Lạm phát đe dọa ngành gia cầm

(Người Chăn Nuôi) – Lạm phát chỉ là tạm thời hay sẽ kéo dài? Dù thế nào, thì chi phí tăng cao đang ảnh hưởng không nhỏ đến lợi nhuận của các hãng gia cầm và nhiều ngành công nghiệp khác.

Chi phí leo thang

Tại Mỹ, chỉ số giá tiêu dùng đã chạm 6,2% vào tháng 11/2021 – mức cao nhất kể từ tháng 11/1990. Chi phí cho một bữa ăn tối vào ngày lễ Thanksgiving tại Mỹ đã tăng 14% vào năm ngoái. Tại Anh, tỷ lệ lạm phát vào tháng 10/2021 đã đạt ngưỡng cao nhất trong vòng 10 năm qua. Trong khi tại Tây Ban Nha, các chi phí vào tháng 10/2021 đã tăng cao lên mức cao nhất kể từ năm 1992.

Ngành chăn nuôi gia cầm cũng không thoát khỏi những ảnh hưởng từ xu hướng giá cả leo thang, mặc dù không phải các nước sản xuất đều chịu tác động theo những cách giống nhau. Giá thức ăn tăng cao, giá dầu leo thang đang tạo ra tác động lan tỏa mạnh mẽ. Như các ngành công nghiệp khác, các công ty gia cầm cũng đang phải gánh vô số chi phí phụ trội do ảnh hưởng của COVID-19.

lạm phát

Ảnh: Wattagnet

Tất cả yếu tố này đang làm cho chi phí sản xuất tăng cao. Tới một mức độ nào đó, một số chi phí có thể được giải quyết thông qua đầu tư và phương thức làm việc hiệu quả hơn nhưng những sự thay đổi này không thể diễn ra nhanh chóng. Trong ngắn hạn, các hãng bán lẻ sẽ chuyển chi phí gia tăng sang người tiêu dùng nếu như kinh doanh duy trì lợi nhuận. Tuy nhiên, một số nhà sản xuất gia cầm đã cắt giảm sản xuất vì chi phí đầu vào tăng cao.

 

Giá tiêu dùng tăng

Tháng 9/2021, Ricardo Santin, Chủ tịch Hiệp hội protein động vật (ABPA) tại Brazil nhấn mạnh rằng, chi phí sản xuất gia cầm tại nước này đã tăng 44% so 12 tháng trước đó và thức ăn chiếm tỷ lệ tăng cao nhất.

Tháng 10/2021, Ranjit Singh Boparan, người sáng lập kiêm Chủ tịch Sisters Food Group, hãng sản xuất gia cầm lớn nhất Anh và lớn thứ 6 châu Âu khẳng định, thời đại mà người tiêu dùng chỉ cần 4,05 USD là đủ mua gia cầm cho cả gia đình 4 người đã kết thúc. Ông cho rằng, chi phí thức ăn đã tăng 15% trong khi chi phí của những hàng hóa ít phổ biến hơn như phụ gia thức ăn, chất khử trùng… tăng 20%. Tiền lương cũng tăng 20%. Về năng lượng, Boparan nhấn mạnh, Công ty đang đối mặt chi phí tăng 450% lên 550% so với năm 2019.

Ngành gia cầm của Tây Ban Nha đang gặp khó khi chi phí leo thang và thị trường bị thu hẹp. Các hãng sản xuất tại Tây Ban Nha và đối tác tại các quốc gia khác cũng phải gánh chịu chi phí để ứng phó với COVID-19 và tiền lương tại các nhà máy chế biến đã tăng hơn 5%.

 

Vẫn hút người tiêu dùng

Các hãng sản xuất không chịu hết toàn bộ chi phí gia tăng mà sẽ chuyển một phần sang người tiêu dùng. Điều này có nghĩa, người tiêu dùng sẽ phải chịu chi phí tăng đối với tất cả loại thịt. Thực tế, thịt gia cầm là loại protein có mức giá hợp lý nhất nên khi giá cả tất cả loại thịt khác tăng cao lại trở thành động lực làm tăng nhu cầu tiêu dùng thịt gà.

Vẫn có quá nhiều ý kiến tranh cãi về việc lạm phát tạm thời hay kéo dài. Nếu thế giới kiểm soát được COVID-19, thì lạm phát có thể chấm dứt. Những nền kinh tế cũng trở về trạng thái bình thường và những trở ngại trong chuỗi cung ứng sẽ được giải quyết trong khi những lo ngại về lạm phát tăng cao khiến các ngân hàng trung tâm phải tăng lãi suất.

Một số chi phí phụ trội mà nhà sản xuất phải gánh trong hơn 2 năm qua sẽ vẫn duy trì. Riêng chi phí thức ăn và những chi phí năng lượng vẫn không thể đoán trước. Tuy nhiên, nếu tỷ lệ lãi suất tăng, người tiêu dùng sẽ chi tiêu ít hơn và giúp kiểm soát lạm phát. Gia cầm vẫn là loại thịt có giá hợp lý nhất và cho dù giá đắt hơn một chút thì kênh bán lẻ đến người tiêu dùng sẽ không quay lưng với thực phẩm này.

Tuấn Minh

(Theo Poultryinternational)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *