Chiến lược thay thế lúa mỳ trong thức ăn chăn nuôi

(Người Chăn Nuôi) – Xung đột tại Ukraine dẫn đến tình trạng thiếu hụt nguồn cung lúa mỳ chưa từng có. Tuy nhiên, để tìm ra nguyên liệu thay thế lúa mỳ, cần nắm chắc các kiến thức dinh dưỡng liên quan.

Phytase

Lúa mỳ chứa phytase tự nhiên, do đó sinh khả dụng tương đối (gia cầm) và khả năng tiêu hóa (heo) của phosphorus cao hơn so với ngô hoặc các loại ngũ cốc khác. Khi loại bỏ lúa mỳ, các công thức mới cần phải được bổ sung phosphorus từ các nguồn vô cơ hoặc phytase bổ sung (nếu được sử dụng).

 

Xylanase

Một số khẩu phần sử dụng các loại lúa mỳ giàu polysaccharide phi tinh bột chứa một enzyme xylanase. Enzyme này góp phần cung cấp một lượng nhỏ năng lượng và làm giảm độ nhớt của ruột, một yếu tố cản trở khả năng tiêu hóa và hấp thụ chất dinh dưỡng của gia cầm. Khi loại bỏ lúa mỳ khỏi các công thức như vậy, không có lý do gì để tiếp tục sử dụng một loại enzyme từ lúa mỳ như xylanase.

 

Threonine

Axit amin hạn chế thứ 2 trong lúa mỳ là threonine. Ngược lại, axit amin hạn chế thứ 2 trong ngô lại là methinonine. Không nên thay thế lúa mỳ bằng ngô theo tỷ lệ 1:1. Cần phải có một công thức hoàn chỉnh để đảm bảo cân bằng tất cả axit amin, chất dinh dưỡng và năng lượng khác.

thay thế lúa mì trong thức ăn chăn nuôi

Cần nắm chắc kiến thức dinh dưỡng liên quan để tìm ra nguyên liệu thay thế lúa mỳ. Ảnh: Adobestock

 

Niacin và choline

Ngô hầu như không chứa Vitamin B3 (niacin), nhưng lúa mỳ và các loại ngũ cốc khác lại chứa nhiều loại vitamin này. Vì vậy nếu dùng ngô thay lúa mỳ và và các premix thiếu niacin, cần phải sử dụng thêm một số niacin để bù đắp sự thiếu hụt Vitamin B3 trong ngô.

Lượng choline trong lúa mỳ gần gấp đôi ngô. Đối với một số loại vật nuôi thì điều này không quan trọng, nhưng với những loài cần bổ sung choline, việc chuyển đổi từ lúa mỳ sang thành phần khác có thể phải điều chỉnh toàn bộ hỗn hợp vitamin.

 

Ép viên

Lúa mỳ chứa một nhóm protein đặc hiệu – glutens, cũng là các chất tạo ra độ dẻo dai cho bánh mỳ. Các glutens cũng giúp viên thức ăn cứng và tạo hình mà không cần chất tạo viên. Ngược lại, một số sản phẩm nông nghiệp chứa quá nhiều chất xơ có thể làm viên thức ăn bị vỡ vụn. Điều này có thể không ảnh hưởng đến hiệu suất chăn nuôi, nhưng gây lãng phí thức ăn và làm giảm sức hấp dẫn của viên thức ăn về mặt hình thức.

 

Chất độn chuồng/trứng bẩn

Lúa mỳ chứa polysaccharides phi tinh bột làm tăng độ nhớt của đường tiêu hóa. Ngoài làm giảm khả năng tiêu hóa chất dinh dưỡng, độ nhớt tăng lên còn dẫn đến việc tích tụ rác thải trong chất độn chuồng (gà công nghiệp) và trứng bẩn (gà đẻ). Để giải quyết các vấn đề này, ngoài enzyme xylanase, còn có thể sử dụng nhiều phụ gia dinh dưỡng. Những phụ gia này có thể được loại bỏ an toàn nếu việc thay thế lúa mỳ không ảnh hưởng đến độ nhớt của ruột.

 

Viêm ruột hoại tử

Một số phụ gia, đặc biệt là phytogenics được nhà sản xuất tung ra thị trường kèm những cam kết về khả năng chống lại viêm ruột hoại tử. Nếu loại bỏ lúa mỳ khỏi thức ăn và các vấn đề viêm ruột hoại tử giảm dần, thì các chuyên gia dinh dưỡng cũng nên cân nhắc xem các phụ gia đó còn cần thiết không.

 

Sắc tố

Lúa mỳ hầu như không chứa sắc tố nào có giá trị khi nói đến khả năng tạo màu lòng đỏ trứng. Khi chuyển sang các thành phần thức ăn thay thế chứa nhiều chất tạo màu, bất kỳ chất tạo sắc tố bổ sung nào (tổng hợp hoặc tự nhiên) đều cần phải được điều chỉnh để duy trì màu sắc ở mức độ được khách hàng chấp nhận. Điều này cũng áp dụng tương tự với chất béo trong thịt gia cầm, ví dụ, gia cầm được nuôi bằng lúa mỳ có xu hướng thịt mỡ trắng hơn trong khi động vật ăn ngô có lớp mỡ vàng.

 

Chất lượng thịt

Ngoài tác động đến sắc tố, lúa mỳ có xu hướng làm thịt mỡ rắn chắc hơn. Trong đó lúa mạch tạo ra chất béo trắng và rắn chắc nhất trong các loại ngũ cốc. Nếu thịt mỡ mềm hơn có thể làm giảm chất lượng thịt heo tươi hoặc thịt chế biến như xúc xích. Mặt khác, các phần thịt nạc lại không gặp phải vấn đề như vậy và đây là điều cần được thảo luận với nhà máy chế biến.

 

Độc tố nấm mốc khác nhau

Ngô thường bị độc tố aflatoxin tấn công, trong khi đó lúa mỳ dễ nhiễm độc tố mycotoxin. Lựa chọn các chất kết dính độc tố nấm mốc phải căn cứ vào từng loại độc tố trên mỗi loại ngũ cốc. Mặt khác, một số sản phẩm nông nghiệp không bị nhiễm bất cứ độc tố nấm mốc nào, nên sử dụng các chất kết dính nấm mốc không còn cần thiết.

>> Lúa mỳ có thể được thay thế bằng nhiều nguyên liệu thô khác, nếu nguồn cung sẵn có và ở mức giá phù hợp nhưng cần tham khảo ý kiến chuyên gia dinh dưỡng.

Dũng Nguyên

 (Theo Allaboutfeed)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *