt là doanh nghiệp FDI, sinh kế của người nông dân gắn với nghề chăn nuôi bị ảnh hưởng tiêu cực.
Theo ông, đâu là điểm thành công nhất và đâu là điểm khó khăn nhất của ngành hàng gia cầm trong năm 2023?
Thành công lớn nhất của ngành gia cầm năm 2023 là vẫn duy trì được đà tăng trưởng tương đối cao (từ 4 – 5%) đối với tất cả các mặt hàng từ gà màu, gà công nghiệp lông trắng, vịt và trứng gia cầm; một số doanh nghiệp trong nước đã làm chủ trong việc tự nghiên cứu và sản xuất được nhiều bộ giống gà lông màu có năng suất, chất lượng cao đáp ứng nhu cầu đa dạng của thị trường. Thành công thứ hai là về cơ bản chúng ta đã kiểm soát tốt dịch bệnh, đặc biệt là dịch cúm gia cầm.
Thành công nhất của ngành gia cầm năm 2023 là vẫn duy trì được đà tăng trưởng. Ảnh: istock
Tuy nhiên, điểm nghẽn lớn nhất đối với ngành gia cầm trong năm 2023 là thị trường đầu ra gặp rất nhiều khó khăn, do sức tiêu thụ của xã hội kém và đặc biệt do ảnh hưởng của vấn nạn nhập lậu gia cầm, sản phẩm gia cầm qua biên giới. Rất nhiều mặt hàng gia cầm đều phải bán với giá thấp, thậm chí dưới giá thành. Chỉ tính riêng trong 3 tháng cuối năm 2023, giá gà công nghiệp lông trắng từ 23.000 – 25.000 đồng/kg trong khi giá thành sản xuất dao động 30.000 – 33.000 đồng/kg thịt hơi, thấp hơn 9.000 đồng/kg so với cùng kỳ năm 2022. Mặc dù những ngày đầu tháng 12/2023, giá gà lông trắng đạt trung bình 26.000 đồng/kg, nhưng vẫn thấp hơn giá thành sản xuất từ 4.000 – 7.000 đồng/kg. Giá con giống và gà thịt lông màu nuôi ngắn ngày cũng ở tình trạng tương tự. Chỉ có mặt hàng trứng gia cầm và gà thịt lông màu chất lượng cao nuôi dài ngày là có giá bán tương đối tốt.
Từng bước giải quyết khó khăn
Thời gian qua, tình trạng nhập siêu thịt gà đặc biệt là vấn nạn nhập lậu giống gia cầm, sản phẩm gia cầm qua biên giới vào Việt Nam diễn biến phức tạp, gây áp lực rất lớn lên ngành sản xuất giống gia cầm của nước ta bệnh. Ông có chia sẻ gì về điều này?
Thời gian qua cũng như hiện nay, ngành chăn nuôi gia cầm trong nước đang phải cạnh tranh khốc liệt với nhiều sản phẩm gia cầm nhập khẩu chính ngạch và đặc biệt là gia cầm nhập lậu. Theo số liệu thống kê, khối lượng thịt gà đông lạnh nhập khẩu hàng năm liên tục gia tăng. Nếu như năm 2020 nước ta chỉ nhập 140.000 tấn, năm 2021 nhập 180.000 tấn thì năm 2022 đã nhập gần 245.000 tấn và ước năm 2023 nhập khẩu khoảng 240.000 tấn. Bên cạnh đó, theo số liệu thống kê chưa đầy đủ thì mỗi năm có hàng trăm nghìn tấn gà sống đẻ loại được đưa trái phép qua biên giới vào Việt Nam. Đây là vấn đề nóng và phức tạp bởi tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây truyền dịch bệnh, trong đó có cúm gia cầm độc lực cao đang hoành hành tại nhiều nước trên thế giới. Tình trạng nhập lậu gia cầm và sản phẩm gia cầm vào Việt Nam đã và đang tác động tiêu cực đến sản xuất và nguy cơ cao ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người tiêu dùng trong nước. Đây là một trong các nguyên nhân khiến thị trường tiêu thụ gia cầm trong năm 2023 gặp muôn vàn khó khăn, nhiều doanh nghiệp phải bán sản phẩm dưới giá thành sản xuất.
Trước thực trạng đó, trong năm 2023, Hiệp hội Chăn nuôi Gia cầm Việt Nam (VIPA) đã có nhiều hành động tích cực như chủ động phối hợp với Bộ NN&PTNT tổ chức hội nghị, làm văn bản kiến nghị một số giải pháp với Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành liên quan cũng như tích cực đồng hành cùng các cơ quan báo chí để từng bước giải quyết khó khăn cho ngành gia cầm.
Nhân dịp đầu Xuân, tôi xin chúc toàn thể hội viên VIPA, bà con chăn nuôi trong cả nước một năm bội thu, được giá. Chúc ngành gia cầm Việt Nam sẽ cất cao tiếng gáy và bay cao bay xa.
Để thực sự phát triển như kỳ vọng, xứng với tiềm năng và lợi thế, theo ông, ngành chăn nuôi nói chung và ngành gia cầm nói riêng phải làm gì? Và việc cần làm ngay trong năm 2024 là gì, thưa ông?
Ngành gia cầm được đánh giá là một trong các ngành hàng có lợi thế và dư địa để phát triển ở Việt Nam. Tuy nhiên, để đạt được sự kỳ vọng và để có thể vượt qua nhiều khó khăn thách thức mà ngành chăn nuôi đang và sẽ phải đối mặt trong năm 2024 và các năm tiếp theo, giải pháp đầu tiên là các doanh nghiệp và người chăn nuôi phải nỗ lực hơn nữa tự vượt qua chính mình để từng bước khắc phục các điểm nghẽn, điểm tồn tại trong chuỗi sản xuất là hạ giá thành sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm… Mặt khác, Chính phủ và các bộ, ngành liên quan cần đồng hành triển khai quyết liệt một số nhóm giải pháp trước mắt cũng như lâu dài sau đây: Siết chặt việc kiểm tra, giám sát, ngăn chặn tình trạng nhập lậu gia cầm, sản phẩm gia cầm tại các cửa khẩu, đường mòn, lối mở khu vực biên giới, cảng biển, đường sông. Tăng cường các biện pháp phi thuế quan nhằm hạn chế tình trạng nhập siêu chính ngạch các sản phẩm gia cầm như thời gian qua để bảo vệ sản xuất trong nước; Rà soát cắt giảm một số phí kiểm dịch, các thủ tục hành chính không cần thiết nhằm góp phần giảm chi phí sản xuất cho doanh nghiệp; Xây dựng và triển khai chương trình trọng điểm xuất khẩu sản phẩm gia cầm; Chuẩn hóa dữ liệu thống kê về sản xuất và thương mại của ngành gia cầm; Sửa đổi, bổ sung một số chính sách đặc thù cho ngành chăn nuôi tại Nghị định số 57/2018/NĐ-CP về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Những việc này đòi hỏi phải được thực hiện cấp bách và đồng bộ mới có thể đưa ngành gia cầm phát triển như kỳ vọng.
Trân trọng cảm ơn ông!
Thu Hồng
(Thực hiện)