Để tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống, những năm gần đây, nhiều hộ dân trên địa bàn xã Gia Hòa, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình đã đầu tư xây dựng mô hình nuôi nhím đem lại hiệu quả tích cực.
Ông Phạm Hồng Trình, thôn Phú Nhuận là một trong các hộ tiên phong nuôi nhím của xã. Ông chia sẻ: Qua tìm hiểu thấy con nhím dễ nuôi, phù hợp với điều kiện của gia đình. Năm 2004, ông mạnh dạn đầu tư làm chuồng trại nuôi. Hiện nay, trên diện tích 100 m2, gia đình ông Trình đang nuôi 40 con nhím, trong đó 20 con nhím bố mẹ, còn lại là nhím giống.
Mô hình nuôi nhím của ông Phạm Hồng Trình, thôn Phú Nhuận, xã Gia Hòa (Gia Viễn).
Với nguồn thức ăn là rau, củ, quả khá sẵn và rẻ, theo tính toán của ông Trình mỗi ngày chi phí thức ăn cho 1 con nhím khoảng 3.000 – 5.000 đồng. Nhím con từ khi sinh đến 10 tháng tuổi đạt trọng lượng bình quân 9 – 10 kg có thể xuất bán. Theo giá hiện nay dao động là 280.000 – 300.000 đồng/kg, trung bình ông bán được 2,7 – 3 triệu đồng/con. Mỗi năm, cho thu nhập hơn 100 triệu đồng.
Nhận thấy hiệu quả kinh tế từ mô hình này, nhiều hộ gia đình ở xã cũng đã chuyển đổi chăn nuôi gia súc, gia cầm sang nuôi nhím. Ông Đinh Văn Hồng, thôn Đá Hàn, là hộ gia đình có số lượng nhím nuôi nhiều nhất của xã cho biết: Năm 2017, gia đình tôi bắt tay vào nuôi nhím. Sau hơn 4 năm, trên điện tích 200 m2 nuôi, đàn nhím của ông lên tới 160 con, trong đó hơn 100 con nhím bố mẹ.
Ông Hồng chia sẻ, nuôi nhím rất dễ và nhàn. Thức ăn dễ tìm, khâu chăm sóc và theo dõi cũng không khó, ít bị dịch bệnh, tỷ lệ hao hụt thấp. Hệ thống chuồng nuôi xây dựng đơn giản, nền xi măng, cố định lồng nuôi bằng khung sắt. Nếu được chăm sóc tốt, cho ăn đầy đủ, vệ sinh chuồng sạch sẽ, nhím rất mau lớn và sinh sản nhiều.
Nếu nuôi đúng kỹ thuật, 1 nhím đực có thể phối cặp với từ 2 đến 3 nhím cái vẫn cho sinh sản tốt. Với đàn nhím gần 50 cặp bố mẹ, mỗi cặp đẻ 2 lứa/năm, mỗi lứa 2 đến 3 con, mỗi năm ông có khoảng 200 con nhím để bán.
Được biết thịt nhím rất thơm ngon, bổ dưỡng, tất cả các bộ phận của nhím đều có thể dùng để chữa bệnh được. Sau khi trừ các chi phí, ông Hồng thu về từ 200 – 250 triệu đồng/năm nhờ nuôi nhím.
Từ thành công bước đầu, ông Hồng đang có kế hoạch tiếp tục mở rộng quy mô và tăng số lượng đàn nhím để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của thương lái; đồng thời ông cho biết: sẽ sẵn sàng trao đổi kinh nghiệm, hướng dẫn giúp đỡ các hộ nuôi nhím về con giống, kỹ thuật nuôi.
Thấy đây là mô hình phù hợp với điều kiện thực tế ở địa phương và đem lại hiệu quả kinh tế cao, ông Hồng đã tuyên truyền, vận động nhiều hộ dân trong xã cùng nhau thực hiện để phát triển kinh tế gia đình, giảm nghèo bền vững.
Ông Đinh Văn Lanh, Chủ tịch Hội Nông dân xã Gia Hòa cho biết: Mô hình nuôi nhím không tốn quá nhiều vốn đầu tư, thời gian chăm sóc, cho hiệu quả kinh tế cao, phù hợp cho những hộ nuôi với quy mô lớn và cả những hộ có quy mô nhỏ, lẻ.
Hiện trên địa bàn xã có 17 hộ nuôi nhím, tập trung nhiều nhất ở thôn Đá Hàn với 11 hộ, tổng số lượng gần 400 con. Mô hình nuôi nhím đang đem lại hiệu quả kinh tế cao cho nhiều hộ dân, với thu nhập trung bình từ nuôi nhím lên đến hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Theo ông Lanh, từ những tín hiệu tích cực mà mô hình nuôi nhím mang lại, thời gian tới, các hộ nuôi nhím ở xã sẽ tiến tới thành lập tổ hội nghề nghiệp nuôi nhím để giúp đỡ nhau cùng phát triển, nâng cao thu nhập.
Đây là một trong những mô hình xóa đói giảm nghèo đang được xã Gia Hòa khuyến khích người dân nhân rộng, nhằm tạo đà cho kinh tế của địa phương ngày càng phát triển bền vững theo hướng xây dựng nông thôn mới.
Bài, ảnh: Hoàng Hiệp
Nguồn: Báo Ninh Bình