Mô hình chăn nuôi heo rừng lai kết hợp trồng trọt đang mở ra triển vọng giúp nông dân huyện Tuy Đức (Đắk Nông) giảm chi phí sản xuất, tăng thêm thu nhập.
Cách đây 6 năm, ông Nguyễn Văn Dương, ở xã Quảng Tâm (Tuy Đức), đầu tư mua 4 con giống heo rừng lai về nuôi thử nghiệm. Sau một thời gian, ông nhận thấy, chăn nuôi heo rừng lai có rất nhiều thuận tiện, tao nguồn thu nhập tốt.
Trước hết, ông có thể tận dụng nguồn thức ăn cho heo từ mít, bơ, chuối, bắp, cỏ… sẵn có trong vườn. Loại heo này có sức khỏe tốt, chống chịu được với nhiều loại dịch bệnh thông thường.
Từ những lợi thế này, ông đã nhanh chóng nhân đàn, khai thác tối đa các ưu điểm của heo rừng. Đến nay, ông Dương duy trì 20 con heo cái sinh sản, gần 100 con heo giống, heo thịt.
Nuôi heo rừng lai kết hợp trồng trọt được xem là giải pháp hay giữa thời điểm giá cả vật tư nông nghiệp tăng cao
Lượng heo lớn, nhưng nhờ tập tính hoang dã và cách nuôi thả rông, mỗi ngày ông chỉ mất 30 phút để cho heo ăn và chăm sóc. Vì thế, chi phí cho đàn heo không lớn như chăn nuôi heo nhà.
Ông Dương cho biết, heo rừng lai có ưu điểm ít bệnh tật, thức ăn dễ kiếm. Chuồng nuôi heo khá đơn giản, chỉ cần cao ráo, sạch sẽ. Ông Dương dùng lưới B40 rào chắn 1 phần diện tích vườn để làm khu chăn nuôi heo, giúp giảm chi phí chuồng trại.
Ngoài lợi nhuận từ bán heo thịt, heo giống, ông còn tận dụng nguồn phân heo để chăm sóc vườn cây. Nhờ đó, mỗi năm, 3 ha cà phê, hồ tiêu và mắc ca của ông giảm được hơn 50% chi phí phân bón.
Theo ông Dương, heo rừng lại thích nghi tốt với khí hậu ở Tuy Đức. Heo dễ nuôi và không tốn nhiều thức ăn, công chăm sóc, nhưng hiệu quả kinh tế cao.
Heo rừng lai được nuôi tự nhiên trong môi trường thoáng sạch, kết hợp với thức ăn sẵn có như bắp, bơ và các loại rau cỏ tự nhiên giúp thịt ngon hơn.
“Để heo chỉ có da với nạc, ít mỡ thì cần phải áp dụng biện pháp kỹ thuật. Đó là khi heo bắt đầu xuất bán cần hạn chế thức ăn nhiều tinh bột. Thay vào đó, cần tăng thức ăn nhiều chất xơ cho heo”, ông Dương cho hay.
Theo ông Dương, giá thịt heo rừng lai bình quân hiện nay dao động từ 100.000 – 120.000 đồng/kg tùy thời điểm. Heo rừng được ông bán quanh năm cho các thương lái và người dân trên địa bàn tỉnh. Mỗi năm, sau khi trừ chi phí, ông thu về khoảng 100 triệu đồng từ chăn nuôi heo rừng lai.
Ông Nguyễn Hữu Tao, Chủ tịch HND xã Quảng Tâm cho biết, mô hình chăn nuôi heo rừng lai kết hợp trồng trọt của ông Dương đã tạo ra hiệu quả tích cực, mang lại nhiều nguồn thu nhập cho gia đình.
Mô hình này không chỉ tạo nguồn thu nhập cao mà còn giúp ông Dương giải quyết tốt bài toán khó khăn về giá phân bón tăng cao như hiện nay.
Để mô hình đạt hiệu quả, ông Dương đã tìm tòi, học hỏi nắm vững quy trình kỹ thuật chăn nuôi và nắm bắt nhu cầu thị trường. “Hội Nông dân xã Quảng Tâm thường xuyên đưa các hội viên đến tham quan học hỏi để nhân rộng cách làm này”, ông Tao cho biết.
Hưng Nguyên
Nguồn: Báo Đắk Nông