Chăn nuôi theo hình thức nhỏ lẻ đang chiếm đa số trên địa bàn huyện Phú Lương (Thái Nguyên). Điều này dẫn đến nguy cơ bùng phát và lây lan dịch bệnh trên gia súc, gia cầm tại địa phương là khá cao. Do đó vai trò của thú y cơ sở trong công tác kiểm soát dịch bệnh trên vật nuôi rất quan trọng. Tuy nhiên, hiện nay, mạng lưới này đang gặp nhiều khó khăn.
Hiện nay, Hợp Thành là 1 trong 5 xã trên địa bàn huyện không có cả trưởng thú y xã và thú y viên cơ sở. Từ đầu năm 2020, việc tham mưu liên quan đến công tác thú y đều được giao cán bộ nông nghiệp phụ trách chung.
Ông Ma Quốc Hiếu, Chủ tịch UBND xã Hợp Thành cho biết: Do cán bộ nông nghiệp được giao phụ trách không có chuyên môn sâu về thú y nên chỉ có thể tham mưu các văn bản, hướng dẫn phòng, chống dịch bệnh; không thể tiêm hay giám sát dịch bệnh. Chính vì vậy, trong các đợt tiêm phòng cho đàn vật nuôi và đặc biệt vào thời điểm bùng phát dịch viêm da nổi cục vừa qua, xã đã phải trích kinh phí để thuê 2 người từng là thú y viên cơ sở. Tuy nhiên, họ mới chỉ được tập huấn về nghiệp vụ thú y nên chỉ có thể tiêm chứ không có kiến thức chuyên môn để khám lâm sàng, chẩn đoán, hướng dẫn người dân cách chữa bệnh cho vật nuôi. Nếu dịch bệnh xảy ra thì việc kiểm soát và dập dịch sẽ gặp vướng mắc và chậm trễ.
Còn tại xã Yên Lạc, mặc dù xã đã sắp xếp được 1 chức danh không chuyên trách là trưởng thú y cấp xã nhưng vẫn gặp khó khăn trong việc giám sát dịch bệnh do thiếu đội ngũ thú y viên cơ sở.
Anh Thạch Quang Tin, Trưởng thú y xã Yên Lạc tiêm phòng cho vật nuôi của người dân trên địa bàn xã.
Anh Thạch Quang Tin, Trưởng thú y xã Yên Lạc cho biết: Xã có 20 xóm, địa bàn rộng nên tôi mất khá nhiều thời gian di chuyển giữa các xóm để nắm bắt tình hình dịch bệnh và khám, chữa bệnh cho vật nuôi. Nhiều khi, tôi không kịp đến nhà người dân khi họ báo vật nuôi bị bệnh. Cùng với khó khăn về giám sát dịch bệnh tại cơ sở, việc triển khai tiêm phòng cũng mất nhiều thời gian hơn vì thiếu thú y viên. Riêng 2 đợt tiêm phòng của năm 2021, chúng tôi triển khai tiêm trong khoảng 20 ngày/đợt, gấp đôi thời gian so với trước.
Không chỉ Hợp Thành, Yên Lạc, tình trạng thiếu thú y cơ sở cũng đang khiến nhiều địa phương trên địa bàn huyện gặp khó. Nếu như trước đây, mỗi xã có ít nhất 1 trưởng thú y xã và 2 thú y viên cơ sở thì từ năm 2020 toàn huyện chỉ còn 8/15 xã có chức danh trưởng thú y; 2 xã có trưởng thú y kiêm nhiệm; tất cả các xã, thị trấn đều không còn thú y viên cơ sở.
Lý giải cho điều này, bà Nịnh Thị Thắng, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện cho biết: Theo Nghị quyết số 07/2019/NQ-HĐND của HĐND tỉnh về quy định số lượng, chức danh và mức phụ cấp đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã và ở xóm, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên thì thú y viên cơ sở không có phụ cấp. Chính vì vậy, hầu hết lực lượng thú y viên không theo nghề nữa. Còn đối với các xã, thị trấn chưa có trưởng thú y cấp xã là do địa phương đã đủ số lượng người hoạt động không chuyên trách theo Điều 2 của Nghị quyết này nên chưa thể bổ sung thêm nhân lực. Ngoài nguyên nhân trên thì hiện nay, mức phụ cấp cho Trưởng thú y cấp xã còn thấp nên chưa “níu chân” được nhân lực làm việc trong lĩnh vực này.
Ông Phan Văn Tường, Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Phú Lương cho biết: Vừa qua, chúng tôi đã đề xuất với Sở Nông nghiệp và PTNT về việc cần thiết thành lập thêm 1 tổ thú y viên cơ sở cấp xã; mỗi địa phương cần có 1 trưởng thú y cấp xã với trình độ từ trung cấp trở lên. Đi liền với đó, thời gian tới, Phòng cũng sẽ quan tâm tăng cường đào tạo, tập huấn chuyên môn cho đội ngũ cán bộ bộ thú y cơ sở để phục vụ công tác giám sát, phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi đạt hiệu quả nhất.
Phan Trang