(Người Chăn Nuôi) – Thực hiện Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn 2045, ngành chăn nuôi bắt đầu triển khai ba đề án lớn, hướng đến mục tiêu giá trị xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi đạt từ 1 – 1,5 tỷ USD vào năm 2025 và từ 3 – 4 tỷ USD vào năm 2030.
Giải pháp cụ thể
Mới đây, Bộ NN&PTNT tổ chức Hội nghị triển khai ba đề án chăn nuôi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, nhằm thực hiện Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn 2045. Trên cơ sở các Quyết định được phê duyệt, Bộ NN&PTNT đã ban hành kế hoạch chi tiết nhằm triển khai hiệu quả các Đề án.
Đối với Đề án phát triển công nghiệp sản xuất giống vật nuôi đến năm 2030: Tập trung nâng cao năng lực sản xuất giống vật nuôi quy mô công nghiệp có khả năng chọn tạo giống có năng suất cao mang thương hiệu Việt Nam. Tổng điều tra xây dựng bản đồ ngân hàng giống vật nuôi bản địa quốc gia để khai thác và phát triển theo lợi thế, đặc trưng vùng miền. Từ đó, nâng cao năng lực nuôi giữ giống vật nuôi quốc gia đảm bảo an toàn dịch bệnh, an toàn sinh học.
Cùng với đó, nâng cao năng lực quản lý nhà nước về giống vật nuôi nhằm thúc đẩy phát triển công nghiệp giống vật nuôi; nâng cao năng lực kiểm tra năng suất, khảo nghiệm, kiểm định giống vật nuôi.
Đối với Đề án phát triển công nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi đến năm 2030: Tập trung đánh giá trình độ công nghệ và đề xuất giải pháp cải tiến công nghệ sản xuất thức ăn chăn nuôi công nghiệp; Phát triển công nghiệp sản xuất thức ăn bổ sung; Phát triển công nghiệp sản xuất, chế biến, bảo quản nguồn phụ phẩm nông, công nghiệp làm thức ăn chăn nuôi; Phát triển vùng sản xuất nguyên liệu làm thức ăn chăn nuôi.
Đối với Đề án phát triển công nghiệp giết mổ, chế biến và thị trường sản phẩm chăn nuôi đến năm 2030: Tập trung khảo sát, đánh giá định kỳ (năm 2025, 2027, 2029) về điều kiện vệ sinh an toàn dịch bệnh, an toàn chất lượng; trình độ năng lực công nghệ về giết mổ, chế biến các sản phẩm chăn nuôi. Xây dựng bổ sung các quy chuẩn, tiêu chuẩn, chính sách đặc thù của lĩnh vực giết mổ, chế biến và tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi.
Trang trại chăn nuôi quy mô lớn phải đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường Ảnh: Dabaco Tuyên Quang
Bên cạnh đó, phát triển hạ tầng kỹ thuật, thu hút đầu tư, nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả chế biến các sản phẩm chăn nuôi: Thu hút các doanh nghiệp chế biến sản phẩm chăn nuôi có quy mô lớn với thiết bị chế biến hiện đại, đồng bộ, công nghệ tiên tiến, gắn với các vùng sản xuất nguyên liệu tập trung, an toàn dịch bệnh và áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc bảo đảm điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm; đa dạng hóa chủng loại sản phẩm chế biến…
Chỉ đạo nóng
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến nhìn nhận, những năm qua ngành chăn nuôi có bước phát triển vượt bậc về mọi mặt. Đây là nền tảng tốt đẹp, cơ sở quan trọng để định hướng chiến lược phát triển chăn nuôi trong thời gian tới. Các đề án phát triển công nghiệp giống, thức ăn, chế biến, khoa học công nghệ được phê duyệt là tiền đề quan trọng để nâng tầm sản xuất chăn nuôi ở Việt Nam.
“Tuy nhiên, thời gian, nguồn lực hạn chế nên các đơn vị có liên quan phải xác định rõ các nhiệm vụ, cụ thể hóa nội dung công việc, thời hạn, tài chính cho từng giai đoạn, sản phẩm dự kiến đạt được, không chung chung”, Thứ trưởng Tiến nhấn mạnh.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến gợi mở hướng giải quyết bài toán khó của ngành chăn nuôi gồm 3 mũi nhọn: Tập trung chống buôn lậu; siết chặt nhập khẩu và đẩy mạnh xuất khẩu. Đồng thời yêu cầu phải chủ động phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan trực thuộc Bộ và các Bộ, ngành, địa phương để đạt được mục tiêu đề ra. Kịp thời lồng ghép mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của các đề án vào chương trình, kế hoạch, hoạt động có liên quan tại các đơn vị thuộc Bộ, địa phương nhằm đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện kế hoạch.
Theo lãnh đạo Bộ NN&PTNT, Thủ tướng Chính phủ rất quan tâm đến xuất khẩu nông sản, trong đó có sản phẩm chăn nuôi. Để xuất khẩu, đầu tiên là phải đảm bảo vùng nuôi an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm, nếu tất cả hệ thống chính trị, các nguồn lực không được vận dụng thì khó thành.
Khi phát triển thị trường tiêu thụ cần tập trung vào các thị trường như Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản, EU; mở cửa các thị trường mới, còn nhiều tiềm năng như các nước Hồi giáo Halal, Trung Đông, châu Phi… Tận dụng các Hiệp định thương mại tự do (FTA), đặc biệt là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam – Liên minh châu Âu (EVFTA) để đẩy mạnh xuất khẩu hàng nông, lâm, thủy sản chủ lực, hỗ trợ doanh nghiệp ký kết đơn hàng xuất khẩu mới.
Phối hợp hỗ trợ bảo hộ nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm xuất khẩu tiềm năng của Việt Nam ở nước ngoài. Các cơ quan chuyên môn theo dõi, nắm bắt tình hình giá cả, nguồn cung các mặt hàng lương thực thực phẩm thiết yếu; đảm bảo nguồn cung phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Phối hợp với các địa phương hỗ trợ kết nối, thúc đẩy chế biến, tiêu thụ các sản phẩm nông sản vào vụ thu hoạch.
Tồn tại lớn nhất trong nhiều năm qua là tỷ lệ tiêm vaccine còn chưa đạt nên các tỉnh, thành phố cần phải rà soát lại vấn đề này để tham mưu, tháo gỡ, có chính sách hỗ trợ. Để tạo vùng an toàn dịch bệnh, cần tăng tỷ lệ tiêm phòng, xây dựng vùng an toàn dịch bệnh theo chuỗi, lập lại hệ thống thú y các cấp.
Hiện, ngày càng nhiều mô hình chăn nuôi trang trại, tập trung và hình thành các chuỗi giá trị chăn nuôi. Các doanh nghiệp chăn nuôi lớn trong nước và các doanh nghiệp FDI tiếp tục đầu tư vào chăn nuôi theo hướng công nghiệp, hiện đại, tiếp cận theo hướng liên kết chuỗi giá trị sản phẩm khép kín. Riêng năm 2022, có 81 dự án FDI đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi với số vốn hơn 2,2 tỷ USD (chiếm hơn 12% tổng số vốn FDI đầu tư vào Việt Nam).
Hoàng Hải