Hơn 2 tháng kể từ khi xảy ra tình trạng bò sữa của hàng trăm hộ dân tại các huyện Đức Trọng, Đơn Dương, Lâm Hà… bị mắc bệnh tiêu chảy và chết sau khi tiêm vắc xin Navet-LpVac phòng chống bệnh viêm da nổi cục do Công ty Cổ phần Thuốc thú y Trung ương Navetco cung cấp, qua 2 lần làm việc vào ngày 28/9 và ngày 6/10, người dân vẫn chưa đồng thuận với mức giá bồi thường, hỗ trợ đối với bò bị chết và bệnh mà Công ty đưa ra.
Tăng mức bồi thường nhưng không đáng kể
Sau khi đưa giá bồi thường, hỗ trợ tại buổi làm việc trước vào ngày 28/9 và không được các hộ dân bị thiệt hại chấp thuận, tại buổi làm việc lần này, Công ty Navetco nâng tổng mức bồi thường, hỗ trợ lên 50 tỷ đồng, tăng 7 tỷ đồng so với lần khảo sát lấy ký kiến người dân lần đầu.
Trong khi đó, theo tính toán của các hộ dân trình bày tại buổi làm việc, nếu chỉ tính giá trị đàn bò bị chết, bệnh theo giá bò thịt bán trên thị trường, thì tổng thiệt hại đã lên tới mức 500 tỷ đồng. Mức bồi thường, hỗ trợ mà Công ty đưa ra chỉ bằng 1/10 so với thiệt hại thực tế mà người dân đang gánh chịu, do đó, người chăn nuôi bò có thiệt hại vẫn đưa ra ý kiến phản đối.
Bảng giá bồi thường mới được Công ty Navetco đưa ra tại buổi họp ngày 6/10
Theo giá bồi thường, hỗ trợ mà Công ty Navetco đưa ra, mức hỗ trợ đối với bò sữa bị bệnh có đầy đủ hồ sơ, chi phí điều trị bệnh là 1,5 triệu đồng/con, chi phí thiệt hại sản xuất là 3 triệu đồng/con, áp dụng với bò sữa đang khai thác sữa. Bò bệnh bị sẩy thai được bồi thường 7,5 triệu đồng/con, không áp dụng đối với bò chết.
Đối với bò thịt, chi phí hỗ trợ điều trị bệnh 1 triệu đồng/con, hỗ trợ bò bệnh sẩy thai là 5 triệu đồng/con.
Đối với bò sữa bị chết, mức bồi thường 60.000 đồng/kg bò hơi; 70.000 đồng/kg bò hậu bị (bò từ 13 tháng tuổi đến 24 tháng tuổi – PV) mang thai; 80.000 đồng/kg bò sinh sản không mang thai và 85.000 đồng/kg đối với bò sinh sản mang thai.
Mức giá bồi thường, hỗ trợ lần này tăng từ 10 – 15.000 đồng/kg so với lần trước, nhưng theo đa số các hộ dân đánh giá là tăng không đáng kể.
Thời điểm tính bồi thường, hỗ trợ được xác định từ ngày phát sinh ca bệnh đầu tiên đến 16h ngày 26/9. Sau thời gian này, Công ty Navetco sẽ phối hợp cùng Chi cục Chăn nuôi Thú y và Thủy sản Lâm Đồng cùng Cơ quan Thú y địa phương lấy mẫu đối với bò chết, bò sẩy thai để xác định nguyên nhân làm cơ sở thực hiện bồi thường, hỗ trợ. Công ty Navetco sẽ chi trả bồi thường, hỗ trợ cho người chăn nuôi bò sữa bị thiệt hại thành 2 đợt.
Bảng giá bò sữa giống của Công ty Sữa Đà Lạt (Dalat Milk)
Để nhận bồi thường, hỗ trợ, các gia đình có bò sữa bị chết, bị bệnh phải có đầy đủ hồ sơ hợp lệ. Trong phiếu lấy ý kiến, Công ty Navetco cũng yêu cầu bên nhận bồi thường, hỗ trợ cam kết không khiếu nại hay có bất cứ tranh chấp gì liên quan đến số lượng bò và số tiền bồi thường, hỗ trợ sau khi đã được nhận tiền.
