Cho khát vọng bay cao, bay xa

(Người Chăn Nuôi) – Mới đây, Bộ NN&PTNT đã có văn bản thông báo ý kiến kết luận của Thứ trưởng Phùng Ðức Tiến tại Hội nghị triển khai xây dựng chuỗi, vùng an toàn dịch bệnh (ATDB) ngày 11/5/2023, nhấn mạnh, toàn ngành hướng đến năm 2025 sẽ xây dựng thành công ít nhất 4 huyện ATDB theo tiêu các chuẩn của Tổ chức Thú y Thế giới (WOAH/OIE); đến năm 2030 đạt 10 huyện.

Hướng đến xuất khẩu

Theo đánh giá của Bộ NN&PTNT, trong thời gian vừa qua, công tác xây dựng cơ sở, vùng ATDB đạt kết quả rất tốt, đáng biểu dương, lũy kế đến tháng 5/2023, cả nước có trên 2.230 cơ sở, vùng chăn nuôi tại 55 tỉnh, thành phố được chứng nhận ATDB (trong đó có các cơ sở, vùng ATDB đối với nhiều loài động vật, nhiều bệnh), bao gồm: 922 cơ sở, vùng chăn nuôi gia cầm; 1.133 cơ sở, vùng chăn nuôi heo và 175 cơ sở, vùng chăn nuôi gia súc khác.

Các vùng chăn nuôi ATDB trong thời gian qua đã bảo đảm nguồn cung thực phẩm cho tiêu dùng trong nước chất lượng tốt; đặc biệt sản phẩm thịt gà chế biến đã được phép xuất khẩu sang nhiều nước, vùng lãnh thổ.

chăn nuôi an toàn dịch bệnh

Việt Nam phấn đấu đến năm 2030 sẽ có thêm ít nhất 10 huyện đạt ADB theo tiêu chuẩn của WOAH/OIE. Ảnh: SS

Tuy vậy, theo đánh giá của Bộ NN&PTNT thì hạn chế cơ bản hiện nay là thiếu những điểm nhấn, nhưng mô hình nổi bật, điển hình là toàn quốc chưa có cơ sở, vùng đạt ATDB theo tiêu chuẩn của WOAH/OIE. Các vùng nuôi, địa phương, ban ngành đang tập trung vào thị trường nội địa nên chưa thực sự tập trung đầu tư vào việc đàm phán về thú y và đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi.

Lãnh đạo Bộ NN&PTNT lưu ý: Ðề nghị UBND các tỉnh, thành phố – Căn cứ các Chiến lược, Chương trình, Kế hoạch quốc gia của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; các văn bản chỉ đạo của Bộ NN&PTNT để xây dựng kế hoạch cụ thể của các địa phương và tổ chức triển khai thực hiện; cần đặt mục tiêu cụ thể về thời gian, chất lượng và yêu cầu kết quả cần đạt được, theo đó, hướng đến năm 2025 sẽ xây dựng thành công ít nhất 4 huyện ATDB theo tiêu chuẩn của WOAH/OIE; đến năm 2030 đạt 10 huyện; phân công nhiệm vụ, trách nhiệm cụ thể cho từng tổ chức, cá nhân có liên quan.

Tập trung nâng cao chất lượng, thương hiệu

Bộ NN&PTNT chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, các địa phương và các doanh nghiệp tổ chức nghiên cứu kỹ các quy định của Việt Nam, quy định của WOAH/OIE và yêu cầu của các nước nhập khẩu để xây dựng kế hoạch cụ thể, tổ chức xây dựng các chuỗi, vùng chăn nuôi ATDB hướng đến xuất khẩu.

Cần có yêu cầu cụ thể đối với các cơ sở chăn nuôi mới phát sinh trong vùng ATDB, bố trí các trạm kiểm soát vận chuyển động vật, sản phẩm động vật để ngăn chặn, không để các loại mầm bệnh từ bên ngoài xâm nhiễm vào vùng ATDB.

Xây dựng cơ chế, chính sách, bố trí kinh phí đầu tư để thực hiện được các giải pháp kỹ thuật phù hợp với các hoạt động thú y nhằm xây dựng và duy trì chuỗi, vùng ATDB; có chính sách ưu đãi đối với công tác hỗ trợ xây dựng hình thành chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm.

Ðặc biệt tăng cường xây dựng hồ sơ đăng ký chứng nhận cơ sở ATDB theo quy định của Việt Nam; chuẩn bị hồ sơ và tham gia mời cơ quan thẩm quyền của nước nhập khẩu đến đánh giá, công nhận chuỗi ATDB theo quy định của WOAH/OIE và theo yêu cầu của nước nhập khẩu.

Bộ NN&PTNT cũng đề nghị Công ty De Heus Việt Nam xác định rõ mục tiêu, chiến lược phát triển và thị trường hướng tới để xuất khẩu thịt gà, trứng gà trong thời gian tới, đồng thời phối hợp với chính quyền, các cơ quan chuyên môn của các địa phương để tổ chức xác định và xây dựng vùng chăn nuôi có nguy cơ thấp nhất có thể.

Xây dựng các vùng nuôi, sản xuất khép kín

Những năm gần đây Sở NN&PTNT Ðồng Nai đã tích cực ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi an toàn sinh học, ATDB, tổ chức sản xuất theo chuỗi khép kín.

Tỉnh đã có 7 vùng được công nhận vùng ATDB với bệnh cúm gia cầm và Newcastle gồm: Trảng Bom, Thống Nhất, Vĩnh Cửu, Ðịnh Quán, Cẩm Mỹ, Long Thành và TP. Long Khánh (2 vùng Thống Nhất và Trảng Bom hết hiệu lực vào tháng 5/2022). Bên cạnh đó, 11 xã được chứng nhận ATDB với bệnh cúm gia cầm và Newcastle; 655 trang trại chăn nuôi được chứng nhận ATDB (trong đó có 403 trại chăn nuôi ATDB còn hiệu lực gồm 167 trại gà, 31 trại vịt, 5 trại bò và 200 trại heo)…

Xây dựng vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh

Xây dựng vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh là yếu tố quan trọng thúc đẩy xuất khẩu. Ảnh: Shutterstock

Tại tỉnh Tây Ninh, sau 2 năm thực hiện chiến lược phát triển chăn nuôi, tỉnh có 64 cơ sở chăn nuôi được cấp giấy chứng nhận an toàn dịch bệnh (47 cơ sở chăn nuôi gà, 15 cơ sở chăn nuôi heo, 2 cơ sở chăn nuôi bò). Trên địa bàn tỉnh còn có 3 chuỗi cung ứng thịt heo an toàn chuỗi của hệ thống Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam với 98 cửa hàng cung cấp thịt sạch; chuỗi giá trị chăn nuôi heo của Công ty Cổ phần Nông nghiệp BAF Việt Nam; chuỗi giá trị chăn nuôi gà của Tập đoàn Hùng Nhơn – De Heus – Bel Gà; nhà máy sản xuất trứng gà thương phẩm của Công ty TNHH QL Vietnam Agroresources và Công ty QL Farm tại huyện Tân Biên, sản lượng trứng  bình quân khoảng 700.000 trứng/ngày/trại.

Nhiều thách thức

Ngành chăn nuôi đang chuyển mạnh sang sản xuất hàng hóa với quy mô hiện đại, hướng đến xuất khẩu, song vẫn còn nhiều thách thức.

Ngành nông nghiệp Ðồng Nai đánh giá, nguy cơ dịch bệnh vẫn tiềm ẩn do có 18.000 hộ chăn nuôi nhỏ lẻ (sản phẩm chỉ chiếm dưới 10% tổng đàn) và thực tế nhiều ổ dịch xảy ra tại các nông hộ chăn nuôi nhỏ lẻ này.

Các doanh nghiệp và vùng nuôi cũng cho rằng, việc tiêu thụ sản phẩm khó khăn, giá cả bấp bênh khiến việc đầu tư cho ngành chăn nuôi ATDB bị ảnh hưởng. Ðặc biệt từ đầu năm tới nay, giá nguyên liệu thức ăn tăng cao trên toàn cầu ảnh hưởng đến giá thành chăn nuôi. Việc tiêu thụ sản phẩm cũng khó khăn.

ngành chăn nuôi

Ngành chăn nuôi đang chuyển mạnh sang sản xuất hàng hóa với quy mô hiện đại. Ảnh: Shutterstock

Công ty Cổ phần Tập đoàn Dabaco Việt Nam (cung ứng khoảng 700.000 con heo mỗi năm) đã công bố báo cáo tài chính quý I/2023 với doanh thu thuần đạt 2.313 tỷ đồng, giảm 17% so cùng kỳ.  Năm 2023, Dabaco đặt mục tiêu doanh thu đạt 24.562 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 569 tỷ đồng. Tuy nhiên, kết thúc quý I/2023, Dabaco ghi nhận lỗ gộp tới 70 tỷ đồng, cộng thêm các khoản thuế phí, doanh nghiệp báo lỗ gần 321 tỷ đồng.

Công ty Cổ phần Nông nghiệp BAF Việt Nam báo cáo tài chính quý I/2023, BAF ghi nhận doanh thu đạt 816 tỷ đồng, giảm 47% so cùng kỳ năm trước. Năm 2023, BAF đặt kế hoạch kinh doanh với doanh thu 7.526 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 301 tỷ đồng, song trong quý I/2023 sau khi trừ các chi phí, lợi nhuận của BAF chỉ là 3,9 tỷ đồng, giảm đến 95,5% so với quý I/2022.

Tuy nhiên, các chuyên gia tài chính đều dự báo việc tiêu thụ sản phẩm và doanh thu của các “ông lớn” ngành chăn nuôi sẽ khôi phục trong thời gian tới, khi nền kinh tế hồi phục vào cuối năm 2023 và đầu năm 2024.

Dịch bệnh và nhập lậu

Dịch bệnh cơ bản được khống chế trên toàn quốc, song vẫn diễn biến phức tạp. Từ đầu năm đến nay, theo Cục Thú y, cả nước phát sinh 7 ổ dịch cúm gia cầm A/H5N1. Tổng số gia cầm mắc bệnh, chết và tiêu hủy hơn 9.600 con.

Tính đến đầu tháng 3/2023, cả nước đã xảy ra 68 ổ Dịch tả heo châu Phi tại 22 tỉnh, thành phố, buộc tiêu hủy gần 3.000 con heo (các ổ dịch chủ yếu xảy ra tại các cơ sở chăn nuôi nông hộ, không bảo đảm các yêu cầu chăn nuôi an toàn sinh học).

Theo Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Gia cầm Việt Nam Nguyễn Thanh Sơn, có nhiều thông tin về gà thải loại từ các quốc gia lân cận vận chuyển bằng đường bộ vào Việt Nam. Các cơ quan chức năng cũng bắt giữ nhiều vụ vận chuyển gia súc, gia cầm buôn lậu qua biên giới.

Mới đây, Bộ NN&PTNT đã đề nghị Bộ Công an chỉ đạo lập chuyên án đấu tranh với các đối tượng vận chuyển, buôn bán gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu qua biên giới. Bộ cũng đề nghị lực lượng Công an phối hợp lực lượng chức năng của Bộ Công thương, Bộ Tài chính, Bộ NN&PTNT và chính quyền các địa phương trong việc ngăn việc nhập lậu gia súc, gia cầm gây nguy cơ lây lan dịch bệnh khó kiểm soát, đồng thời ảnh hưởng sẽ đến các vùng nuôi an toàn sạch bệnh đang được dày công xây dựng.

Việc nhập khẩu sản phẩm gia cầm theo đường chính ngạch số lượng lớn cũng khiến cạnh tranh trên thị trường nội địa ngày càng khốc liệt. Trong 3 tháng đầu năm 2023, lượng thịt gia cầm đã qua giết mổ nhập về là 47.817 tấn.

Ðẩy nhanh tiến độ xuất khẩu

Cuối năm 2020, ngành chăn nuôi Bình Phước đã có lô thịt gà chế biến đầu tiên xuất khẩu đi Hồng Kông, đến nay đã mở rộng sang thị trường Nhật Bản và một số nước trong khu vực châu Á. Bình Phước đang đặt mục tiêu đến năm 2025 các sản phẩm nông nghiệp chủ yếu của tỉnh có tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 2,5 tỷ USD/năm và đến năm 2030 đạt 3,5 tỷ USD/năm.

Theo Cục Chăn nuôi, năm 2017, lần đầu tiên nước ta xuất khẩu chính ngạch thịt gà sang Nhật Bản. Năm 2019, kim ngạch xuất khẩu gia cầm đạt 18 triệu USD; năm 2020 tăng 2%. Năm 2021, thịt gà chế biến xuất khẩu đạt 2.531 tấn, tăng 36,58%. Năm 2022, Việt Nam xuất khẩu 18,87 nghìn tấn thịt và sản phẩm từ thịt gia cầm các loại, giá trị đạt 84,6 triệu USD, tuy giảm 3,3% về lượng nhưng tăng 3,62% về giá trị so với năm 2021.

Trong tháng 2/2023, giá trị xuất khẩu đạt hơn 501,5 nghìn USD, cao hơn gấp 2 lần so với cùng kỳ năm 2022.

Theo số liệu thống kê của Bộ NN&PTNT, giá trị xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi trong tháng 3/2023 ước đạt 47,4 triệu USD, đưa tổng giá trị xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi 3 tháng đầu năm 2023 đạt 114,9 triệu USD, tăng 46,5% so cùng kỳ năm 2022. Ðặc biệt, sản phẩm thịt, phụ phẩm dạng thịt và phụ phẩm ăn được sau giết mổ đạt 37 triệu USD, tăng 80,1%.

Năm 2022, Việt Nam xuất khẩu thức ăn chăn nuôi đạt 1,1 tỷ USD. Năm 2023 xuất khẩu cũng tăng trưởng tích cực. Xuất khẩu sang các nước Ðông Nam Á thời gian gần đây rất ấn tượng, xuất khẩu thức ăn chăn nuôi sang thị trường Campuchia trong 2 tháng đầu năm 2023 đạt gần 25 triệu USD, tăng gần 24% so với cùng kỳ năm trước. Thị trường Malaysia, trong 2 tháng kim ngạch đạt 15,5 triệu USD, tăng gần 67% so cùng kỳ.

Những kết quả xuất khẩu tích cực cho thấy, dù kinh tế thế giới đang suy thoái vì chiến tranh, xung đột, lạm phát, nhưng với các quyết sách và nỗ lực, ngành nông nghiệp, các doanh nghiệp và người nông dân Việt Nam vẫn đang tiếp tục chinh phục các thị trường bằng các sản phẩm chăn nuôi chất lượng, giá cả hợp lý. Các chuyên gia thị trường đều đánh giá, với tiềm lực về con người, truyền thống chăn nuôi, nền kinh tế năng động, hiện đại, sản phẩm chăn nuôi của Việt Nam ngày càng thu hút sự quan tâm của các thị trường trên toàn thế giới.

>> Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Ðức Tiến cho biết: “Việt Nam phấn đấu đến năm 2030 sẽ có thêm ít nhất 10 huyện đạt an toàn dịch bệnh theo tiêu chuẩn của WOAH/OIE, đáp ứng yêu cầu xuất khẩu động vật, sản phẩm động vật. Ðây là mục tiêu hoàn toàn khả thi nếu có sự quyết tâm, đồng lòng của các doanh nghiệp, các địa phương và của các bộ, ngành liên quan”.

Ông Phùng Đức Tiến

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT

Nguyễn Anh

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *