Duy trì cơ sở giết mổ

(Người Chăn Nuôi) – Xâm nhập vào Việt Nam từ hơn một năm trước, nhưng có lẽ đến nay nền kinh tế nước ta mới bị “ngấm đòn” của đại dịch COVID-19. Sức tàn phá của nó không dừng lại ở một ngành nghề nào mà xảy ra trên diện rộng. Với lĩnh vực chăn nuôi, COVID-19 đã và đang khiến cho ngành hàng này mất đi nhiều lợi thế, nhất là khi khâu then chốt là các cơ sở giết mổ phải ngừng hoạt động.

Hàng loạt cơ sở phải đóng

Tại Hội nghị sơ kết công tác đảm bảo an toàn thực phẩm trong nông nghiệp do Bộ NN&PTNT tổ chức mới đây, Cục Thú y đã đưa ra các con số thống kê của các địa phương đang có dịch COVID-19. Cụ thể, hiện có 1.800 cơ sở giết mổ nhỏ lẻ phải ngừng hoạt động. Trong đó, Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh tập trung nhiều cơ sở giết mổ quy mô lớn, hiện đại, nhưng đến nay đã có 170 cơ sở phải đóng cửa hoàn toàn, hơn 200 duy trì hoạt động nhưng công suất đạt chưa đến 50%. Và rồi, nhiều đơn vị trong số này cũng phải ngậm ngùi đóng cửa vì không đủ điều kiện sản xuất “3 tại chỗ”.

Tại tỉnh Long An, các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm cũng chịu tác động lớn phải giảm quy mô, thậm chí ngừng hoạt động vì hầu hết các cơ sở không đáp ứng được yêu cầu “3 tại chỗ”. Đại diện Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản Long An cho biết, trên địa bàn tỉnh đã có 17/44 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tạm ngưng hoạt động, số lượng giết mổ giảm sâu. Có thời điểm tỷ lệ giết mổ gia súc giảm khoảng 30%, gia cầm giảm 95% công suất so với thời điểm trước khi xảy ra dịch bệnh COVID-19.

giết mổ heo

Nhiều cơ sở chế biến, giết mổ phải tạm dừng hoạt động vì COVID-19

Còn tại tỉnh Đồng Nai, một chủ cơ sở giết mổ ở huyện Trảng Bom cho biết, cơ sở của ông vẫn được hoạt động, nhưng hiện chỉ duy trì 60 – 70% công suất.

Nguyên nhân được cho là do điều kiện vệ sinh rất kém nên công nhân không thể thực hiện phương thức này. Vì đa phần các cơ sở giết mổ không có khu vực, phòng ở đảm bảo điều kiện cho người lao động ở tập trung tại chỗ. Một địa điểm vừa nuôi nhốt gia súc, gia cầm, vừa giết mổ mà để nhiều người vào ở sẽ không bảo đảm an toàn thực phẩm, an toàn con người và môi trường.

Để giải quyết bài toán này, điều kiện duy nhất hiện nay có thể thực hiện được là tiêm vaccine cho công nhân và tuân thủ “nguyên tắc 5K”. Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Thu Thủy, Phó Cục trưởng Cục Thú y, thì “thực tế ở các địa phương hiện nay, số lượng công nhân giết mổ được tiêm vaccine COVID-19 không nhiều”.

 

Nguy cơ đứt gãy chuỗi sản xuất

Cơ sở giết mổ đóng vai trò then chốt trong chuỗi sản xuất của ngành chăn nuôi, vướng mắc khâu này sẽ khiến cho người chăn nuôi chịu nhiều thiệt hại còn thị trường sẽ có những bất ổn nhất định. Vậy nên, ngay từ giữa tháng 7, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam đã đề nghị các địa phương bằng mọi biện pháp phải giữ được các cơ sở giết mổ, không để dịch COVID-19 xâm nhập vào.

Tuy nhiên, sau đó không lâu, một loạt cơ sở giết mổ ở nhiều tỉnh, thành buộc phải dừng hoạt động, giảm công suất do có nhân công là F0 hoặc không đảm bảo điều kiện về an toàn phòng chống dịch bệnh. Điều này gây ra hệ lụy nặng nề đối với người chăn nuôi, đặc biệt là với gà công nghiệp.

Và đúng như giới chuyên gia lo ngại, việc các cơ sở giết mổ bị buộc phải đóng cửa, giảm công suất dẫn đến chăn nuôi ùn ứ nhưng sản lượng thịt cung ứng ra thị trường sụt giảm, giá cả lại leo thang.

Ghi nhận trong những ngày đầu 8, gà công nghiệp bán trong các siêu thị ở mức 55.000 đồng/kg nhưng giá gà xuất chuồng ở các tỉnh phía Nam chỉ còn 6.000 – 7.000 đồng/kg giữa bối cảnh khoảng 60 – 70 triệu con gia cầm đến đến kỳ xuất nhưng tắc đầu ra. Giá heo hơi cũng sụt giảm đáng kể, người chăn nuôi không khéo sẽ thua lỗ do chi phí đầu vào tăng rất mạnh…

Về điều này, Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho biết, thực tế khi chỉ đạo Tổ công tác 970 tại các tỉnh phía Nam thì việc nhiều cơ sở giết mổ ngừng hoạt động, đứt gãy khiến sản phẩm chăn nuôi bị dồn ứ, trong khi nguồn cung thực phẩm không đáp ứng nhu cầu tiêu dùng.

 

Cần được ưu tiên

Để tránh đứt gãy chuỗi cung ứng sản phẩm thịt tại các địa phương đang có dịch COVID-19, đặc biệt là các tỉnh phía Nam, việc “kích hoạt” lò giết mổ hoạt động trở lại rất cần thiết. Thế nhưng, để các cơ sở giết mổ hoạt động được cũng không phải dễ dàng, vì yêu cầu thực hiện đúng “nguyên tắc 5K” và “3 tại chỗ”.

Tuy nhiên, theo chia sẻ của Thứ trưởng Trần Thanh Nam, từ nay đến cuối năm, ngành nông nghiệp phải tập trung hỗ trợ các cơ sở giết mổ, cơ sở sản xuất sớm vận hành hoạt động trở lại.

“Theo tinh thần đó, tôi đã đề xuất và trao đổi với Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn và anh Sơn đã đồng ý sẽ cấp riêng cho ngành nông nghiệp nguồn ưu tiên vaccine để tiêm cho công nhân trong các doanh nghiệp chế biến, cơ sở sản xuất theo chuỗi giá trị, nhằm sớm khôi phục lại sản xuất ở ngành này”, ông Nam nhấn mạnh.

Ngoài ra, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành cũng yêu cầu Bộ Y tế và các địa phương phải ưu tiên phân bổ vaccine cho các doanh nghiệp chế biến, sản xuất nông, lâm, thủy sản, cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm để đảm bảo không đứt gãy sản xuất hàng hóa…

Đây cũng là mong mỏi của các chủ cơ sở giết mổ. Khôi phục lại được “mắt xích” này trong điều kiện hiện nay không dễ, thế nhưng buộc phải làm nếu không muốn người tiêu dùng và người chăn nuôi gánh thêm thiệt hại.

ông nguyễn ngọc sơn>> Ông Nguyễn Ngọc Sơn, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội: Việc các cơ sở giết mổ tập trung phải dừng hoạt động không chỉ làm gián đoạn chuỗi cung ứng thực phẩm có nguồn gốc động vật ra thị trường mà còn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát các hoạt động giết mổ, gia súc gia cầm nhỏ lẻ, giết mổ chui.

Hồng Hà

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *