Châu Âu: 5 nguyên tắc vàng trong dinh dưỡng chăn nuôi

(Người Chăn Nuôi) – Để giải quyết các mối lo ngại sức khỏe cộng đồng và môi trường, ngành nông nghiệp tại châu Âu buộc phải loại bỏ hoặc giảm sử dụng các giải pháp chăn nuôi trước đây. Dưới đây là 5 nguyên tắc hàng đầu mà các hãng dinh dưỡng chăn nuôi tại EU phải ghi nhớ.

Giảm kháng sinh

Khi chăn nuôi không kháng sinh, các trang trại buộc phải đặt ưu tiên sức khỏe đường ruột lên trên mục tiêu tăng trưởng của vật nuôi. Duy trì cân bằng và hệ vi khuẩn có lợi là điều thiết yếu để đảm bảo sức khỏe cho vật nuôi. Chính vì vậy, probiotics, prebiotics, thảo dược và enzyme đang được sử dụng phổ biến trong ngành dinh dưỡng chăn nuôi tại châu Âu.

Quản lý sức khỏe đường ruột của vật nuôi chính là chìa khóa để các công ty tại châu Âu có thể đạt hiệu suất chăn nuôi tối ưu. Nếu làm mất cân bằng hệ vi khuẩn đường ruột sẽ dẫn đến tình trạng viêm nhiễm; từ đó ảnh hưởng xấu tới toàn hệ thống tiêu hóa; không chỉ khiến vật nuôi dễ bị tổn thương hơn trước các tác nhân viêm nhiễm, mà còn làm giảm khả năng hấp thu chất dinh dưỡng, dẫn đến rối loạn hệ tiêu hóa.

Giảm kháng sinh trong chăn nuôi là biện pháp ưu tiên hàng đầu         Ảnh: ST

Loại bỏ oxit kẽm

Oxit kẽm được bổ sung vào khẩu phần ăn để ngăn chặn bệnh tiêu chảy ở heo con giai đoạn cai sữa, nhưng có thể ảnh hưởng xấu tới năng suất đàn heo. Tuy nhiên, châu Âu đã quyết định ban hành lệnh cấm sử dụng oxit kẽm liều cao từ năm 2022 trước các mối lo ngại sức tới khỏe vật nuôi và môi trường do oxit kẽm gây ra. Phụ gia này cũng là một trong những nguyên nhân làm tăng tình trạng kháng kháng sinh. Bởi vậy, các hãng sản xuất đang nỗ lực tìm kiếm chiến lược thay thế oxit kẽm để ngăn chăn dịch bệnh tiêu chảy. Có thể sử dụng các phụ gia hỗ trợ phát triển đường ruột, tăng cường miễn dịch, và tác động tích cực lên hệ vi khuẩn đường ruột. Nhờ đó, hỗ trợ heo khỏe mạnh suốt giai đoạn thử thách dịch bệnh.

Các loại thức ăn lên men dành cho heo cũng được coi là một chiến lược dinh dưỡng phổ biến tại châu Âu. Thành phần nguyên liệu chính để sản xuất phụ gia này là lúa mì hoặc lúa mạch, được lên men bằng sự kết hợp độc đáo các loại vi khuẩn trước khi bổ sung vào thức ăn lỏng của heo. Sử dụng các sản phẩm axit có độ pH thấp hơn nhiều so với mức thông thường để hỗ trợ quá trình axit hóa thức ăn, nhanh chóng làm giảm pH của đường ruột cũng như tạo ra probiotic hoạt tính. Phương pháp dinh dưỡng này này có thể được sử dụng cho heo ở mọi lứa tuổi, nhưng đặc biệt có lợi cho heo con và heo nái. Hiệu suất chăn nuôi được nâng cao nhờ rút ngắn thời gian nuôi đến giết mổ, tăng tỷ lệ sống của heo sơ sinh và sức khỏe của heo con.

Thức ăn sạch khuẩn

Châu Âu đã cấm sử dụng formaldehyde trong thức ăn chăn nuôi từ đầu năm 2018. Đây từng là một sản phẩm công dụng mạnh, giá rẻ và cực kỳ hiệu quả để ngăn ngừa thức ăn bị nhiễm khuẩn. Nhiều nguyên liệu thức ăn có rủi ro nhiễm khuẩn rất cao như đậu tương, hạt hướng dương và hạt cải. Các hãng thức ăn hiện nay đã sử dụng axit hữu cơ để xử lý thức ăn. Nhưng hiệu quả của axit hữu cơ vẫn chưa được đánh giá và nghiên cứu nhiều trong việc làm giảm nhiễm khuẩn thức ăn hoặc ngăn chặn tái nhiễm khuẩn.

Châu Âu cũng xây dựng các chiến lược lý tưởng tăng cường vệ sinh thức ăn nhằm loại trừ mọi rủi ro nhiễm khuẩn trước khi thức ăn được đưa vào lò silo và sau đó thức ăn hoàn chỉnh lại được xử lý vệ sinh thêm một lần nữa. Bước đầu tiên để ngăn chặn sự thâm nhập của các tác nhân nhiễm khuẩn vào trong nhà máy chế biến thức ăn. Bước tiếp theo nhằm loại trừ khả năng tái nhiễm khuẩn, giúp sản phẩm thức ăn hoàn chỉnh đảm bảo an toàn khi đến tay người chăn nuôi.

Kháng cầu trùng

Thụy Điển từng đề xuất châu Âu cấm các loại kháng sinh liên quan đến kháng cầu trùng. Đến nay, lệnh cấm toàn diện lên kháng cầu trùng đang bị trì hoãn tại châu Âu bởi còn quá nhiều tranh cãi về sự cần thiết của loại kháng sinh này trong chăn nuôi. Một số loại thuốc ngừa cầu trùng coccidiostats được phân loại như phụ gia thức ăn chăn nuôi nên không yêu cầu kê đơn thuốc thú y. Tuy nhiên, sản phẩm này phải được sử dụng ở liều lượng theo đúng chỉ dẫn. Có hai loại ngừa cầu trùng gồm coccidiostat hóa học và gốc ionphore. Loại đầu tiên không có hoạt tính kháng khuẩn, nhưng loại thứ 2 lại có. Đây là lý do tại sao sử dụng chúng phải cực kỳ cẩn thận vì được xem như một phương pháp ngăn chặn hoặc xử lý bằng kháng sinh. Tuy nhiên, loại thuốc này không sử dụng cho người, nên không gây ra tình trạng kháng thuốc.

Nhưng tồn dư coccidiostats được tìm thấy trong trứng gia cầm đã dấy lên nhiều lo ngại sức khỏe khắp châu Âu. Dù vậy, đến nay, chưa có bằng chứng khoa học khẳng định coccidiosis ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe cho gia cầm, hiệu suất chăn nuôi và phúc lợi động vật. Do đó, chúng vẫn được coi là một loại thuốc an toàn và cần thiết trong chăn nuôi.

Phát thải ammonia

Người chăn nuôi tại châu  Âu vẫn đang phải đối mặt với những luật lệ môi trường nhưng họ có thể giúp vật nuôi giảm giảm bài tiết ni tơ qua các chiến lược cho ăn cải tiến và phụ gia mới. Dưỡng chất thực vật, axit hữu cơ, enzyme, probiotic, chất tối ưu protein và phụ gia chất xơ đều làm giảm phát thải ammonia tùy từng đối tượng vật nuôi. Tuy nhiên, những giải pháp này cần phải được cân nhắc cùng những điều chỉnh trong công thức sử dụng.

Các nghiên cứu trên heo cho thấy, giảm hàm lượng đạm thô (CP) xuống 1% sẽ giảm 8 – 10% bài tiết nitơ. Tuy nhiên, không phải loại protein mà chính là liều lượng, tỷ lệ và khả năng tiêu hóa/sự sẵn có của axit amin mới ảnh hưởng đến hiệu suất chăn nuôi. Dù là giải pháp nào cũng phải xem xét kỹ lưỡng yếu tố cân bằng dinh dưỡng và tác động môi trường. Ví dụ, châu Âu giảm lượng sử dụng protein đậu tương để nâng cao sản xuất bền vững và giảm chi phí thức ăn.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *