Lâm Đồng: Bảo đảm phát triển sản xuất, chăn nuôi những tháng cuối năm

Trong bối cảnh dịch COVID-19 còn diễn biến rất phức tạp, ngành Nông nghiệp Lâm Đồng những tháng cuối năm đặt mục tiêu đẩy mạnh chăn nuôi để đảm bảo cung ứng ra thị trường 9.800 tấn thịt, 32 triệu quả trứng gia cầm và 8.500 lít sữa tươi.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng, trong 9 tháng đầu năm 2021, ngành chăn nuôi trên địa bàn gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 và bệnh viêm da nổi cục xảy ra trên đàn trâu, bò. Dù có những bất lợi, nhưng tình hình sản xuất, chăn nuôi của địa phương nhìn chung phát triển ổn định so với cùng kỳ. Đàn gia cầm có 10,03 triệu con, tăng 20,4%; đàn bò sữa 24.931 con, tăng 3,8%; đàn trâu 13.895 con, giảm 5,5%; sản lượng kén tằm 9.696 tấn, tăng 4,5%; đàn lợn 365.250 con, giảm 9,8%; đàn bò thịt 74.429 con, giảm 1,7%;… 

Để duy trì ổn định sản xuất chăn nuôi trên địa bàn tỉnh, ngành nông nghiệp tỉnh và các địa phương đã tăng cường công tác quản lý nhà nước trên lĩnh vực chăn nuôi. Thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến luật chăn nuôi và các văn bản có liên quan đến người chăn nuôi. Đẩy mạnh công tác dự tính, dự báo về thị trường, xác định nhu cầu sản phẩm chăn nuôi trên thị trường để có cảnh báo, điều chỉnh kế hoạch sản xuất phù hợp với yêu cầu của thị trường. 

chăn nuôi heo

Ngành Nông nghiệp Lâm Đồng đã lên phương án bảo đảm nguồn cung, phục vụ đủ nhu cầu cho thị trường nội tỉnh và các thị trường lân cận

Địa phương cũng tập trung phát triển chăn nuôi theo quy hoạch, kế hoạch, tăng tỷ lệ chăn nuôi quy mô trang trại, có lộ trình để di dời các cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi theo Nghị quyết ngày 15/7/2020 của Hội đồng Nhân dân tỉnh Lâm Đồng.

Ông Phạm Phi Long, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản – Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng cho hay, dự kiến, đến cuối năm 2021 đàn vật nuôi cơ bản đạt kế hoạch đề ra. Theo đó, đàn gia súc phấn đấu đạt khoảng 556.950 con; trong đó, đàn trâu là 13.634 con; bò sữa 24.931 con, bò thịt 74.967 con; đàn lợn 431.250 con; đàn dê 12.168 con; đàn gia cầm, thủy cầm đạt 10,5 triệu con.

Với số lượng vật nuôi trên, dự kiến sản lượng thịt gia súc, gia cầm, trứng và sữa sẽ đảm bảo cung cấp cho thị trường cuối năm 2021. Cũng theo ông Long, việc chăn nuôi được duy trì sẽ đảm bảo thị trường Tết Nguyên đán khoảng 9.800 tấn thịt các loại, 32 triệu quả trứng gia cầm và 8.500 lít sữa tươi. Nguồn sản phẩm này về cơ bản đảm bảo nhu cầu tiêu dùng cho người dân trong tỉnh và xuất bán ra thị trường các tỉnh khác.

Hiện nay, ngành Nông nghiệp Lâm Đồng đang hướng dẫn người chăn nuôi áp dụng các tiến bộ kỹ thuật về giống, thức ăn, thực hiện quy trình chăn nuôi an toàn sinh học, đảm bảo an toàn dịch bệnh nhằm hạn chế rủi ro. Đồng thời, khuyến cáo người chăn nuôi tham gia, mở rộng các chuỗi liên kết trong chăn nuôi nhằm ổn định giá cả và đầu ra cho sản phẩm.

Cùng với đó, ngành nông nghiệp tăng cường phối hợp cùng các địa phương để theo dõi tình hình phát triển sản xuất chăn nuôi và dịch bệnh. Thực hiện tăng đàn, tái đàn lợn trên địa bàn tỉnh để đảm bảo nguồn cung.

Trong bối cảnh tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang tích cực phối hợp với các địa phương tổ chức tiêm phòng vắc xin định kỳ đợt 2/2021 cho gia súc, gia cầm, phấn đấu đạt tỷ lệ tiêm phòng trên 80% so với diện tiêm; phối hợp tổ chức các đợt vệ sinh, khử trùng tiêu độc phòng, chống dịch.

Để thực hiện tốt nhiệm vụ của ngành trong những tháng cuối năm, đặc biệt là việc chuẩn bị cung ứng hàng hóa dịp Tết Nhâm Dần 2022, ngành nông nghiệp tỉnh nhà cũng chú trọng chuyển dịch cơ cấu đàn vật nuôi theo hướng tăng tỷ trọng trang trại chăn nuôi quy mô lớn cũng như khuyến khích phát triển chăn nuôi theo quy mô công nghiệp, chăn nuôi khép kín, chăn nuôi hữu cơ và ứng dụng công nghệ cao. Đồng thời, chú trọng duy trì chăn nuôi nông hộ, chăn nuôi truyền thống theo hướng an toàn sinh học, hạn chế ô nhiễm môi trường. Tập trung liên kết giữa các khâu trong chuỗi giá trị từ sản xuất giống, thức ăn, đến chế biến để nâng cao năng suất, giảm chi phí sản xuất, tăng hiệu quả và tăng khả năng cạnh tranh với sản phẩm nhập ngoại.

C.Phong

Nguồn: Báo Lâm Đồng

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *