Trên địa bàn tỉnh có nhiều nguồn gen động, thực vật quý. Tuy nhiên, do tác động của con người cũng như biến đổi khí hậu, nhiều loài đang đứng trước nguy cơ cạn kiệt. Để khắc phục tình trạng này, Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã triển khai nghiên cứu bảo tồn nguồn gen có giá trị và ứng dụng để phục vụ phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh.
Lạng Sơn có hệ sinh thái phong phú với hệ thực vật gồm 1.012 loài thuộc 532 chi, 161 họ, 5 ngành; hệ động vật gồm 409 loài thuộc 88 họ, 24 bộ. Rừng đặc dụng Hữu Liên là khu vực có đa dạng sinh học cao, tại đây có các loài động thực vật nguy cấp, quý hiếm như: hoàng đàn, hươu xạ, gấu chó, báo lửa, cầy bay… Do tác động của con người, số loài và số lượng các loài động thực vật đặc sản, quý hiếm ngày càng suy giảm. Trước năm 2020, đã có một số nghiên cứu KH&CN trong lĩnh vực bảo tồn động, thực vật đặc sản, có giá trị như: quýt Bắc Sơn, quýt Tràng Định, đào Mẫu Sơn, na Chi Lăng, mít Hữu Lũng, dứa Hữu Lũng, hồng Vành khuyên Văn Lãng, hồng không hạt Bảo Lâm… những đề tài này đã có đóng góp nhất định vào công tác bảo tồn, lưu giữ nguồn gen.
Chuyên viên Sở Khoa học và Công nghệ kiểm tra tiến độ triển khai dự án bảo tồn nguồn gen đối với các cây dược liệu tại huyện Hữu Lũng
Từ năm 2020, Sở KH&CN tham mưu UBND tỉnh ban hành Đề án khung các nhiệm vụ bảo tồn nguồn gen cấp tỉnh thực hiện trong giai đoạn 2021 – 2025. Mục tiêu của đề án là bảo tồn nguồn gen các động, thực vật đặc sản, đặc hữu, quý hiếm, có giá trị kinh tế cao, có nguy cơ tuyệt chủng của tỉnh Lạng Sơn phục vụ cho khai thác, phát triển; nâng cao nhận thức của cộng đồng về nguồn gen và đa dạng sinh học. Triển khai đề án, từ năm 2021 đến nay, Sở KH&CN đã tiến hành điều tra đánh giá hiện trạng các nguồn gen bản địa quý hiếm, có giá trị cao, có nguy cơ tuyệt chủng trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn như: cây ăn quả đặc sản, rau, cây gia vị, cây có củ, cây dược liệu, cây lâm nghiệp, cây lâm nghiệp ngoài gỗ, hoa, cây cảnh, động vật, thủy sản… Từ đó, Sở KH&CN cũng như các đơn vị liên quan đã lựa chọn nguồn gen có tính cấp thiết, nguy cấp, đang bị đe dọa, chưa được bảo tồn đưa vào danh sách ưu tiên.
Bà Hoàng Thị Hiên, Trưởng Phòng Quản lý khoa học, Sở Khoa học và Công nghệ cho biết: Qua công tác điều tra, đánh giá thực trạng nguồn gen các loài động, thực vật trên địa bàn tỉnh, Sở đã xác định danh mục 8 loại cây, nhóm cây, động vật có giá trị cần ưu tiên bảo tồn gồm: cây chanh rừng; mận cơm; cam thổng; vịt cổ xanh; cá mó; lan một lá; đào cảnh (đào phai cánh kép, đào chuông) và một số cây dược liệu (ngũ gia bì gai ba lá, thổ tế tân, đẳng sâm, giảo cổ lam, hồi núi, bình vôi hoa đầu, lõi tiền, hà thủ ô đỏ, hoàng tinh hoa trắng). Đây đều là những nguồn gen quý, hiếm, có giá trị kinh tế cao khi được bảo tồn và phát triển. Để bảo tồn được một nguồn gen bản địa cần phải thời gian từ 4 đến 5 năm để nghiên cứu, phát triển, ứng dụng, chính vì vậy trong năm 2021, Sở KH&CN đã tiến hành tuyển chọn 8 đơn vị có đủ năng lực, kinh nghiệm để triển khai nhiệm vụ bảo tồn nguồn gen.
