Lo lắng của những người chăn nuôi…

(Người Chăn Nuôi) – Ðầu tiên, tôi xin phép gửi bức tâm thư và chia sẻ với Thống đốc Ngân hàng Nhà nước với vai trò là người chăn nuôi, người nông dân.

ông Nguyễn Trí Công - Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng NaiCách đây 10 năm, chúng ta có 10 triệu hộ chăn nuôi, cách đây 3 năm là 4 triệu hộ chăn nuôi thì nay chỉ còn không tới 2 triệu hộ.

Nguyên nhân do ngành chăn nuôi có sự tham gia của các công ty chăn nuôi, trong đó có nhiều doanh nghiệp FDI. Các công ty này bên cạnh việc đóng góp tích cực cho sự phát triển thì cũng tạo sức ép lớn cho các nông hộ. Ðến nay, sau đại dịch COVID-19, giá nguyên liệu thức ăn tăng, giá bán heo thấp dưới giá thành, Dịch tả heo châu Phi (ASF) đã bào mòn sức sản xuất của người chăn nuôi. Các công ty, trang trại trong nước, nông hộ ngoài việc gồng mình chịu đựng tình hình chung còn gặp áp lực cạnh tranh cực lớn từ các công ty FDI với nhiều thế mạnh từ nguồn vốn dồi dào và là một ông chủ trên toàn chuỗi giá trị.

Gần như công ty, trang trại hay hộ nông dân ít nhiều đều có vay vốn từ các ngân hàng thương mại. Và chịu quy luật của thị trường. Lời ăn và lỗ thì cầm sổ đỏ. Lúc này, chúng tôi gần như không thể tiếp cận ngân hàng, nhiều lúc, nhìn đàn vật nuôi đói phải “vay nóng” mua cám khiến khó khăn chồng thêm khó khăn.

Người chăn nuôi chúng tôi sản xuất ra thực phẩm thiết yếu (thịt, trứng) nhưng luôn gặp rủi ro lớn về dịch bệnh. Khó khăn hơn một năm qua là giá cám quá cao nhưng giá đầu ra lại thấp, dưới giá thành khiến người chăn nuôi kiệt quệ. Trong khi lúa gạo có chính sách tạm trữ – chính sách giá sàn thì chúng tôi, dù cũng sản xuất mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu lại không được hưởng chính sách này.

chăn nuôi gia cầm

Rất cần những chính sách hỗ trợ vốn vay để người chăn nuôi vượt qua khó khăn. Ảnh: Shutterstock

Với giá cả như hiện tại, trong khi giá thức ăn tăng quá cao, giá bán sản phẩm thì lại quá thấp trong một thời gian dài đã khiến chúng tôi kiệt quệ, dù đây là ngành nghề và công việc vốn đã gắn bó và thân thuộc bao nhiêu năm qua.

Ðặc thù của ngành chăn nuôi và an ninh lương thực – thực phẩm là vấn đề sống còn và thiết yếu của xã hội, chúng tôi luôn chấp hành, sản xuất an toàn và hiệu quả theo hướng dẫn của các cơ quan chức năng, tăng trưởng hằng năm theo sự phát triển của đất nước.

Với những tâm sự trên, với vai trò là Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Ðồng Nai, tôi xin tha thiết đề đạt những nguyện vọng dưới đây để “cứu nguy khẩn cấp” cho ngành chăn nuôi”:

Thứ nhất, được gia hạn nợ gốc, giảm một phần lãi suất như chính sách hỗ trợ giai đoạn COVID-19, hiện pháp lý đã có sẵn, chỉ cần gia hạn thời gian áp dụng, các ngân hàng có thể triển khai ngay để hỗ trợ.

Thứ hai, với mảng nông nghiệp, Ngân hàng NN&PTNT là bà đỡ. Ngoài ra, còn một số ngân hàng thương mại cũng có các gói vay đặc thù dành riêng cho lĩnh vực đầu tư trang trại chăn nuôi như Vietcombank, HDBank, VPBank… Chúng tôi đề nghị hội sở các ngân hàng này tiếp tục gia hạn các gói tín dụng cho các chi nhánh, để triển khai đến các vùng chăn nuôi trọng điểm, điều này là rất cần thiết, vì trang trại đang hoạt động, nếu đứt nguồn vốn sẽ có thể phá sản ngay.

Thứ ba, quá trình thẩm định khách hàng là các doanh nghiệp chăn nuôi, nên có sự tiếp xúc với Hiệp hội để đánh giá tiềm lực khách hàng; có những doanh nghiệp tốt có thể đứng ra bảo lãnh ngân hàng cho vay vốn cho cả chuỗi liên kết từ nông hộ, hợp tác xã, đại lý thức ăn… để tăng quy mô làm ăn.

Thứ tư, hiện nay các ngân hàng địa phương đều đang tích cực giải ngân gói vay hỗ trợ 2% lãi suất từ ngân sách theo Nghị định 31/2022 của Chính phủ và Thông tư 03/2022 của Ngân hành Nhà nước, trong số các lĩnh vực được hỗ trợ có lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, chế biến. Nhưng qua khảo sát sơ bộ thực tế chưa thấy doanh nghiệp, trang trại nào được hưởng gói vay này, chúng tôi mong muốn sớm được kết nối làm việc với cơ quan chức năng, ngân hàng để được tham gia gói hỗ trợ.

Cực chẳng đã chúng tôi mới phải viết tâm thư này vì không đành lòng nhìn vào hoàn cảnh hiện tại và tương lai. Nếu không được tiếp sức kịp thời, chắc chắn khó sẽ lại càng thêm khó.

Hiện nay, ngành chăn nuôi đang rơi dần vào tay các doanh nghiệp FDI vốn nhiều, rẻ và làm ông chủ lớn một chuỗi sản xuất, khả năng cạnh tranh lớn. Nhưng khi thị trường không còn những người nông dân như chúng tôi tham gia thì giá cả sẽ thế nào? Liệu họ có đẩy giá lên để kiếm lời nhanh hay giữ giá bình ổn như mong muốn của chúng ta trong việc kiểm soát giá các mặt hàng bình ổn?

Dù có sự hiện diện của các nhà đầu tư FDI thì chúng tôi vẫn mong muốn người chăn nuôi Việt Nam còn được giữ một phần thị trường. Ðó là công việc mưu sinh, những người nông dân không làm công nhân tại các nhà máy – cũng là cách ổn định an ninh trật tự ở nông thôn.

Ước mong một buổi sáng thức dậy sau những ngày lao động vất vả nhận được quyết định lắng nghe từ Chính phủ và của Thống đốc để những người chăn nuôi, hàng triệu nông hộ sẽ có thêm động lực cùng chung tay sản xuất, tích cực vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay.

Nguyễn Trí Công

Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *