Năng lực sản xuất chăn nuôi cơ bản đáp ứng nguồn cung trong nước

(Người Chăn Nuôi) – Trong quý I/2025 sản xuất chăn nuôi được duy trì, chăn nuôi lợn và gia cầm phát triển ổn định, người chăn nuôi tích cực tái đàn, tăng đàn nhằm đảm bảo nguồn cung cho thị trường trước, trong và sau các dịp lễ, Tết. 

Theo số liệu ước tính của Cục Thống kê, tính đến thời điểm cuối tháng 02/2025, đàn lợn tăng 3,2% so với cùng kỳ năm 2024 (26,8 triệu con chưa tính khoảng 4,5 triệu con theo mẹ); đàn gia cầm tăng 3,4% (574,5 triệu con), riêng đàn bò giảm nhẹ 0,5% (6,32 triệu con), đàn trâu do hiệu quả kinh tế không cao, diện tích chăn thả bị thu hẹp nên tiếp tục giảm 4,4% (chỉ còn 2,1 triệu con); 

Báo cáo của Cục Chăn nuôi và Thú y cho thấy, trong khi giá thịt gia cầm và giá trứng giảm mạnh thời điểm những ngày cuối tháng 2 thì giá lợn thịt hơi tháng 2 và đầu tháng 3 lại tăng và đang giữ ở mức cao, đặc biệt khu vực phía Nam, ngược quy luật so với trước đây. 

Giá thịt lợn hơi trên cả nước trong tháng 01/2025 tăng khoảng 10 – 12% so với bình quân các tháng cuối năm 2024, dao động trung bình từ 66.000 – 69.000 đồng/kg tùy từng vùng và theo xu hướng tăng. Sang tháng 2, giá bình quân giao động khoảng 72.000 – 78.000 đồng/kg, tăng khoảng 15 – 18% so với thời điểm đầu tháng 01/2025.

giá thịt lợn

Hiện giá thịt lợn Việt Nam trong khu vực chỉ thấp hơn giá của Philippines. Ảnh: Thùy Khánh

Đầu tháng 3/2025, giá tiếp tục tăng mạnh, nhất là tại một số tỉnh khu vực Nam Trung Bộ và miền Nam lên mức 79.000 – 82.000 đồng/kg, đặc biệt mức giá đỉnh xuất hiện tại tỉnh Đồng Nai là 83.000 đồng/kg từ ngày 06/3/2025. Đây cũng là mức giá cao nhất trong khoảng 3 năm trở lại đây. 

Tuy nhiên, đến trung tuần tháng 3, giá đã có dấu hiệu chững lại và có xu hướng giảm nhẹ ở cả 3 miền, hiện nay, giá bình quân tại miền Bắc dao động từ 74.000 – 75.000 đồng/kg, tại miền Trung từ 75.000 – 80.000 đồng/kg, còn tại miền Nam từ 80.000 – 81.000 đồng/kg và được dự báo sẽ neo quanh mức giá này đến hết tháng 3/2025. Giá lợn giống hiện nay dao động từ 2,5 – 2,6 triệu đồng/con (Biểu lợn từ 6 – 7 kg/con). Với mức giá bán hiện nay, ước tính người chăn nuôi đang lãi từ 15.000 – 20.000 đồng/kg.

Thời gian vừa qua, so với giá khu vực, giá thịt lợn hơi trong nước cao hơn các nước trong khu vực như Trung Quốc, Lào, Thái Lan. Campuchia, Myanma… (56.000 – 63.000 đồng/kg). Hiện, giá thịt lợn Việt Nam trong khu vực chỉ thấp hơn giá Philippines (100.000 – 115.000 đồng/kg).

Cục Chăn nuôi và Thú y nhận định, giá lợn cao như hiện nay sẽ khó duy trì lâu vì tổng đàn lợn trong nước vẫn cơ bản đáp ứng được nhu cầu trong nước với hơn 30 triệu con. Nguyên nhân khiến giá thịt lợn tăng đó là do từ những tháng cuối năm 2024, một số dịch bệnh bùng phát, đặc biệt trên đàn lợn nái khu vực phía Nam.

Cùng với đó, một số địa phương triển khai di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi theo quy định của Luật Chăn nuôi dẫn đến tình trạng thiếu con giống, nhiều trại thương phẩm, gia công để trống chuồng hoặc không vào hết công suất dẫn đến thiếu hụt cục bộ. Đặc biệt, cuối năm 2024, ngành chăn nuôi đã rà soát thắt chặt nhập khẩu, phối hợp với các bên liên quan tăng cường phòng chống buôn lậu (hiện đã có 11 vụ xử lý hình sự do PC05 thực hiện).

Hiện nay, 5 đề án về giống, thức ăn dinh dưỡng, chế biến, thiết bị chăn nuôi và xử lý môi trường, khoa học công nghệ trong Chiến lược Phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã đem lại môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp. Để thúc đẩy phát triển chăn nuôi trong nước, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Phùng Đức Tiến cho rằng, cần tạo ra sự gắn kết hơn nữa giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người chăn nuôi. Qua đó, sớm triển khai xây dựng cơ sở, vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh đáp ứng yêu cầu của Tổ chức Thú y Thế giới, nhất là ở các vùng chăn nuôi hàng hóa trọng điểm để phục vụ xuất khẩu.

Ngoài ra, các tỉnh, thành phố nên có thêm cơ chế, chính sách dành quỹ đất cho chăn nuôi. Ưu tiên giao đất, thuê đất với chính sách ưu đãi theo quy định của pháp luật về đất đai cho các cơ sở giống, chăn nuôi trang trại tập trung, công nghiệp đủ năng lực. Đồng thời, thu hút thêm các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực giết mổ, chế biến, góp phần thúc đẩy tăng trưởng của ngành chăn nuôi trong giai đoạn tới.

Thùy Khánh

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *