(Người Chăn Nuôi) – “Kết quả đáng mừng của ngành nông nghiệp trong năm 2023 đầy khó khăn sẽ là tiền để để toàn ngành cùng bứt phá trong năm 2024”. Đây là phát biểu của Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến tại Họp báo thông tin về kết quả công tác năm 2023 và nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong năm 2024 của ngành nông nghiệp.
Các đại biểu tham dự Họp báo tổng kết năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024 do Bộ NN&PTNT tổ chức chiều 29/12/2023.
Nhiều điểm sáng
Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là về thị trường xuất khẩu lâm sản và thủy sản, song giá trị gia tăng toàn ngành nông nghiệp (GDP) tăng cao, ước đạt 3,83%. Đây là mức tăng trưởng cao nhất trong 10 năm gần đây.
Ngành nông nghiệp tiếp tục khẳng định vị thế quan trọng, là trụ đỡ của nền kinh tế, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô. Trong đó sản lượng thịt hơi các loại đạt 7,6 triệu tấn, tăng 3,5%. Đặc biệt, Việt Nam đã nghiên cứu, sản xuất thành công và xuất khẩu vaccine thương mại phòng bệnh dịch tả heo châu Phi.
Để đạt được những kết quả trên, trong điều kiện nền kinh tế cả nước năm 2023 gặp nhiều khó khăn, thách thức, ngành nông nghiệp rút ra 6 bài học kinh nghiệm.
Trước hết, nông nghiệp đã nhất quán chuyển đổi mạnh mẽ từ tư duy đến hành động sang kinh tế nông nghiệp; quán triệt phương châm chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, đó là “Quyết tâm phải lớn, nỗ lực phải cao, hành động phải quyết liệt, hiệu quả, khẩn trương”. Không chỉ vậy, thời gian qua, ngành đã lựa chọn những giải pháp đột phá để định hướng sản xuất, như mở cửa thị trường xuất khẩu, chú trọng thị trường trong nước, áp dụng quy trình sản xuất tốt, an toàn, chất lượng…
Cùng đó là việc nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo, bám sát tình hình thực tiễn để chủ động xây dựng các kịch bản, chuẩn bị cho mọi tình huống có thể xảy ra.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến đề nghị toàn ngành nỗ lực để có năm 2024 bứt phá.
Bộ NN&PTNT cũng thường xuyên chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương điều chỉnh kế hoạch sản xuất, cơ cấu mùa vụ phù hợp với tình hình thời tiết, đảm bảo hạn chế tối đa thiệt hại bởi thiên tai, dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi. Đồng thời, tạo môi trường thuận lợi thu hút đầu tư của doanh nghiệp; khơi dậy niềm tin và khích lệ tinh thần đổi mới, sáng tạo khởi nghiệp toàn xã hội…
Đẩy mạnh tăng trưởng thực chất, hiệu quả
Năm 2024, nền kinh tế được dự báo tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, như: giá vật tư nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản vẫn ở mức cao, dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi tiềm ẩn nguy cơ bùng phát; mưa lũ diễn biến bất thường, nắng nóng gay gắt hơn, nguy cơ hạn hán, thiếu nước nặng nề do tác động của El Nino…; đặc biệt là tác động từ những xung đột, bất ổn trên thế giới. Mặc dù vậy, ngành nông nghiệp vẫn đặt mục tiêu phát triển với các chỉ tiêu, như tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành 3,0 – 3,5%; trong đó, tốc độ tăng giá trị sản xuất lĩnh vực chăn nuôi từ 4,0 – 5,0%.
Để đạt được những mục tiêu đề ra, toàn ngành tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại theo hướng phát triển nông nghiệp sinh thái, hiện đại, kinh tế tuần hoàn, , thực hiện chuyển mạnh từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp; từ phát triển đơn ngành sang hợp tác, phát triển đa ngành; thúc đẩy tích hợp đa giá trị trong sản phẩm nông lâm, thủy sản; chuyển từ chuỗi cung ứng nông sản sang phát triển các chuỗi ngành hàng…
Trả lời câu hỏi của phóng viên về định hướng phát triển ngành chăn nuôi trong năm 2024, ông Dương Tất Thắng, Cục trưởng Cục Chăn nuôi, cho biết: Ngành sẽ tiếp tục đẩy mạnh đổi mới về con giống, công nghệ, chủ động sản xuất nguyên liệu thức ăn trong nước, trọng điểm là 2 vùng Tây Nguyên và Nam Bộ. Chăn nuôi sẽ tiếp tục nỗ lực để kiểm soát dịch bệnh, phát triển theo hướng an toàn sinh học, góp phần đảm bảo tăng trưởng bền vững.
Phát biểu tại Họp báo, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến bày tỏ sự xúc động với những con số của ngành nông nghiệp đạt được trong bối cảnh khó khăn chung của thế giới. Trong đó, nông nghiệp tiếp tục là trụ đỡ quan trọng của nền kinh tế. Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Tiến, để đạt được các mục tiêu đề ra, thời gian tới tất cả các lĩnh vực đều phải nỗ lực, đoàn kết.
Riêng với chăn nuôi, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho rằng các doanh nghiệp nhất là doanh nghiệp FDI cần hướng đến mục tiêu xuất khẩu chứ không thể chỉ trông chờ vào thị trường trong nước. Chăn nuôi phải đảm bảo an toàn dịch bệnh, chú trọng đầu tư con giống và có định hướng phát triển rõ ràng. “Năm vừa qua, chúng ta đã có 7 công ty xuất khẩu thành công yến sang thị trường Trung Quốc. Nhiều mặt hàng như trứng, sữa đã được xuất khẩu sang một số thị trường khó tính. Đây là tiền đề để chăn nuôi tăng tốc, bứt phá hơn nữa trong năm 2024”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.
Thùy Khánh
(Bài và ảnh)