Mong được bồi thường thỏa đáng
Trao đổi với phóng viên, hầu hết các hộ dân có bò bệnh, chết vẫn không đồng tình với với mức giá và thời điểm tính bồi thường, hỗ trợ. Vì theo các hộ dân, sau ngày 26/9, vẫn có tình trạng bò bị chết và đặt biệt là bò sữa sau khi mắc bệnh và đang phục hồi thì sản lượng sữa cũng bị giảm mạnh.
Đàn bò sữa đang dần phục hồi nhưng cho sản lượng sữa thấp
Do đó, ảnh hưởng đến sản lượng sữa khai thác là kéo dài, trong khi đa số người chăn nuôi bò sữa phải vay tiền của ngân hàng để duy trì chăn nuôi, phát triển kinh tế nên không thể chốt mốc thời gian 26/9 như Công ty đưa ra.
Ông Phạm Văn Hiếu – Chi hội trưởng Chi hội Nông dân thôn Bồng Lai, xã Hiệp Thạnh, huyện Đức Trọng cho rằng: Mức bồi thường, hỗ trợ mới được Công ty đưa ra cũng không hơn mức giá cũ là bao nhiêu và vẫn chưa thỏa đáng.
Theo thông báo của Công ty Sữa Đà Lạt vào tháng 3/2024, mỗi con bò sữa giống có giá từ 70 – 80 triệu đồng. Trong khi đó, nếu một con bò đang khai thác sữa có trọng lượng 500 kg bị chết, được đền bù với mức giá cao nhất mà Công ty đưa ra thì được khoảng 40 triệu đồng, chỉ bằng một nửa so với giá bò giống.
Chính vì vậy, mức giá bồi thường, hỗ trợ như vậy là không đảm bảo chi phí để người dân tái đàn và chăm sóc đàn bò mới cho đến khi có thu ngập từ việc khai thác sữa. Điều này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống kinh tế của người dân.
Còn theo ông Trần Quang Huy (thôn Lạc Nghiệp, xã Tu Tra, huyện Đơn Dương), mức bồi thường, hỗ trợ do Công ty đưa ra chỉ bằng khoảng 1/3 thiệt hại của người dân, như vậy là không thỏa đáng.
Như tại gia đình tôi, cùng số lượng bò cho thu sữa nhưng trước khi bò mắc bệnh thì sản lượng sữa thu được 600 kg, còn hiện tại thì chỉ thu được 300 kg, giảm 50% sản lượng. Đó là chưa kể đến chi phí về thuốc men để điều trị, hỗ trợ bò phục hồi mỗi ngày.
Với tình hình này, để đảm bảo nguồn thu nhập ổn định lâu dài, bắt buộc chúng tôi phải loại thải những con bò bệnh, sức khỏe yếu, cho sản lượng sữa thấp để tái đàn mới, vì nếu cứ duy trì đàn cũ thì sản lượng sữa thấp mà chi phí chăm sóc sức khỏe cho bò vẫn phải duy trì.
Đa số các hộ dân chăn nuôi bò sữa bị thiệt hại đều cho rằng, sự việc bò bị bệnh, chết xảy ra là ngoài ý muốn, người dân vẫn sẵn sàng chia sẻ với Công ty Navetco. Tuy nhiên, mức bồi thường, hỗ trợ hiện tại là chưa thật sự thỏa đáng. Do đó, người dân mong muốn Công ty tính toán lại mức giá bồi thường, hỗ trợ để giúp người dân nhanh chóng khôi phục sản xuất, ổn định chăn nuôi, khắc phục những thiệt hại nặng nề, bởi lẽ càng để lâu thì thiệt hại của người dân càng lớn, khó có thể bù đắp.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Nguyễn Ngọc Phúc, việc bồi thường, hỗ trợ là thỏa thuận dân sự giữa công ty cung ứng vắc xin và người chăn nuôi bị thiệt hại. Chính quyền sẽ là cầu nối, hỗ trợ cho người dân và công ty đảm bảo có tiếng nói chung, hài hòa giữa những tổn thất của người dân và khả năng chi trả của công ty. Việc thỏa thuận nãy vẫn phải thực hiện cho đến khi đạt được kết quả thống nhất giữa 2 bên.
Chi cục Chăn nuôi Thú y và Thủy sản Lâm Đồng đề nghị Công ty Navetco tiếp tục gặp gỡ các hộ chăn nuôi, dự kiến trong tuần tới, để thỏa thuận lại mức bồi thường, hỗ trợ nhằm có tiếng nói chung trong việc giải quyết thiệt hại cho người dân.
Diễm Thương
Nguồn: Báo Lâm Đồng