(Người Chăn Nuôi) – Mặc dù trâu là động vật có sức đề kháng tốt, ít bệnh tật hơn so với những loại gia súc khác. Tuy nhiên, trâu cũng gặp phải những bệnh thường có sau đây, nếu phát hiện sớm sẽ giảm được những tác động xấu ảnh hưởng đến kinh tế của người nuôi.
Bệnh lở mồm long móng
Do loại virus lở mồm long móng typ O có hướng thượng bì gây nên. Bệnh lây lan nhanh, mạnh cho nhiều loài nhai lại và có thể lây sang người. Khi bị bệnh trâu sốt 40 – 420C, ủ rũ, mệt mỏi, lông dựng, mũi khô, đứng lên nằm xuống khó khăn. Sau 3 – 4 ngày hình thành những mụn nước ở niêm mạc miệng, lưỡi, mũi, da móng, vành móng, vú… sau đó các mụn vỡ ra có màu đục lẫn máu tươi, mùi hôi thối và để lại vết loét màu đỏ hồng.
Hiện nay chưa có kháng sinh điều trị hiệu quả. Cần thực hiện đồng bộ các phương pháp điều trị tổng hợp. Chữa loét ở miệng: Dùng chất sát trùng nhẹ, chua nhẹ để rửa miệng như: Khế chín, chanh mỗi ngày xoa 2 – 3 lần. Dùng Han-Iodine 10% pha 20 – 30 ml với 100 ml nước sạch sát trùng vết thương ngày 1 – 2 lần, thực hiện liên tục trong 4 – 5 ngày. Chữa móng: Cạo sạch đất, rửa bằng nước sát trùng rồi bôi cồn iod 10%, formol 1% hoặc than xoan trộn lá đào, nhọ nồi, phèn, nghệ củ… Chống nhiễm trùng kế phát: tiêm bắp Hanmolin LA 1 ml/10 kg trọng lượng hoặc Han-Clamox 1 ml/20 kg trọng lượng. Thực hiện liên tục 3 – 5 ngày. Dùng thuốc trợ sức, trợ lực, cho gia súc uống các loại nước lá mát thông tiểu tiện như: Râu ngô, mã đề, rau má, rau sam, lá diếp cá…
Thường xuyên kiểm tra gia súc để phát hiện bệnh sớm – Ảnh: ST
Bệnh tụ huyết trùng
Là bệnh truyền nhiễm cấp tính, lây lan mạnh, làm chết hàng loạt trâu bò và một số gia súc khác. Bệnh do vi khuẩn tụ huyết trùng trâu bò gây nên. Bệnh tiến triển nhanh sau 2 – 12 giờ, gia súc chết nhanh nếu ở thể quá cấp tính. Gia súc ủ rũ, mệt mỏi, bỏ ăn, sốt 41- 420C, niêm mạc mắt đỏ sẫm khi ở thể cấp tính. Thủy thũng vùng hầu, cổ, 2 bên má, mặt sưng, lưỡi thè ra không cử động được. Nước dãi chảy thành dòng hoặc có bọt trắng xóa.
Điều trị: Dùng một trong các kháng sinh sau: Kanatialin 1 ml/6 – 10 kg thể trọng; Linspec 5/10, liều 1 ml/10 – 12 kg thể trọng; Kanamycine 2 g/1 con tiêm bắp; Tetramycin 4 mg/1 kg thể trọng, tiêm bắp ngày 2 lần; Tiêm trợ sức trợ lực, chống xuất huyết thành mạch VTMC, K, Ephedrin để dễ thở, cafein trợ tim… Đề phòng chướng hơi dạ cỏ: Cho uống nước dưa chua, cần thiết dùng kim thông hơi chọc vào dạ cỏ.
Bệnh chướng hơi dạ cỏ
Do trâu ăn nhiều thức ăn dễ lên men sinh hơi như: thức ăn xanh chứa nhiều nước, cây cỏ họ đậu, thân cây ngô non, cây lạc tươi hoặc những thức ăn đang lên men như: cây cỏ, rơm rạ mục. Do ăn phải những thức ăn chứa độc tố. Do kế phát từ các bệnh liệt dạ cỏ, viêm dạ tổ ong, viêm phúc mạc. Khi bị bệnh con vật khó chịu, đứng, nằm không yên, bụng phình to có biểu hiện đau bụng, vật ngoảnh lại nhìn bụng, vẫy đuôi, cong lưng, hai chân sau thu vào bụng. Vùng bụng trái chướng to, hõm hông trái căng phồng vươn cao hơn mỏm hông. Trâu khó thở tần số hô hấp tăng, dạng hai chân để thở, hoặc thè lưỡi để thở.
Phòng bệnh: Chăm sóc, nuôi dưỡng, quản lý trâu, bò đúng quy trình kỹ thuật; Vệ sinh thức ăn, nước uống cho con vật; Không cho trâu ăn những thức ăn nấm mốc, kém phẩm chất.Điều trị bệnh: Làm thoát hơi trong dạ cỏ: Xoa bóp vùng dạ cỏ nhiều lần, mỗi lần cách nhau 10 – 15 phút. Cho trâu, bò đứng ở trạng thái đầu cao hơn mông. Đánh lưỡi cho con vật để kích thích ợ hơi.
Dùng thuốc: Nước dưa chua 3 – 5 lít hoặc 3 – 5 lít bia; Sử dụng Natri Sulfat hoặc Magie Sulfat liều 200 – 500 g cho trâu, bò uống 1 lần; Hoặc tỏi 50 – 100 g, lá trầu 200 g, gừng 100 g, muối 30 – 50 g. Giã nhỏ, hòa 1 – 2 lít nước, vắt kiệt, cho uống để chống lên men sinh hơi. Để trâu nơi thoáng mát, ăn các loại thức ăn dễ tiêu, uống nước pha một ít muối ăn.