Thực hiện nhiệm vụ bảo tồn nguồn gen, từ năm 2021 đến nay, các đơn vị đã và đang tiến hành xây dựng dữ liệu nguồn gen đối với các động, thực vật trong danh mục; xây dựng vườn sưu tập, tuyển chọn cây, con ưu tú, nhân giống phục vụ khai thác phát triển nguồn gen; nghiên cứu xây dựng kỹ thuật nhân giống, nuôi trồng các loại cây, con phù hợp với điều kiện sinh thái của Lạng Sơn. Đặc biệt, mỗi đề tài đều có nội dung xây dựng mô hình trồng mới, chăn nuôi nhằm nâng cao năng suất, chất lượng. Khi các mô hình phát huy hiệu quả, các nhóm thực hiện đề tài sẽ xây dựng tài liệu về quy trình nhân giống, chăm sóc và tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật cho nông dân trên địa bàn nhằm nâng cao hiệu quả công tác bảo tồn nguồn gen và phát huy những giá trị về kinh tế, xã hội mà công tác này mang lại.
Tiến sỹ Lê Thị Mỹ Hà, Viện nghiên cứu rau quả, chủ nhiệm đề tài “Nghiên cứu bảo tồn và phát triển nguồn gen cây chanh rừng tại Lạng Sơn” cho biết: Đề tài được triển khai từ tháng 2/2021, đến nay chúng tôi đã tuyển chọn được 15 cây ưu tú phục vụ công tác nhân giống, khai thác phát triển nguồn gen cây chanh rừng. Chúng tôi cũng đã xây dựng tài liệu về kỹ thuật nhân giống, trồng thâm canh cây chanh rừng phù hợp với điều kiện sinh thái của Lạng Sơn; xây dựng mô hình trồng mới giống chanh rừng với quy mô 1 ha tại xã Mẫu Sơn, huyện Lộc Bình. Trong thời gian tới chúng tôi sẽ tổ chức tập huấn phố biến kiến thức, kinh nghiệm và chuyển giao khoa học kỹ thuật trồng, chăm sóc cây chanh rừng cho người dân trên địa bàn huyện nhằm nâng cao hiệu quả khai tác nguồn gen, giúp nông dân có thêm thu nhập.
Hằng năm Sở KH&CN đều tiến hành kiểm tra 1 – 2 lần nhằm đảm bảo các đề tài được triển khai đúng tiến độ. Đến nay, cả 8 đề tài bảo tồn nguồn gen theo Đề án khung các nhiệm vụ bảo tồn nguồn gen cấp tỉnh thực hiện trong giai đoạn 2021 – 2025 đều đã đạt được mục tiêu về bảo tồn nguồn gen, bước đầu ứng dụng các nguồn gen vào sản xuất góp phần vào phát triển kinh tế, xã hội.
Việc bảo tồn nguồn gen, nhất là động, thực vật quý hiếm là vấn đề cấp bách, có tính chất toàn cầu trong bối cảnh bùng nổ dân số và sự thay đổi của môi trường, khí hậu như hiện nay. Việc bảo tồn, khai thác nguồn gen bền vững có vai trò quan trong trong phát triển kinh tế, xã hội và bảo vệ môi trường, duy trì đa dạng sinh học. Mong rằng, thời gian tới sẽ tiếp tục có nhiều nguồn gen quý, đặc hữu của tỉnh được quan tâm, bảo tồn và phát triển.
Từ năm 2021 đến nay, Sở KH&CN đã tiến hành điều tra đánh giá hiện trạng các nguồn gen bản địa quý hiếm, có giá trị cao, có nguy cơ tuyệt chủng trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn như: cây ăn quả đặc sản, rau, cây gia vị, cây có củ, cây dược liệu, cây lâm nghiệp, cây lâm nghiệp ngoài gỗ, hoa, cây cảnh, động vật, thủy sản… Từ đó, lựa chọn nguồn gen có tính cấp thiết, nguy cấp, đang bị đe dọa, chưa được bảo tồn đưa vào danh sách ưu tiên.