Thừa Thiên – Huế: Tích cực khống chế dịch lở mồm long móng ở A Lưới

Huyện A Lưới yêu cầu các phòng ban, trạm thú y hướng dẫn, kiểm tra, giám sát công tác điều trị, tiêm phòng vắc-xin, phun tiêu độc khử trùng ở các địa phương đang xảy ra bệnh lở mồm long móng ở đàn bò để khống chế dịch lây lan trên địa bàn.

Ông Hồ Văn Ngưm, Phó Chủ tịch UBND huyện A Lưới cho biết, huyện đã chỉ đạo Phòng NN&PTNT, Trạm Chăn nuôi và Thú y tăng cường hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, giám sát công tác điều trị, tiêm phòng vắc-xin, phun tiêu độc khử trùng, nhất là các xã đã xảy ra bệnh lở mồm long móng ở đàn bò hỗ trợ của dự án để khống chế dịch trên địa bàn.

lở mồm long móng

Kiểm tra, điều trị bệnh lở mồm long móng đàn bò ở A Lưới 

Theo ông Ngưm, đây cũng là thời điểm mùa dịch bệnh lở mồm long móng, kết hợp với tụ huyết trùng nên UBND huyện A Lưới đã chỉ đạo quyết liệt các biện pháp khoanh vùng, dập dịch, điều trị cho những con bị bệnh, tăng cường công tác tiêm vắc-xin phòng bệnh cho những gia súc còn lại.

Theo đó, tỷ lệ tiêm phòng vắc-xin lở mồm long móng đã đạt 75% trên toàn huyện. Đến nay đã có 63 con bò mắc bệnh được điều trị khỏi triệu chứng lở mồm long móng và được hộ gia đình tiếp tục theo dõi theo hướng dẫn của cán bộ thú y.

Trước đó, nhiều hộ dân trên địa bàn huyện A Lưới được nhận bò nuôi theo Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025 tại huyện miền núi A Lưới. Tuy nhiên, sau khi nhận bò nuôi, nhiều hồ dân đã phát hiện bò bị bệnh và chết.

Trong đó, xã Trung Sơn (huyện A Lưới), địa phương được cấp 20 con bò thuộc gói hỗ trợ cho hộ gia đình đăng ký thoát nghèo năm 2022. Ngày 2/12 (sau 5 ngày nhận bò), người dân phát hiện một số bò bị bệnh lở mồm long móng ở xã Trung Sơn.

Ông Hồ Chánh Lệ (ở thôn Đụt Lê Triêng 2, xã Trung Sơn) – một hộ dân được hỗ trợ bò cho biết, bò được cấp phát về một ngày thì xuất hiện bệnh trên lưỡi, viêm loét không nhai thức ăn được, sau đó xuất hiện triệu chứng đau bụng. Gia đình đã báo cho lực lượng thú y kiểm tra và hướng dẫn phương pháp điều trị, đến nay bò chưa chết nhưng chưa thấy dấu hiệu đỡ bệnh nên gia đình rất lo lắng.

Ông Lê Văn Nghiếu, Chủ tịch UBND xã Trung Sơn cho biết, qua thống kê cho thấy, trong tổng số 20 con bò được hỗ trợ từ dự án thì đến nay đã có 3 con phát bệnh sớm và đã chết, 17 con còn lại đang được tích cực điều trị bệnh. Những con bò này đã lây bệnh sang cho nhiều bò tại địa phương. Ngay sau khi phát hiện dịch bệnh, xã đã báo cho lực lượng thú y Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp nhằm có giải pháp điều trị và khống chế dịch bệnh.

Đến nay, số bò bị dịch bệnh đã lây lan qua 6 địa phương khác gồm các xã Lâm Đớt, Hồng Vân, Hồng Thủy, Hồng Bắc, A Roàng, Hồng Thượng với tổng số 69 con bò bị bệnh lở mồm long móng của 41 hộ, trong số đó có 6 con đã chết. Theo Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện A Lưới, nguyên nhân trực tiếp dẫn đến chết là do bị bệnh tiêu chảy, tụ huyết trùng.

Được biết, Ban Dân tộc tỉnh, Công ty TNHH TM Bình An (tỉnh Bình Định) là đơn vị cung ứng giống bò với số lượng 140 con cấp cho 70 hộ/11 xã của huyện A Lưới ngày 28/11. Theo Hợp đồng cung ứng, tổng số 140 bò này đang trong giai đoạn cách ly theo dõi tại hộ gia đình, chưa tổ chức nghiệm thu.

Công ty TNHH TM Bình An đã có hợp đồng với Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện A Lưới thực hiện giám sát, theo dõi, tiêm phòng cho đàn bò. Đồng thời cam kết chịu toàn bộ chi phí điều trị, bồi thường hao mòn bò bị bệnh, thay thế bò bị bệnh chữa không khỏi dẫn đến chết.

Đến nay, Ban Dân tộc tỉnh cũng đã làm việc với UBND huyện A Lưới và đề nghị tiếp tục tăng cường chỉ đạo để điều trị khỏi bệnh đàn bò, đơn vị cung ứng bò giống thực hiện đúng cam kết hợp đồng, rút kinh nghiệm để tổ chức tốt việc cung ứng bò giống nói riêng, giống cây trồng và vật nuôi nói chung, trong việc thực hiện nội dung hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Năm 2023, tổng đàn gia súc của A Lưới có 26.600 con, đạt 106% kế hoạch năm, tăng 1.280 con so với cùng kỳ năm 2022. Để chủ động ứng phó, phòng, chống dịch bệnh, Sở NN&PTNT đã yêu cầu các địa phương phối hợp trạm thú y trực tiếp kiểm tra, hướng dẫn tổ chức vệ sinh, tiêu độc, khử trùng các khu vực có nguy cơ phát sinh dịch bệnh trên đàn gia súc.

Bài, ảnh: Hà Nguyên

Nguồn: Báo Thừa Thiên – Huế
Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *